Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Pháp luật Việt Nam quy định ra sao về thực phẩm có chứa chất Ethy Oxide?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến việc Ireland thu hồi một số sản phẩm ăn liền của Acecook Việt Nam do chứa chất Ethy Oxide, trường hợp này theo quy định của Việt Nam sẽ được xử lý ra sao, tại sao một sản phẩm có chất cấm như vậy lại có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng…, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã cung cấp thông tin cho KTSG Online về vấn đề này.

Ireland thu hồi một số sản phẩm ăn liền của Acecook Việt Nam do chứa chất Ethy Oxide. Ảnh: Bộ Công Thương

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo Thông tư số 10/2021/TT-BYT quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe sắp có hiệu lực vào ngày 1-9-2021, chất Ethylene Oxide không nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ban hành kèm theo. Đồng thời, chất Ethylene Oxide cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Do đó, cần phải đợi kết luận điều tra của Bộ Công Thương về sự việc này.

“Tại Việt Nam, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực thẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực thẩm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực thẩm theo Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì các chủ thể còn phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện nay ở mỗi quốc gia khác nhau có những quy chuẩn an toàn thực phẩm khác nhau. Sở dĩ có điều này vì việc xây dựng quy chuẩn an toàn thực phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc thù của mỗi quốc gia như thời tiết, khí hậu, môi trường, sức khỏe con người… Do đó, trước khi sản xuất thực phẩm để tiêu thụ trong một quốc gia, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ lưỡng quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc gia mục tiêu để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp.

“Ở Việt Nam, nhìn chung các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đã được quan tâm ban hành đồng bộ hơn phục vụ yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Các quy chuẩn về an toàn thực thẩm của nước ta hiện nay đều được ban hành trên cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), một số quy định chưa có trong Codex hoặc đặc thù của quốc gia thì đều hài hòa với quy định các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước ASEAN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp trong nước”, ông Tuấn nhận xét.

Sự việc Ireland thu hồi một số sản phẩm ăn liền của Acecook Việt Nam vì cho rằng chứa chất Ethy Oxide gây ung thư đã gây hoang mang dư luận. Sau khi nhận được thông tin này, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đang cho điều tra làm rõ và rà soát toàn bộ quy trình, nguyên liệu, sản phẩm của Acecook. Để xác định được trách nhiệm của Acecook đối với khách hàng tiêu thụ cũng như pháp luật phải đợi kết luận điều tra chính thức của Bộ Công Thương.

Trường hợp nếu đúng trong sản phẩm mì của Acecook có chứa chất Ethy Oxide có khả năng gây ung thư thì Acecook có trách nhiệm phải xin lỗi công khai, dừng hoạt động sản xuất và thu hồi toàn bộ số mì hiện đang được sản xuất và lưu thông, đồng thời bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có).

Còn về góc độ pháp luật thì như ông Tuấn đã chia sẻ ở trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Acecook có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực thẩm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực thẩm theo Điều 317, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì các chủ thể còn phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi tại sao một sản phẩm có chất cấm như vậy lại có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng, ông Tuấn cho biết, theo pháp luật về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Ethylene Oxide không nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Vì vậy, trường hợp trong sản phẩm mì ăn liền của Công ty Acecook có chứa chất Ethylene Oxide vẫn có thể xuất khẩu được qua các hàng rào kiểm định chất lượng.

Vẫn theo ông Tuấn, theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa là sản phẩm mì ăn liền cần phải có các chứng từ cần thiết để khai báo hải quan xuất khẩu cho mặt hàng này. Trong đó có việc đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm mì, phở ăn liền và tự công bố sản phẩm. Việc kiểm nghiệm này do doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ và chọn nộp cho một trong các cơ quan được cấp phép bởi Bộ Y tế cho phép kiểm nghiệm sản phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm và giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm. Trường hợp kiểm nghiệm đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng thư kiểm nghiệm. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệm kèm theo chứng thư kiểm nghiệm cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm.

“Như vậy, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm hoàn toàn do các cơ quan được cấp phép bởi Bộ Y tế cho phép kiểm nghiệm sản phẩm cung cấp. Đối với các sản phẩm làm thủ tục tự công bố, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Vì vậy, trường hợp xảy ra sự việc sản phẩm có chất cấm vẫn có thể xuất khẩu thì cần phải xem xét lại chứng thư kiểm nghiệm sản phẩm do cơ quan nào cấp, cơ quan đó sẽ có trách nhiệm với kết quả kiểm nghiệm của mình với Bộ Y tế”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện Công ty Acecook Việt Nam trả lời cơ quan báo chí, sản phẩm có chứa chất cấm là hàng xuất khẩu, không liên quan sản phẩm trong nước. Trong khi không ít người Việt Nam cho rằng hàng xuất khẩu thường có tiêu chuẩn cao hơn hàng nội địa. Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những quy chuẩn an toàn thực phẩm khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc thù của mỗi quốc gia. Do đó, trước khi sản xuất thực phẩm để tiêu thụ trong một quốc gia, các doanh nghiệp phải tìm hiểu và phân tích rất kỹ lưỡng quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của quốc gia mục tiêu để điều chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp. Từ đó, sản phẩm tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu ra các quốc gia khác sẽ có quy trình sản xuất khác nhau để phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm được ban hành của quốc gia đó.

“Rất khó để so sánh tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm của hàng xuất khẩu cao hơn hàng nội địa. Vì các quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm của các nước đều có điểm chung là ban hành để phù hợp với đặc thù của quốc gia đó và đảm bảo tối ưu nhất sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, các chất có trong sản phẩm mà có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng đều sẽ bị lên án và xử lý, không phân biệt là sản phẩm trong nước hay sản phẩm xuất khẩu. Nếu đúng sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam có chứa chất gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài như Cơ quan an toàn thực phẩm Ireland (FSAI) đã thông báo thì dù là sản phẩm tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều phải được dừng tiêu thụ và thu hồi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Luật sư nói: “… chất Ethylene Oxide không nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ban hành kèm theo. Đồng thời, chất Ethylene Oxide cũng không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Do đó, cần phải đợi kết luận điều tra của Bộ Công Thương về sự việc này”.
    Luật, kể cả Thông tư, cũng không cấm. Theo tinh thần pháp luật xứ ta hiện nay thì được phép dùng. Có vậy thôi.
    Còn phạm luật xứ khác, mà lại xử theo luật xứ ta, là cái lý gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới