Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Pháp điển hóa, tại sao không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Pháp điển hóa, tại sao không?

Nguyên Tấn

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Làm thế nào để biết quy định nào còn hiệu lực trong “mớ bòng bong” của hệ thống pháp luật vô cùng phức tạp, rối rắm hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng hình thành bộ pháp điển cho hệ thống pháp luật Việt Nam chính là một biện pháp giúp giải quyết tình trạng nói trên.

Khốn khổ với “rừng” luật

Ông Phùng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, ví hệ thống pháp luật hiện nay giống như một khu rừng mà trong đó trung bình mỗi năm lại “mọc” thêm 4.000 văn bản quy phạm pháp luật. Với khối lượng đồ sộ như vậy, lại liên tục thay đổi do đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống pháp luật gây rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và xác định hiệu lực của các quy định, văn bản.

Có những văn bản mà theo luật sư Trần Mạnh Hùng thuộc chi nhánh Công ty Luật Baker & Mckenzie tại Việt Nam, ngay cả luật sư không phải ai cũng biết. Đó phần nhiều là những công văn mang tính hướng dẫn của một bộ, ngành nào đó.

Ví dụ như công văn của Tổng cục Thuế giải thích Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04-Tài sản cố định vô hình ban hành kèm theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Theo văn bản này, thương hiệu không được ghi nhận là tài sản và vì vậy không được góp vốn bằng thương hiệu. Trong khi đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật lại thừa nhận giá trị thương hiệu, tuy nhiên theo luật sư Hùng, “nếu không biết công văn nói trên thì rất có thể luật sư sẽ tư vấn sai”.

Tìm văn bản đã khó, làm thế nào để phân biệt giá trị pháp lý của từng điều khoản, từng văn bản đó lại là chuyện mà theo luật sư Hùng có thể gây nên một “cơn ác mộng” thực sự cho người sử dụng. Một trong những nguyên nhân dễ thấy chính là do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật.

Một ví dụ được ông Trần Mạnh Hùng dẫn chứng là quy định về việc thành lập doanh nghiệp có vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều 9, Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: nếu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 49% vốn điều lệ thì thủ tục thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, điều 50 Luật Đầu tư lại quy định: nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam phải có dự án đầu tư và đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hướng dẫn khác: nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 49% vốn điều lệ vừa vẫn phải có dự án đầu tư và đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư và vừa phải tuân theo các thủ tục quy định tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP! “Đó là chưa kể 64 tỉnh thành phố trên cả nước với mỗi nơi thực hiện một kiểu”, ông Hùng than thở.

Luật sư Hùng dẫn thêm một ví dụ liên quan đến Thông tư 13/TT-BKHĐT ngày 8-10-1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn bản này quy định về phí quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nguồn dẫn chiếu là Luật Đầu tư nước ngoài và Nghị định 12/CP hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ một văn bản nào tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Thông tư 13/TT-BKHĐT và văn bản này vẫn được áp dụng mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 12/CP đã bị bãi bỏ. Sở dĩ có chuyện trái khoáy như vậy là do chưa thống nhất hoặc còn nhiều bất hợp lý trong cách quy định về hiệu lực của văn bản pháp luật.

Khoản 4, điều 78, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định: “Văn bản hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hay một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản mới”. Điều đó có nghĩa bản thân văn bản thì hết hiệu lực nhưng toàn bộ hay một phần nội dung văn bản đó có thể vẫn còn hiệu lực!

Hoặc ngược lại, có văn bản quy định: “Các quy định trước đây trái với văn bản này đều bị bãi bỏ”. Điều này có thể suy ra rằng chỉ có quy định cũ trái với văn bản mới bị bãi bỏ, còn bản thân văn bản cũ nếu có những nội dung không trái hoặc khác với văn bản mới thì chưa chắc đã hết hiệu lực. Như vậy, giá trị pháp lý của văn bản cũ đến mức nào? Có được đưa ra để áp dụng không?… Quả là rối rắm và khó hiểu!

Thu về một mối?

Ông John Bentley, cố vấn trưởng pháp luật của Dự án Star Việt Nam, cho rằng để giúp cho việc sử dụng văn bản pháp luật dễ dàng, thuận lợi thì giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là pháp điển hóa hệ thống pháp luật. Tức là cập nhật, hệ thống hóa và gom tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực về một đầu mối, thay vì tản mạn, rối rắm như hiện nay.

Pháp điển hóa là cập nhật, hệ thống hóa và gom tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực về một đầu mối, thay vì tản mạn, rối rắm như hiện nay.

Ông John Bentley cho biết tình trạng “rừng luật” hiện nay ở Việt Nam cũng chẳng khác gì ở Mỹ trong thời kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Để khắc phục khủng hoảng, hoạt động của các cơ quan lập pháp và lập quy được đẩy mạnh đến mức các văn bản pháp luật gần như bùng nổ và không thể kiểm soát.

Đỉnh điểm của tình trạng này là vào năm 1934 một công dân đã bị tòa xử oan trong khi quy định của pháp luật về tội này đã hết hiệu lực (vụ “dầu nóng” nổi tiếng). Dưới sức ép của người dân, năm 1937 luật về pháp điển hóa đã được ban hành.

Theo đó, tất cả các quy định còn hiệu lực nằm rải rác ở các văn bản pháp luật được một ủy ban có trách nhiệm rà soát và hệ thống hóa lại trong Bộ Pháp điển và bộ pháp điển này được sử dụng, có giá trị pháp lý thay thế cho các văn bản pháp luật nói trên. Bộ Pháp điển thoạt đầu có 15 tập với 50 đề mục khác nhau và đến nay đã lên tới 234 tập. “Bộ Pháp điển cho phép tra cứu rất nhanh chóng, tiện lợi các quy định pháp luật còn hiệu lực để thi hành. Nó thông dụng tới mức người dân Mỹ sinh ra một tật… xấu là sống không thể thiếu pháp điển”, ông John Bentley kể.

Hầu hết các chuyên gia pháp lý đều ủng hộ ý tưởng về một bộ pháp điển cho hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật sư Trần Mạnh Hùng gọi đây là “một giấc mơ”. Còn ông Phạm Hồng Quất, Phó chánh thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng pháp điển hóa sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của hệ thống pháp luật, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng. Đặc biệt, quá trình thực hiện pháp điển hóa sẽ giúp phát hiện và loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. TS. Nguyễn Ngọc Điện, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, băn khoăn: nếu bộ pháp điển được công nhận có giá trị pháp lý thay thế các văn bản pháp luật thì hóa ra trao quyền ban hành luật cho cơ quan pháp điển?

Ông Điện cho biết khác với Mỹ, ở châu Âu bộ pháp điển do các chuyên gia chọn lọc, tập hợp, chú giải, hay nói cách khác là do tư nhân làm chứ không phải việc của nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù chỉ được xem là nguồn tài liệu tham khảo nhưng chúng vẫn có giá trị sử dụng rất cao nếu chất lượng về nội dung tốt. Ông Điện đề nghị nên cân nhắc giữa hai trường phái Mỹ và châu Âu để có một giải pháp phù hợp với điều kiện của nước ta.

Một ý kiến băn khoăn khác là với tình trạng pháp luật thay đổi liên tục như ở Việt Nam thì liệu có khả năng để xây dựng bộ pháp điển? Theo ông Phùng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, nơi từng triển khai một dự án thí điểm xây dựng bộ pháp điển do Ủy ban châu Âu tài trợ, đây chỉ là khó khăn mang tính kỹ thuật và hoàn toàn có thể khắc phục được.

Ví dụ, bộ pháp điển có thể chia thành nhiều tập của từng năm và trong khi chờ tập mới ra đời cơ quan pháp điển có thể ban hành những tập phụ lục để cập nhật các văn bản mới. Ông Hùng cho rằng điều quan trọng lúc này là cần tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, từ đó tìm ra các phương án khả thi cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ đề xuất một dự án luật về pháp điển hóa để Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Theo ông, một đạo luật như vậy là rất cần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới