Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Pháp-Đức đồng lòng siết chặt kỷ luật ngân sách eurozone

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Pháp-Đức đồng lòng siết chặt kỷ luật ngân sách eurozone

Chánh Tài

Pháp-Đức đồng lòng siết chặt kỷ luật ngân sách eurozone
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc gặp ở Paris (Pháp) ngày 5-12. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Tại cuộc hội đàm ở Paris (Pháp) ngày 5-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí nhiều đề xuất siết chặt kỷ luật ngân sách ở khu vực đồng euro (eurozone) nhằm khôi phục niềm tin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công.

Sau đây là những đề xuất quan trọng mà hai bên đã nhất trí.

Thay đổi căn bản hiệp định EU

Pháp và Đức sẽ gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy vào ngày 7-12, đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này phải khới xướng tiến trình sửa đổi hiệp định căn bản của EU nhằm thực thi nghiêm ngặt hơn các quy định tài chính.

Nếu sự thay đổi này không được tất cả 27 thành viên EU ủng hộ thì Đức và Pháp sẽ đề xuất hiệp định riêng rẻ cho 17 nước eurozone và sẵn sàng tiếp nhận các nước EU khác muốn tham gia. Hiện một vài nước như Anh, Ireland, Hà Lan không muốn thay đổi hiệp định EU vì các lý  do chính trị.

Cả ông Sarkozy và bà Merkel đều muốn đưa ra quyết định dứt khoát vào cuối tuần này về việc sửa đổi hiệp định áp dụng cho 27 thành viên EU hay chỉ áp dụng cho 17 thành viện eurozone. Sau đó, nội dung của hiệp định sẽ được xây dựng vào giữa tháng 3-2012 và được công bố để mời các nước phê chuẩn.

Các quy định mới siết chặt ngân sách

Hiệp định sửa đổi sẽ bao gồm các biện pháp chế tài tự động đối với bất kỳ nước thành viên nào có mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc hội (GDP). Các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng khi có sự đề nghị của EC trừ phi đa số nước thành viên bỏ phiếu chống. Quy định hiện hành đòi hỏi phải có đa số phiếu ủng hộ của các nước thành viên.

Ngoài ra, Pháp và Đức cũng muốn đưa “nguyên tắc vàng” vào hiến pháp của 17 nước eurozone, đòi hỏi chính phủ các nước phải cân đối ngân sách trong một khoảng thời gian cụ thể. Tòa Công lý châu Âu sẽ là cơ quan thẩm định cuối cùng xem "nguyên tắc vàng" này có tuân thủ hiệp định sửa đổi hay không.

Bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu cá nhân

Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel nhất trí rằng các quy định của quỹ giải cứu eurozone trong tương lai hay còn gọi là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sẽ khẳng định việc nhà đầu tư trái phiếu tư nhân hủy bỏ nợ cho các nước chỉ là trường hợp hy hữu.

Trong tương lai, EU sẽ tuân thủ các quy trình và các nguyên tắc của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đảm bảo trái phiếu của eurozone có sự an toàn như mọi trái phiếu chính phủ khác trên thế giới. Điều này nghĩa là Đức từ bỏ quan điểm quyết liệt trước đây rằng nhà đầu tư trái phiếu cá nhân có thể phải chia sẻ chi phí giải cứu đối với một nước tại eurozone.

Bỏ phiếu đa số thay cho đồng thuận hoàn toàn

Pháp và Đức cũng đồng ý thành lập ESM vào năm sau thay vì năm 2013 theo dự kiến trước đây nhằm hỗ trợ các nước thành viên eurozone gặp khó khăn tài chính.

Hai nước đề xuất tất cả mọi quyết định ở ESM cần có đa số phiếu thông qua, với mức 85% phiếu ủng hộ thay vì theo nguyên tắc đồng thuận 100% như hiện tại. Thủ tướng Merkel nói quy định mới này nhằm tránh nguy cơ các quyết định của eurozone bị cản trở chỉ vì một nước thành viên. Điều này đã từng xảy ra khi Phần Lan ngăn cản việc mở rộng quỹ giải cứu eurozone và khi một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền của Slovakia phản đối mở rộng quỹ giải cứu này khiến chính phủ Slovakia bị trói tay.

Tuy nhiên, các nước lớn trong eurozone gồm Pháp, Đức và Ý có quyền phủ quyết các quyết định ở ESM.

Không tán thành trái phiếu eurozone

Cả hai nhà lãnh đạo đồng ý loại bỏ ý tưởng phát hành trái phiếu eurozone, một giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nợ công còn gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Sarkozy nói trái phiếu eurozone không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng và thật lố bịch khi Pháp và Đức trả nợ thay cho các nước khác khi họ không kiểm soát việc phát hành trái phiếu.

Cả hai nhà lãnh đạo đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo eurozone hàng tháng cho đến khi kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, cải cách thị trường lao động.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tin tưởng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tôn trọng sư độc lập của ECB và không đưa ra những đòi hỏi tích cực và tiêu cực đối với các biện pháp quản lý khủng hoảng của ECB.

Tại cuộc họp báo chung sau đó, Thủ tướng Merkel nói: “Gói đề xuất trên cho thấy chúng tôi hoàn toàn quyết tâm giữ đồng euro ổn định và đây cũng là đóng góp quan trọng cho sự ổn định của châu Âu.

Tổng thống Sarkozy phát biểu: “Những gì chúng tôi muốn là nói với thế giới rằng châu Âu phải trả nợ, giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục tăng trưởng”. Ông cũng nói Pháp xem việc liên kết và chia sẻ với Đức mang tầm quan trọng chiến lược trong thời khắc khủng hoảng cao độ như hiện nay vì chỉ cần một sự bất đồng nào giữa hai nước thì eurozone có nguy cơ tan vỡ.

(Theo Reuters, Spiegel)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới