Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phân chia lợi nhuận minh bạch, tính chữ đường rõ ràng để ‘kéo’ nông dân quay lại cây mía

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thiếu minh bạch về phân chia lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi ngành mía đường cũng như mập mờ trong xác định chữ đường là một trong những nguyên nhân khiến nông dân rời xa cây mía. Do đó, cần phải minh bạch, rõ ràng để “kéo” nông dân quay trở lại với loại cây trồng này.

Cần minh bạch trong phân chia lợi nhuận, rõ ràng cách tính chữ đường để kéo nông dân quay về với cây mía. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo trực tuyến “Hướng tới sự phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam” được tổ chức vào hôm nay, 21-1, TS Nguyễn Vinh Quang, đến từ Tổ chức Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu “Chuỗi cung ứng ngành mía đường Việt Nam: thực trạng và một số khía cạnh về phát triển bền vững” cho biết, ở thời điểm đỉnh cao, diện tích sản xuất mía Việt Nam đạt đến 350.000 héc ta, nhưng đến niên vụ 2019-2020 đã giảm xuống chỉ còn 151.000 héc ta.

Theo ông Quang, với diện tích sản xuất như nêu trên, cung cấp được 77 triệu tấn mía nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất ra khoảng 0,77 triệu tấn đường. “Tuy nhiên, lượng đường sản xuất trong nước này chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% tổng lượng được đưa vào chuỗi tiêu thụ trong nước và một phần nhỏ xuất khẩu”, ông Quang cho biết.

Số hộ trồng mía cũng suy giảm đáng kể, từ khoảng 220.000 hộ ở niên vụ 2016-2017 xuống chỉ còn trên 126.000 hộ ở niên vụ 2019-2020, theo ông Quang.

“Lý do gì có sự suy giảm như vậy?”, ông Quang nêu câu hỏi và nêu thực trạng về năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam, đó là về chi phí sản xuất, 1 tấn đường trắng của Việt Nam trong niên vụ 2014-2015 đến 2018-2019 cao hơn Philippines từ 43,3 đến 105,6 đô la Mỹ/tấn; cao hơn Thái Lan từ 116-241,6 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, về năng suất, mía đường Việt Nam cao hơn Thái Lan, nhưng thấp hơn Indonesia và Philippines. “Năng suất bình quân của Việt Nam so với thế giới, mía đường chúng ta có xu hướng tiệm cận, nhưng chưa đạt mức ngang bằng thế giới”, ông cho biết và thông tin niên vụ 2017-2018 năng suất mía đường Việt Nam gần với năng suất bình quân thế giới, nhưng từ năm 2018-2019 năng suất đã giảm và càng rời xa đường tiệm cận thế giới.

Còn so sánh hiệu quả lợi nhuận của cây mía với một số cây trồng khác tại Việt Nam, ngoài cao hơn cây bắp ở vùng miền núi phía Bắc, thì lợi nhuận cây mía thấp hơn tất cả các loại cây trồng khác, tính trên 1 héc ta. “Điển hình, cây mì trồng ở vùng Đông Nam bộ hiệu quả gấp 20 lần cây mía; hay ở Tây Nam bộ, lúa 2-3 vụ gấp 29-44 lần so với cây mía”, ông dẫn chứng.

Theo ông Quang, chuyện chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi ngành mía đường đang mất cân đối khá nghiêm trọng, đặc biệt các hộ nông dân đang cung ứng 80,6% lượng mía nguyên liệu đưa vào sản xuất, thì chỉ được hưởng lợi ích trong chuỗi chưa đến 11%. “Chuyện xác định chữ đường, đánh giá tạp chất cũng như quyết định giá thu mua thuộc về nhà máy đường, gây bất lợi lớn và mất niềm tin ở người trồng mía rất nhiều”, ông cho biết.

Trong khi đó, đối với nhập khẩu, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), dù tạo sân chơi bình đẳng cũng như điều kiện cho đường nhập khẩu từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nhưng việc này cùng với đường nhập lậu đã tạo sức ép rất lớn đến sản xuất trong nước, ông Quang cho biết. Theo ông, đây cũng là nguyên nhân bên ngoài gây áp lực lên sản xuất, dẫn đến chuyện suy giảm của ngành mía đường.

Đứng ở góc độ người trực tiếp sản xuất mía, ông Hồ Thành Biên, một nông dân trồng mía ở tỉnh Tây Ninh, tại hội thảo trực tuyến này cho rằng khó khăn lớn nhất của người trồng mía là không biết chữ đường thật sự của họ khi bán cho doanh nghiệp. “Tôi đem mía nguyên liệu đến đơn vị chuyên môn để phân tích, thì chữ đường giữa nơi bán (tức doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu xác định chữ đường- PV) và nơi phân tích chênh lệnh từ 1,8-4,6 chữ đường”, ông cho biết và nói rằng điều này thật sự khiến người nông dân rất mất lòng tin.

Chính vì vậy, ông Biên đề nghị, cần có một đơn vị trung lập đứng ra xác định chữ đường, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nơi nông dân bán mía để bảo vệ quyền lợi cho nông dân trồng mía.

Trong khi đó, với việc phân chia lợi nhuận giữa nông dân trồng mía và nhà máy, theo ông Biên, qua một số thông tin, người nông dân trồng mía chỉ hưởng được 11% lợi nhuận từ chuỗi ngành hàng này, một con số hết sức khiêm tốn, tức 89% còn lại rơi vào các nhà máy đường. “Đây là một điều hết sức bất hợp lý”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Biên, trong quá trình sản xuất cây mía, người nông dân phải chịu rất nhiều tác động, từ thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng không thể kiểm soát. Trong khi đó, đầu ra người nông dân cũng không có quyền quyết định gì. “Đây là bức tranh rất tối cho ngành mà các nhà máy đường nên nhìn lại và nhà nước cũng nên có sự quản lý chặt”, theo ông Biên.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng ngành mía đường Việt Nam không chỉ chịu sức ép cạnh tranh từ đối thủ đến từ các quốc gia khác, mà còn chịu cạnh tranh từ các loại cây trồng khác ở trong nước. “Từ năm 2013 đến nay, tức chưa đến 10 năm, nhưng diện tích cây mía đã giảm một nửa. Điều này cho thấy, khi thu nhập của người nông dân từ cây mía thấp, họ đã chuyển sang cây trồng khác”, ông cho biết.

Theo ông Thắng, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, một số loại trái cây có thị trường đã được mở rộng hơn, người nông dân chuyển sang trồng cây khác. “Doanh nghiệp đã rất cố gắng, nông dân cũng rất cần cù thông minh. Thế nhưng, bản thân ngành mía có khả năng cạnh tranh toàn ngành đã rất yếu và bây giờ phải cạnh tranh 2-3 cấp như thế nữa, cho nên, sẽ càng khó khăn”, ông cho biết.

Ông Thắng gợi ý, các doanh nghiệp cần ngồi lại và có những đề xuất với Chính phủ để vực dậy ngành mía đường, trong đó, thứ nhất cần phải tăng cường kiểm sát đường nhập lậu.

Ngoài ra, theo ông Thắng, giữa nông dân và doanh nghiệp bắt buộc phải có liên kết hợp tác, nhưng phải minh bạch thông tin, nhất là câu chuyện về chữ đường và phân chia lợi nhuận trong chuỗi.

Song song đó, cần tận dụng phụ phẩm của ngành, phải xem đây là sản phẩm chính, chứ không phải là phế phẩm để sản xuất phân hữu cơ, nước chưng cất, điện sinh khối. “Muốn vậy phải tăng giá điện sinh khối”, ông nói và cho rằng, với các chính sách khuyến khích tăng lên sẽ kích thích được doanh nghiệp tham gia.

Trong khi đó, ông Quang đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp ngành mía đường nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai, đó là phải xây dựng chính sách đặc thù về liên kết; nâng cao sức cạnh tranh trong khẩu sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Ngoài ra, cần đánh giá lại lợi thế cạnh tranh giữa cây mía và các loại cây trồng khác theo vùng sinh thái; hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho các hộ trồng mía cũng như tăng cường kiểm soát đường nhập lậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới