Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phần mềm nguồn mở – Đã bắt đầu từ “gốc”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phần mềm nguồn mở – Đã bắt đầu từ “gốc”

Việc khai thác, sử dụng và đưa phần mềm nguồn mở vào giảng dạy là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2008–2009 và các năm học tới. Ảnh: Tuấn Linh.

(TBVTSG) – Phát biểu tại một cuộc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu phó Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chương trình phát triển phần mềm nguồn mở quốc gia giai đoạn 2004-2008 mà Chính phủ giao cho Bộ Khoa học-Công nghệ chủ trì đến nay vẫn chưa triển khai được như mong muốn.

Ông Bình cho rằng chương trình phần mềm nguồn mở này chưa thành công do nó bắt đầu từ khối doanh nghiệp chứ không phải từ trường học. Theo ông, phải đưa chương trình đào tạo phần mềm nguồn mở vào các trường học, bởi đào tạo cái gì sẽ dùng cái ấy. Đó mới là cái “gốc” để giải quyết vấn đề. 

Quyết tâm của ngành giáo dục

Nhận thấy được điều này, cuộc Hội thảo quốc gia lần thứ tư về phần mềm nguồn mở (hội thảo lớn hằng năm, nằm trong chương trình phần mềm nguồn mở quốc gia giai đoạn 2004-2008) năm nay (tổ chức vào ngày 5-12) đã được gắn kết với chủ đề “Phần mềm nguồn mở với giáo dục và cộng đồng”. Tại cuộc hội thảo, đa số ý kiến đều cho rằng muốn đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cần phải gắn nó với giáo dục.  

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó chánh văn phòng CNTT, Bộ Khoa học-Công nghệ, cho biết việc triển khai chương trình phần mềm nguồn mở quốc gia đã bị chậm tiến độ thực hiện và kết quả thu được chưa như mong muốn do gặp không ít khó khăn.

“Để đẩy nhanh việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở tại Việt Nam, cần phải nhanh chóng đưa nó vào giáo dục và đào tạo,” ông Quỳnh nói.  

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục-Đào tạo, cho biết việc khai thác, sử dụng và đưa phần mềm nguồn mở vào giảng dạy là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2008-2009 và các năm học tới.

Ông Ngọc cũng cho biết lý do mà ngành giáo dục chọn thời điểm này là phần mềm nguồn mở ngày càng phát triển và các tính năng của nó đã đáp ứng nhu cầu của việc sử dụng và giảng dạy.  

“Phần mềm nguồn mở là xu hướng CNTT của thế giới, khoảng 50% trong 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã dùng phần mềm nguồn mở, trong đó có Google, Yahoo!, Amazon.com, eBay.com. Nhiều hãng đã cài sẵn phần mềm nguồn mở trên máy tính để bán như Dell, HP, Lenovo, Acer, Toshiba, Asus… Nhiều chính phủ như Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… cũng đã dùng phần mềm nguồn mở”.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó chánh văn phòng CNTT, Bộ KH-CN.  

Việc sử dụng phần mềm nguồn mở trong ngành giáo dục cụ thể là : sử dụng các hệ điều hành trên nền Linux như Ubuntu, Asianux…, sử dụng trình duyệt Firefox và bộ gõ tiếng Việt Unikey, bộ phần mềm văn phòng OpenOffice 3.0… Các phần mềm này tương đương với Microsoft Office nên hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng trong công tác văn phòng và giảng dạy. Các sở giáo dục-đào tạo sẽ đưa phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy môn tin học chính khóa và cài đặt vào máy tính trong các trường học, kể cả các trường trung học chuyên nghiệp và các cơ quan quản lý giáo dục.  

Không ít ý kiến tại cuộc hội thảo cho rằng phần mềm nguồn mở sẽ khó được ứng dụng rộng rãi nếu ngành giáo dục vẫn dạy và thi bằng phần mềm nguồn đóng (phần mềm thương mại có bản quyền). Giải đáp mối băn khoăn này, ông Ngọc cho hay thời gian tới, chương trình đào tạo về CNTT trong nhà trường sẽ được chỉnh sửa. Trước đây, quy trình đào tạo tin học trong nhà trường gồm các bước là tìm hiểu máy tính (1), Windows (2), Microsoft (3). Thời gian tới, quy trình này sẽ được thay đổi ở bước thứ hai và ba. Hệ điều hành nguồn mở sẽ được thay cho Windows, chương trình soạn thảo văn bản bằng phần mềm nguồn mở sẽ thay cho Microsoft.  

Chuẩn bị triển khai  

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng khoa Toán-Tin học, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết thời gian tới sẽ tiến hành sử dụng phần mềm nguồn mở trong toàn trường. Hầu hết các khoa và các phòng ban của trường được giới thiệu và tập huấn về phần mềm nguồn mở Open Office 3, Mozzila Firefox, bộ gõ Unikey.

Tất cả các văn phòng trong trường được chuyển sang dùng Open Office thay cho Microsoft Office. Chương trình tin học đại cương thay vì dạy Microsoft Office sẽ dạy Open Office, thay vì dạy Turbo/Borland Pascal sẽ chuyển sang dùng Free Pascal. Bên cạnh đó, trường còn giới thiệu, tập huấn và cài đặt hệ điều hành nguồn mở Ubuntu cho các đơn vị trong trường.  

Mặc dù chương trình quốc gia về phần mềm nguồn mở sắp kết thúc nhưng kết quả của chương trình này đem lại chưa nhiều. Song ông Quỳnh cho rằng, đây cũng là tình hình chung của nhiều nước khi chuyển đổi sang dùng phần mềm nguồn mở. “Việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở là cả một quá trình, cần phải làm liên tục, lâu dài và đúng hướng,” ông nói.  

Như vậy, với cách “đặt vấn đề” mới thông qua cuộc hội thảo này, việc phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam đang được xem là đi đúng hướng. Giới chuyên môn đang hy vọng chương trình phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ khả quan hơn. Bởi, dù sao đi nữa, khi những người thúc đẩy phong trào phát triển của chương trình đã tìm ra hướng đi đúng, thì kết quả cũng sẽ đến, dù muộn còn hơn không. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay trên thế giới, thì đây cũng chính là cơ hội cho phần mềm nguồn mở.

Xây dựng “sân chơi” cho sinh viên

Ông Nguyễn Hồng Quang, Viện Tin học Pháp ngữ, cho rằng phần mềm nguồn mở mở ra một cơ hội rất tốt cho sinh viên CNTT và lập trình viên trẻ Việt Nam. Nhưng làm sao để có thể tạo cho thế hệ trẻ một sân chơi lành mạnh, bổ ích và khơi gợi tính sáng tạo của họ? Để gợi ý câu trả lời, ông Quang đã đưa ra ví dụ: Từ gần bốn năm nay Google đã tạo ra một sân chơi trên quy mô quốc tế về phần mềm nguồn mở có tên là Google Summer of Code. Và chương trình này đã thu hút hàng ngàn sinh viên trên toàn thế giới tham gia. Ông cho rằng đây là mô hình thú vị và đáng học tập. Ông nói Việt Nam nên tạo ra một sân chơi như vậy dành cho sinh viên và học sinh và nên có một tổ chức thực hiện chương trình này với kinh phí do nhà nước và các doanh nghiệp tài trợ.  

VÂN OANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới