Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phân phối vaccin ngừa SARS-CoV-2 dưới góc độ kinh tế học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân phối vaccin ngừa SARS-CoV-2 dưới góc độ kinh tế học

Trần Hùng Sơn (*)

(TBTKSG) – Hiện tại các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đang gấp rút sản xuất và thực hiện việc phân phối vaccin (tiêm chủng) cho công dân của mình. Việc phân phối hay tiêm chủng đặt ra câu hỏi làm thế nào để tối đa hóa phúc lợi xã hội – chính là một vấn đề mà mọi quốc gia đều quan tâm và là câu hỏi không dễ dàng tìm được câu trả lời.

Phân phối vaccin ngừa SARS-CoV-2 dưới góc độ kinh tế học
Bên trong một trung tâm phân phối vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: AP

Như nhà kinh tế John Cochrane(1) lưu ý, nhiều khuyến nghị về việc phân phối vaccin chỉ đơn giản ngụ ý rằng, sau khi tiêm chủng cho các nhân viên y tế, chính phủ nên lập danh sách các nhóm nhân khẩu học, bắt đầu bằng việc tiêm chủng những người có nguy cơ tử vong cao nhất từ Covid-19 và kết thúc với những người có có nguy cơ thấp nhất.

Điều này sẽ hợp lý nếu như vaccin chỉ làm giảm các triệu chứng của Covid-19 nhưng không làm giảm nhiều khả năng lây truyền bệnh. Nhưng nếu bản thân vaccin giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong số những người được tiêm chủng, thì đây không phải là cách phân phối vaccin tốt nhất.

Trong một nghiên cứu(2), các nhà thống kê sinh học tại Đại học Washington đã xây dựng mô hình và đã phát hiện rằng nếu hiệu quả của vaccin cao và chính phủ có đủ khả năng tiêm chủng cho 40-50% dân số nhanh chóng, thì tối ưu nhất là nên ưu tiên tiêm vaccin cho “các tác nhân lây truyền cao” trước, tức là những người có nhiều khả năng lây truyền bệnh thông qua các hoạt động của họ (những người dưới 50 tuổi).

Bởi vì nếu vaccin có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, và khi tiêm chủng cho những người có nhiều khả năng lây lan virus, điều này sẽ bảo vệ cho những cá nhân đó và những người bị lây truyền virus từ họ. Ngoài ra, dưới góc độ kinh tế thì việc tiêm chủng cho các nhóm trẻ (các tác nhân có thể lây truyền cao) sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất.

Các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại các nước, đặc biệt là Mỹ đã nhận thấy điều này nên đã đưa ra danh sách các đối tượng được ưu tiên để tiêm chủng bao gồm: sinh viên, nhân viên các quán bar, và những người có tính chất công việc hay đi lại nhiều nhằm mục đích giảm sự lây lan của dịch.

Mô hình của Đại học Washington cho thấy rằng số ca tử vong có thể ít hơn 30% nếu tối ưu hóa việc phân phối vaccin để giảm thiểu tử vong. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào hiệu quả của việc thực hiện việc phân phối này. Lưu ý rằng, nếu vaccin có sẵn ít hơn hoặc có thể triển khai việc tiêm chủng nhanh chóng cho mọi người, thì việc ưu tiên những người có nguy cơ cao nhất lại là cách tiếp cận phù hợp hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài việc ưu tiên phân phối vaccin theo nhân khẩu học thì còn có nhiều ý kiến cho rằng vẫn có nhiều lựa chọn khác. Chẳng hạn, nếu người dễ bị tổn thương (ví dụ người cao tuổi) tập trung một khu vực nhất định, thì việc xác định danh sách các nhóm dễ bị tổn thương có thể không có ích nhiều trong việc giảm lây truyền dịch, và nguy cơ lây nhiễm virus sẽ lan rộng đến những đối tượng ít bị tổn thương hơn.

Điều này đã được Tyler Cowen(3) giải thích, tập trung vào việc quản lý vaccin trước tiên nên nhắm vào mục tiêu về mặt địa lý – chẳng hạn như các thành phố lớn – điều này có thể tốt hơn là  tiêm chủng vaccin đều cho các nhóm theo độ tuổi. Bằng cách đó, việc đạt khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ được bản địa hóa nhanh hơn, và ít nhất cho phép bình thường hóa gần như hoàn toàn các hoạt động kinh tế ở một số nơi nhất định. Do đó, các nước có thể giảm chi phí phúc lợi kinh tế của đại dịch và điều này giúp đạt được mục tiêu cuối cùng là miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Tóm lại, ngay cả khi (giả định) chính phủ sẽ quyết định cách phân phối các loại vaccin cho những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao thì đó cũng có thể chưa phải là một phương án tối ưu. Như Michael Cannon, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách sức khỏe của Viện Cato, đã chỉ ra trong một thế giới tồn tại sự đánh đổi, chúng ta nên cố gắng giảm thiểu chi phí chung của đại dịch, chứ không chỉ giảm nguy cơ tử vong cao nhất cho các cá nhân. Đây cũng chính là các vấn đề chung cần lưu ý cho Việt Nam trong thời gian tới khi thực hiện việc phân phối vaccin ở trong nước.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật

(1) https://johnhcochrane.blogspot.com/2020/12/free-market-vaccines.html

(2)  https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.08.14.20175257v2.full

(3)  https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2020-11-23/vaccine-distribution-shouldn-t-be-fair

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới