Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phân tích ngành hàng cao su trong nước quí 4/2010 và dự báo quí 1/2011

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phân tích ngành hàng cao su trong nước quí 4/2010 và dự báo quí 1/2011

Đóng khối mủ cao su thiên nhiên tại Công ty cao su Tây Ninh – Ảnh: HV.

Dưới đây là báo cáo phân tích ngành hàng cao su trong nước quí 4/2010 và những thông tin dự báo quí 1/2010 của Trung tâm tin học và Thống kê (Agroviet), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trích đăng phần phân tích tình hình cao su trong nước, còn phần phân tích tình hình cao su thế giới, bạn đọc có thể nhấn vào đây để xem thêm.

Sản xuất

Hiệp hội cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC) dự báo, sản lượng cao su của Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong quí 4/2010, điều chỉnh giảm so với mức dự báo tăng trưởng 3,8% được đưa ra trước đó do mưa nhiều, bất chấp việc người trồng cao su đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất.

Tổng sản lượng cao su của Việt Nam trong năm 2010 tăng nhẹ, đạt 750.000 tấn tương đương mức tăng 3,6% so với 724.000 tấn vào năm 2009. Năng suất trung bình ước chỉ đạt 1.658 kg/héc ta so với mức 1.717 kg/héc ta năm 2009. Năm 2011, sản lượng cao su của Việt Nam được dự báo tăng 4%, đạt 780.000 tấn do diện tích được mở rộng thêm 5.000 héc ta.

Trong thời gian gần đây, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang chú trọng công tác trồng mới cao su thay thế những vườn cây già cỗi cũng như hình thành các vườn cây mới sử dụng giống tiên tiến, cho năng suất cao. Theo VRG, diện tích trồng cao su của tập đoàn là 270.000 héc ta, chiếm 40% diện tích trồng cao su của cả nước, sản lượng xuất khẩu chiếm 85%. Tập đoàn đang triển khai phương án trồng cao su đa mục tiêu (vừa khai thác mủ, vừa khai thác gỗ), đồng thời mở rộng diện tích trồng cao su ở những vùng đất mới như Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và vùng biên giới ở Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tập đoàn còn tiến hành tìm những giống cây trồng phù hợp với từng vùng và khai thác theo hình thức liên doanh hoặc cổ phần với người dân để phát triển cây trồng này. Một xu hướng nữa đang được tập đoàn hướng đến là mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời hướng đầu tư ra nước ngoài do quỹ đất trong nước không còn. Những nước nằm trong chiến lược này gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Nam Phi.

Trong các năm tới, việc mở rộng diện tích cao su trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm của VRG. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là chất lượng trồng mới cây cao su chứ không phải là việc tăng số lượng trồng mới. Theo số liệu thống kê, diện tích cao su cả nước năm 2010 đạt 740 ngàn héc ta tăng hơn 9% so với năm ngoái, trong đó diện tích cho sản phẩm là 438 ngàn héc ta.

Diện tích, năng suất và sản lượng cao su 2009-2010

Chỉ tiêu

ĐVT

2009

2010

So sánh 2010/2009 (%)

Diện tích gieo trồng

Ngàn ha

677,7

740,0

109,2

Diện tích khai thác

Ngàn ha

418,9

438,5

104,7

Năng suất

Tạ/ha

17,0

17,2

101,3

Sản lượng

Ngàn tấn

711,3

754,5

106,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thương mại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su cả năm của cả nước đạt 783.000 tấn với kim ngạch 2,376 tỉ đô la, tăng 7% về lượng nhưng tăng tới 93,6% so với năm 2009.

Theo Công ty Công nghiệp cao su miền Nam, thị trường sản xuất lốp xe cao su Việt Nam sẽ phát triển trong thời gian tới vì sản lượng cao su tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đang giảm. Đây là cơ hội để các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, giành lợi thế vượt trội trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lốp xe.

Tuy gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả biến động trong những tháng đầu năm, nhưng sang quí 3 và quí 4, lượng và giá xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi.

Nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên của thế giới tăng mạnh sau khi nền kinh tế được phục hồi trong khi nguồn cung tăng chậm do thời tiết bất thuận đã đẩy giá liên tục tăng cao từ tháng 9 đến tháng 12.

Khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su các tháng trong năm 2010

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Giá cả

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hàng, năm 2010 là năm đặc biệt thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ cao su và dự báo từ nay đến giữa năm 2011, giá cao su xuất khẩu sẽ dao động trong khoảng 5.000 đô la/tấn.

Giá cao su xuất khẩu trung bình theo tháng của Việt Nam năm 2009-2010

Nguồn: VRA

Giá cao su xuất khẩu chủng loại RSS3 bình quân tháng 12/2010 đạt 4.456 đô la/tấn, tăng 52% so với mức giá bình quân hồi tháng 1. Giá cao su xuất khẩu loại SVR 20 bình quân tháng 12/2010 đạt 4.272 đô la/tấn, tăng 48% so với mức giá xuất khẩu bình quân của tháng 1. So với mức giá hồi tháng 1/2009, giá xuất khẩu cả hai chủng loại cao su RSS3 và cao su SVR 20 đều đã tăng trên 200%.

Biến động giá cao su xuất khẩu trung bình theo tháng năm 2009 và 2010

Nguồn: VRA và tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu cao su năm nay có khả năng đạt gần 3 tỉ đô la

Dự báo giá cao su trong quí 1/2011 sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung thế giới lẫn trong nước tiếp tục thiếu hụt trong khi ngành sản xuất săm lốp ô tô, nệm… trong nước đang phát triển và ngày càng đòi hỏi nhiều cao su nguyên liệu.

Theo một số nhà phân tích, nhu cầu cao su thiên nhiên để sản xuất lốp xe vẫn tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2010, nếu thời tiết không thuận lợi làm nguồn cung không được cải thiện, thì giá cao su thiên nhiên vẫn giữ được mức cao kéo sang đầu năm 2011.

Nghiên cứu xu thế biến động của chuỗi khối lượng và giá trị xuất khẩu theo tháng qua các năm gần đây Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng mô hình kinh tế lượng dự báo khối lượng xuất khẩu cao su năm 2011 đạt hơn 760 ngàn tấn với giá trị gần 3 tỉ đô la Mỹ.

Theo Agroviet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới