Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phân cấp cần được luật hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân cấp cần được luật hóa

Diệp Văn Sơn

(TBKTSG) – Quả thật, có rất nhiều điều bất cập trong nền hành chính nước ta, nhưng có lẽ nổi cộm nhất là vấn đề phân công, phân cấp không hợp lý. Chính điều này đã khiến cho quá trình vận hành của nền hành chính luôn xuất hiện những mâu thuẫn.

Nhân đọc bài “Phân cấp trong một hệ thống thống nhất” (TBKTSG số ra ngày 25-3-2010).

Phải nhìn nhận “hơi hám tư duy bao cấp” vẫn còn nặng dấu ấn trong các văn bản hành chính, cái gì Nhà nước cũng “thích” làm thay cho dân, Trung ương thì muốn làm thay cho địa phương, cấp trên thì muốn làm thay cho cấp dưới… Và hệ lụy là triệt tiêu hết mọi động lực và tiềm năng của nhân dân…

Rất dễ nhận thấy, nếu phân công, phân cấp hợp lý sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà và hạn chế tệ nạn tham nhũng. Do quyền hạn và trách nhiệm không rõ ràng, nên giấy tờ và đơn từ của công dân và doanh nghiệp phải chạy vòng vèo hết cấp này đến cấp khác, cấp nào cũng có quyền đặt ra thêm thủ tục, kể cả lệ phí, nhưng cuối cùng không ai đứng ra giải quyết.

Phân công, phân cấp hợp lý sẽ phát huy đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, công chức, tăng hiệu lực điều hành của chính quyền. Phân công, phân cấp hợp lý là tiền đề đưa chính quyền đến gần với dân, nền hành chính sẽ giảm được nguy cơ quan liêu, góp phần dân chủ hóa đời sống xã hội.

Tuy nhiên, muốn phân công, phân cấp đạt kết quả mong muốn thì phải thống nhất quan điểm cấp nào giải quyết công việc tốt hơn, sát với thực tế hơn thì giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho cấp đó, tránh xu hướng cào bằng. Quá trình phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn.

Phân cấp chưa bảo đảm quản lý thống nhất; chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới, nhưng chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, thiếu sự ăn khớp, đồng bộ; một số nội dung phân cấp đã được pháp luật quy định nhưng chậm được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không triệt để…

Có lẽ, để phân công, phân cấp hiệu quả, cái khó nhất về mặt kỹ thuật là từng công việc, phạm vi của từng công việc, trách nhiệm quyền hạn của các pháp nhân đến đâu phải tính toán trên nhiều phương diện, tránh cảm tính và phải được luật hóa.

Có làm được như vậy việc phân cấp mới thực sự phát huy tác dụng, thực chất và mang lại hiệu quả. Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ Chính phủ, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện các quy chuẩn, tổ chức đào tạo, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra… xử lý nghiêm các vi phạm.

Có làm như vậy, chủ trương phân cấp trung ương – địa phương mới đạt hiệu quả mong muốn, đi đúng hướng. Cần nhớ rằng, phân cấp và giám sát thể hiện bản chất của một nền hành chính dân chủ, một nền hành chính của dân và vì dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới