Thứ Tư, 29/03/2023, 01:57
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Phân loại doanh nghiệp để bảo đảm gỗ xuất khẩu hợp pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân loại doanh nghiệp để bảo đảm gỗ xuất khẩu hợp pháp

Thùy Dung

Phân loại doanh nghiệp để bảo đảm gỗ xuất khẩu hợp pháp
Tất cả các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng gỗ sẽ sớm được phân loại – Ảnh: TD.

(TBKTSG Online) – Sau khi xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi xuất khẩu gỗ, gồm cả doanh nghiệp trồng rừng, cung cấp, chế biến, thương mại, xuất khẩu… đều sẽ được phân loại. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, chỉ những lô gỗ nào có chứng chỉ FLEGT mới được phép xuất khẩu sang EU.

Việt Nam và EU đã ký tắt văn bản hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) trong tháng 5-2017.

Nói về giai đoạn tiếp theo của hiệp định, bên lề một hội thảo gần đây, ông Trần Hiếu Minh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, giai đoạn hiện tại tập trung vào khâu chuẩn bị pháp lý, trong đó có việc xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), đây là xương sống của Hiệp định.

“VNTLAS được xây dựng cơ bản dựa trên pháp luật quy định hiện hành của Việt Nam đối với gỗ, theo từng giai đoạn của chuỗi cung ứng với nguồn gốc gỗ, từ nhập khẩu, mua bán, chế biến, thương mại và xuất khẩu”, ông Minh nói.

Hệ thống VNTLAS có một số điểm mới, bao gồm: kiểm soát chặt chẽ hơn đối với gỗ nhập khẩu; các nhà nhập khẩu sẽ có trách nhiệm giải trình để chứng minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu là hợp pháp; phân loại doanh nghiệp tuân thủ hay không tuân thủ các quy định của Chính phủ liên quan đến sản xuất, chế biến, thương mại và xuất khẩu. Chỉ những mặt hàng có giấy phép FLEGT mới được xuất khẩu sang EU.

“Chúng tôi đặt mục tiêu hết năm 2019 sẽ xây dựng xong hướng dẫn, sau đó là đánh giá việc sẵn sàng thực thi hệ thống trước khi đi vào vận hành”, ông Minh nói.

Như vậy, không còn bao lâu nữa, doanh nghiệp trong ngành gỗ sẽ bị phân thành hai loại tuân thủ và không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Những doanh nghiệp được xếp vào nhóm tuân thủ sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được giấy phép FLEGT.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng Hiệp định VPA này sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU.

– FLEGT là từ viết tắt của Forest Law Enforcement, Governance and Trade, tạm dịch là: Tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản.

– VPA là từ viết tắt của Volunteer Parnership Agreement, tạm dịch là thỏa thuận đối tác tự nguyện về các cam kết và hành động của hai bên nhằm đấu tranh với hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp giữa EU và nước đối tác là các quốc gia có nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và công tác quản lý rừng còn yếu.

Hiện nay, việc đưa những quy định quốc tế về gỗ xuất khẩu vào thực tế là rất quan trọng vì có rất nhiều đối tác tham gia chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu, trong đó có hộ trồng rừng, thương lái mua bán gỗ, nhà vận tải gỗ…, nhưng sự hiểu biết của họ về VPA/FLEGT còhạn chế. “Tôi có hỏi một hộ gia đình trồng rừng ở Yên Bái hiểu như thế nào về gỗ hợp pháp và họ nói là không biết, ai đến mua thì chúng tôi bán. Hay việc sau khi bán gỗ, phải lưu lại hồ sơ gỗ hợp pháp bằng cả bản cứng và bản mềm, nhưng lấy người đâu mà quản trị, lấy người đâu mà sử dụng máy tính…”, ông Quyền nói và kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành văn bản về tập huấn, đào tạo những người tham gia chuỗi xuất khẩu gỗ.

Về phần các doanh nghiệp, theo ông Quyền, cũng phải nỗ lực trong khâu tìm hiểu thông tin, tự đào tạo nhân sự và có sự thay đổi, nếu không sẽ rất dễ bị phá sản.

Trong năm qua VIFORES đã tiến hành đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về gỗ hợp pháp nhưng rất tiếc chỉ làm được với các doanh nghiệp chế biến gỗ có đăng ký kinh doanh, còn những doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc làng nghề… thì hiệp hội không làm được. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ có đăng ký kinh doanh, ngoài ra có 27.000 doanh nghiệp không chính thức và VIFORES hiện mới chỉ quản lý được chưa đến 2.000.

Bên cạnh đó, phải nhân rộng mô hình liên kết giữa hộ trồng rừng và doanh nghiệp. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội mà VPA/FLEGT đem lại.

Mời đọc thêm:

Dự báo lạc quan cho xuất khẩu đồ gỗ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới