Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phập phù… với kế hoạch kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phập phù… với kế hoạch kinh doanh

Sơn Nghĩa

Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Lãi suất ở mức cao, tỷ giá biến động bất thường, chi phí đầu vào tăng mạnh trong thời gian qua là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong những ngày cuối năm 2010. Bức tranh phác thảo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2011 nhuốm đầy những nỗi lo…

Những yếu tố không thuận lợi

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, những yếu tố không thuận lợi trong những tháng cuối năm 2010 sẽ gây khó khăn cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2011.

Từ đầu năm 2010, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua khủng hoảng, do kinh tế thế giới đã bắt đầu chạm đáy suy thoái. Đánh giá này tạo nên tâm lý lạc quan cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất để “đón đầu” cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. Nhưng hiện tại, với mức lãi suất cao như hiện nay, nhiều nhà xưởng mới phải “trùm mền” vì không có vốn để kinh doanh.

Về yếu tố vĩ mô, do ảnh hưởng của lạm phát, doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào tăng cao trong quá trình sản xuất kinh doanh. Theo ông Sơn, trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng bình thường, doanh nghiệp không lo lắng nhiều về lạm phát. Tuy nhiên, những biện pháp chống lạm phát của Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Cụ thể, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng đã tăng mạnh trong những tuần qua, ở mức 18-19%/năm.

Mức lãi suất ngân hàng cao đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo chủ tịch hội đồng quản trị một công ty sản xuất thực phẩm, dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa qua hết, doanh nghiệp vừa mới chớm phục hồi trở lại, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp không thể đảo vốn. Hiện nhiều ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải trả hết khoản nợ cũ, mới được phép vay.

Ảnh: Lê Toàn.

Doanh nghiệp không trả được nợ cũ, cũng không thể đảo vốn vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. “Đa phần doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa. Họ cần vốn để đầu tư tăng quy mô và tính ổn định của doanh nghiệp. Nhưng với chính sách vĩ mô thiếu ổn định như hiện nay, doanh nghiệp không có khả năng phát triển”, vị chủ tịch trên nhận xét.

Mặc dù doanh số xuất khẩu tính đến thời điểm cuối năm 2010 của các công ty đều tăng, nhưng mức tăng không thực sự bền vững. Doanh số tăng do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, mức tăng từ năng lực nội tại của doanh nghiệp khá khiêm tốn. Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành may phân tích, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh trong năm 2010, nhưng các loại chi phí đầu vào khác trong ngành may cũng tăng đột biến. Vị này khẳng định, mức tăng trưởng thật sự của ngành may trong năm nay thấp hơn nhiều so với con số công bố. Đơn cử, giá nguyên phụ liệu của ngành may như vải, nút, sợi, chỉ trong năm 2010 tăng trung bình 20% so với năm 2009.

Trong sản phẩm may mặc, nguyên phụ liệu chiếm đến 70% tổng chi phí để tạo ra một thành phẩm. Vì vậy khi giá nguyên liệu tăng 20% trong cơ cấu 70% chi phí, giá thành sản phẩm doanh nghiệp sẽ bị đẩy lên khá cao. Trong khi đó, giá bán cho những nhà nhập khẩu chỉ tăng trung bình 10%. Do vậy, với kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may dự kiến đạt 11 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010, chủ yếu là do tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Vượt khó bằng cách tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác

Để giải quyết bài toán về vốn kinh doanh, doanh nghiệp nên cố gắng hợp tác tốt với những nhà nhập khẩu nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của họ. Đơn cử, khi nhận được một đơn hàng, doanh nghiệp đề nghị đối tác cho ứng tiền mua nguyên phụ liệu. Với khoản chi phí cho nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng cao trong thành phẩm như hiện tại, doanh nghiệp không phải vay ngân hàng, không chịu mức lãi suất cao sẽ là một lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên mạnh dạn đề nghị những đối tác nhập khẩu điều này, bởi lãi suất ở những quốc gia nhập khẩu vẫn đang ở mức thấp. “Chuyện này không khó, quan trọng doanh nghiệp trong nước phải giữ được uy tín và duy trì được mối quan hệ bạn hàng lâu năm”, cũng vị giám đốc công ty may nói trên phân tích. Để đàm phán có hiệu quả, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích với đối tác, có thể giảm giá bán cho họ 5%, để không chịu mức lãi suất cao lên đến 18% cũng là một cách để vượt qua khó khăn.

Bảo toàn vốn và hợp tác

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phương cách khả thi nhất vẫn là cố gắng duy trì mức tăng trưởng hiện tại. Cụ thể, các doanh nghiệp phải giữ được mức kinh doanh hiệu quả và bảo toàn những thành quả kinh doanh trong năm 2010.

Để phát triển ổn định và bảo toàn được nguồn vốn cũng như quy mô sản xuất, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải bỏ qua cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, dù dư địa của thị trường còn nhiều. Đây là thời điểm doanh nghiệp phải chú trọng vào công nghệ, vùng nguyên liệu nhằm giảm thiểu chi phí để tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng, mức lãi ròng của một doanh nghiệp chỉ vào khoảng 10-15%, trong khi lãi suất cho vay hiện lên đến 18%, doanh nghiệp không thể có lợi nhuận với mức lãi suất cao như hiện nay.

Lập kế hoạch kinh doanh trong năm 2011, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến yếu tố quản trị sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh lãi suất cao và không ổn định như hiện nay, doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn vốn, công nghệ để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong bối cảnh này. Việc mua bán, sáp nhập công ty, nếu thực hiện tốt, có lợi cho công ty, cho người lao động, doanh nghiệp nên sớm thực hiện để tìm cơ may tồn tại và phát triển”, một doanh nhân chia sẻ.

2011: Không khả quan hơn

Tại hội thảo “Kinh tế 2011 – Những điều CEO cần biết” do Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA) tổ chức hôm 18-12 tại Hà Nội, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định về bối cảnh toàn cầu, trường hợp Việt Nam và những đối sách của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ta đang ở đâu?

Trong bức tranh toàn cầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đang có năm bất ổn cần lưu ý. Thứ nhất, tình trạng mất cân đối về cung cầu lương thực đang tiếp diễn. Thứ hai, giá năng lượng đang lên cao nhưng OPEC đã quyết định không tăng sản lượng dầu. Thứ ba là thách thức về khủng hoảng môi trường, trái đất đang nóng lên như một cách nổi loạn vì sự đối xử tệ bạc của con người. Thứ tư là đối đầu với con quái vật tài chính hoành hành. Và cuối cùng là cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro đang có những diễn biến phức tạp.

Năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải quan ngại những điều gì? Giá điện tăng. Từ nay đến Tết giá xăng dầu không tăng, nhưng sau Tết thì không ai chắc vì nếu Chính phủ bù lỗ mãi thì xăng dầu lậu sẽ chảy qua biên giới.

Từ năm 2000-2010, Việt Nam tăng trưởng liên tục nhưng mức lạm phát lại cao nhất khu vực. Năng suất lao động cũng đang giảm dần từ năm 2007. Bên cạnh những lo lắng đó, lãi suất vay ngân hàng vẫn là mối quan ngại lớn của doanh nghiệp khi mà cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng vẫn đang diễn ra âm thầm. Với thực trạng hai tỷ giá như hiện nay, doanh nghiệp kiếm được một đô la đã bị tước đoạt 2.000 đồng giữa thanh thiên bạch nhật. Nếu chính sách này không thay đổi thì khó mà làm ăn yên ổn.

Làm gì?

Theo ông Doanh: “Trước tình hình này, các bạn hãy nhớ lời tướng Giáp, đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc. Nhưng phải theo chiến lược nhất quán và lâu dài. Hạn chế vay ngân hàng, sản xuất đến đâu thanh toán ngay để tránh tối đa rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Doanh nghiệp hãy có sự dũng cảm và có trách nhiệm với xã hội. Hãy dũng cảm sáng tạo và vượt lên chính mình để duy trì công ăn việc làm cho người lao động”.

Ông Doanh còn chia sẻ thêm rằng thế giới đang bước sang chu kỳ thứ sáu (theo lý thuyết chu kỳ của nhà khoa học lỗi lạc người Nga Kondratiev) về khoa học công nghệ với công nghệ mô phỏng sinh học, trước đó là công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp phải nhìn rất dài để hướng tới công nghệ tương lai đó là công nghệ nano.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Tổng thư ký VMA, nguồn vốn vẫn còn khó khăn do đó dự báo năm 2011 doanh nghiệp sẽ vẫn phải trả lãi suất cao khi đi vay.

Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp nên tập trung đẩy mạnh tiếp thị bán hàng và quan trọng hơn, hãy đầu tư cho bản thân mình, phát triển các mối quan hệ. Ví dụ, một cách tiếp thị mới gần đây là các giám đốc điều hành lập thành những nhóm chia sẻ thông tin và giới thiệu khách hàng cho nhau. “Hãy mở rộng quan hệ. Khi ta giúp người khác, họ sẽ giúp lại mình. Hãy đầu tư cho bản thân, hãy cập nhật kỹ năng mới và kiến thức mới để đi nhanh hơn đối thủ. Nếu ta muốn kết quả mới thì cách làm phải mới”, ông Tuấn chia sẻ.

Hồng Phúc ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới