Phạt gây ô nhiễm, vì sao doanh nghiệp không ngán?
![]() |
Một người dân sống gần KCN Lê Minh Xuân đang sử dụng nguồn nước giếng khoan ngay sát miệng cống xả nước thải đen ngòm từ khu công nghiệp này – Ảnh: Văn Nam. |
(TBKTSG Online) – Ô nhiễm môi trường đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, người dân chưa ý thức sử dụng quyền của mình. Trong khi đó, thái độ ứng xử của nhiều doanh nghiệp là vô trách nhiệm, còn việc xử lý vi phạm Luật bảo vệ môi trường thì chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của những vấn đề trên xuất phát từ đâu và làm cách nào để giải quyết? Phóng viên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn luật sư Phạm Văn Võ, Trưởng bộ môn Luật Tài nguyên – Môi trường, trường Đại học Luật TPHCM xung quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Thưa ông, một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường là biện pháp kinh tế, nhưng trên thực tế việc áp dụng biện pháp này tại Việt Nam trong những năm gần đây chưa mang lại hiệu quả, nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Luật sư Phạm Văn Võ: Biện pháp kinh tế được hiểu là biện pháp tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể có liên quan đến họ, vì chính lợi ích kinh tế của mình mà phải thay đổi hành vi tác động đến môi trường theo hướng khuyến khích những hành vi tác động có lợi cho môi trường.
Muốn thực hiện biện pháp này, trước hết, chúng ta phải coi môi trường là hàng hóa. Các chủ thể trong xã hội muốn tác động đến môi trường như xả thải, khai thác các thành phần môi trường… thì phải trả tiền để mua quyền tác động đó.
Ưu điểm của biện pháp này không chỉ tác động đến hành vi của các chủ thể một cách tự nguyện mà còn làm tăng nguồn thu cho hoạt động bảo vệ môi trường và đặc biệt còn bảo đảm sự công bằng trong khai thác, hưởng dụng môi trường.
Ví dụ, tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM ảnh hưởng đến lợi ích của toàn thể cộng đồng, tuy nhiên sự đóng góp của các thành viên cộng đồng vào sự ô nhiễm đó lại không giống nhau. Do vậy, nếu áp dụng nguyên tắc này trên cơ sở yêu cầu ai gây ô nhiễm nhiều thì phải trả tiền nhiều, không gây ô nhiễm sẽ không phải trả tiền và Nhà nước sẽ dùng tiền này đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường thì sự công bằng sẽ được bảo đảm.
Ngoài ra, hiện có một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường sẽ không thể thực hiện được nếu không áp dụng biện pháp này. Ví dụ, Điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường quy định: các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nguy hại cho môi trường như săm lốp xe, dầu nhớt, pin, bình ắc quy… phải thu hồi các sản phẩm của mình khi người tiêu dùng loại bỏ. Và để làm được điều đó thì chỉ có thể áp dụng biện pháp ký quỹ có hoàn trả.
Cụ thể, khi mua các sản phẩm trên, người tiêu dùng phải ký quỹ một khoản tiền, nếu khi loại bỏ chúng anh mang trả tại các điểm thu gom thì sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ, nếu anh vất chúng ra bãi rác thì bất cứ ai thu gom chúng sẽ nhận được khoản tiền ký quỹ của người mua.
Trên thực tế ở châu Âu, biện pháp ký quỹ có hoàn trả không chỉ được áp dụng đối với sản phẩm nguy hại mà còn được áp dụng đối với cả các sản phẩm khác như vỏ chai, vỏ đồ hộp… Ở Việt Nam, việc trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm cũng đã được áp dụng trên thực tế thông qua các nghĩa vụ như nộp phí bảo vệ môi trường, trả tiền cho việc sử dụng dịch vụ môi trường hoặc nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên…
Tuy nhiên, khi chúng ta thu các loại tiền nói trên chủ yếu nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách chứ không phải nhằm mục đích tác động đến hành vi xử sự đối với môi trường nên mục đích quan trọng nhất của biện pháp này không đạt được.
Mặt khác, do ý thức của chúng ta từ xưa tới nay chưa quen với quan niệm môi trường là một loại hàng hóa nên việc phải trả tiền cho việc khai thác hưởng dụng môi trường là điều không dễ được chấp nhận.
Ví dụ, toàn bộ lượng nước máy mà thành phố sử dụng hiện nay là khai thác từ sông Đồng Nai và nguồn nước này phần lớn được sản sinh trên địa phận của các tỉnh thượng nguồn. Để đảm bảo sự công bằng trong khai thác nước trên lưu vực sông Đồng Nai cũng như trong việc xả thải vào lưu vực sông này, chúng ta cần phân bổ hạn ngạch khai thác và xả thải cho các địa phương trong lưu vực.
Nếu TPHCM có nhu cầu khai thác, xả thải vượt quá hạn ngạch được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch của các tỉnh khác. Có như vậy mới đảm bảo sự công bằng và khuyến khích các tỉnh thượng nguồn quan tâm bảo vệ nguồn nước.
![]() |
Luật sư Phạm Văn Võ, Trưởng bộ môn Luật Tài nguyên – Môi trường, trường Đại học Luật TPHCM – Ảnh: Văn Nam |
Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam đã có từ năm 1993, đến lần sửa đổi vào năm 2005 thì luật đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng việc thực thi thời gian qua vẫn không hiệu quả dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, gây tác hại đến môi trường sống vẫn liên tục tiếp diễn?
– Để bảo vệ môi trường, trong thời gian qua Nhà nước không chỉ ban hành Luật Bảo vệ môi trường mà còn có các đạo luật quan trọng khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Năng lượng nguyên tử…
Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường của chúng ta hình thành về cơ bản. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia, chúng ta cũng đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế quan trọng về môi trường như Công ước Vienna 1985 về bảo vệ tầng ozone, Công ước khung về khí hậu biến đổi, Công ước Basel về vận chuyển các phế thải độc hại qua biên giới và vấn đề tiêu hủy chúng, Công ước CITES về buôn bán các giống loài hoang dã nguy cấp …
Sẽ là thiếu công bằng nếu chúng ta kết luận các đạo luật trên được thực thi không hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, hạn chế lớn nhất của pháp luật môi trường trong thời gian qua chính là vấn đề tổ chức thực hiện.
Nhiều quy định của pháp luật môi trường và nhất là của Luật Bảo vệ môi trường chỉ tồn tại trên giấy. Hầu hết những vụ việc nghiêm trọng về môi trường được phát hiện gần đây đều xuất phát từ những hành vi vi phạm pháp luật. Điều này chứng tỏ rằng, chúng ta đã có pháp luật điểu chỉnh nhưng những quy định của pháp luật đã bị vi phạm một cách phổ biến và công khai. Rất đáng tiếc là đôi khi việc vi phạm đó lại có sự tiếp tay của chính những cơ quan nhà nước.
Ví dụ, việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, nhập khẩu bình ắc quy đã qua sử dụng đã được kết luận là vi phạm pháp luật nhưng chúng ta lại xử lý theo kiểu linh động vì trót nhập nên đã tạo ra tiền lệ xấu dẫn đến sắt thép phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu vẫn được tiếp tục nhập ồ ạt về Việt Nam.
Hoặc đã có nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà theo luật thì phải đình chỉ hoạt động hoặc di dời, thế nhưng cơ quan chức năng lại không kiên quyết xử lý, nhiều lần gia hạn thời hạn di dời…
Có thể nói, chỉ cần chúng ta thực hiện tốt những quy định pháp luật hiện hành thì chắc chắn hoạt động bảo vệ môi trường sẽ đạt được những kết quả khả quan.
Trong vai trò một luật gia, ông nhận xét hạn chế lớn nhất của Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?
– Hạn chế lớn nhất của pháp luật môi trường hiện nay là thiếu một cơ chế đảm bảo thi hành có hiệu quả. Cụ thể, nhiều quy định trong Luật Bảo vệ môi trường hiện nay vẫn chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đó là chưa nói đến việc chúng ta ban hành nhiều quy định không sát với thực tế nên rất khó thi hành.
Ví dụ, tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường của chúng ta có nhiều chỉ tiêu quá cao mà các doanh nghiệp không thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật còn mang tính hình thức, các biện pháp chế tài chưa đủ răn đe để ngăn chặn có hiệu quả. Cần phải thấy rằng, ưu điểm của pháp luật là được bảo đảm thực hiện bằng chế tài, nếu không pháp luật không còn là pháp luật.
Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật môi trường, chúng ta cần đưa ra và áp dụng các mức phạt nghiêm khắc để các chủ thể không dám vi phạm chứ không phải là tăng cường kiểm tra phát hiện hành hành vi vi phạm để rồi xử lý một cách nhẹ nhàng, linh động.
Dù có là thần thánh thì lực lượng kiểm tra, thanh tra cũng không thể duy trì hoạt động kiểm tra với cường độ và tần suất để có thể phát hiện tất cả các hành vi vi phạm, và nếu được thì điều này cũng dẫn đến gia tăng chi phí. Do vậy, hiệu quả nhất vẫn là tăng cường hiệu quả của công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, khi dự án đi vào hoạt động nếu phát hiện hành vi vi phạm cần phải xử lý kiên quyết và nghiêm khắc làm sao để họ không thể chịu nổi mức phạt được áp dụng.
Trên thực tế, hiện tại các cơ sở sản xuất không sợ các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính vì mức phạt quá nhẹ, việc rút giấy phép xả thải ra môi trường hầu như chưa được áp dụng, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự là không thể áp dụng do những bất hợp lý trong các quy định của Bộ luật hình sự.
Ví dụ, khi hành vi vi phạm của Công ty Vedan được phát hiện, người dân mới ngỡ ngàng là tại sao một nhà máy vi phạm pháp luận môi trường nghiêm trọng như vậy mà có thể tồn tại trên chục năm trời?! Và rồi khi nói về việc xử lý, chúng ta lại mới thấy rằng pháp luật của chúng ta chưa có những hình thức chế tài tương xứng.
Nói đến việc xử lý ở đây, chúng ta không chỉ nói đến xử lý hành vi vi phạm của người xả thải mà còn phải nói đến trách nhiệm của người có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể nói hiện nay, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh môi trường của các chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch phát triển. Trong đánh giá ảnh hưởng đến môi trường của các chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch phát triển chúng ta chưa có cơ chế để người dân tham gia.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có quy định cụ thể về sự tham gia của người dân trong đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, nhưng đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển mặc dù sự ảnh hưởng đến môi trường là rộng lớn hơn nhưng lại chưa có quy định tương tư.
Do vậy, vấn đề môi trường phát sinh từ thực hiện những chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển khó có thể được giải quyết bởi những giải pháp vi mô. Một lần nữa, việc Công ty Vedan và các nhà máy sản xuất bột ngọt gần đây gây ô nhiễm môi trường không chỉ đơn thuần là do và ý thức pháp luật mà còn do bản thân ngành sản xuất này tiềm chứa nguy cơ rất lớn về môi trường mà công nghệ hiện nay chưa cho phép xử lý triệt để.
Cái mà chúng ta cho là phân hữu cơ mà các nhà máy bột ngọt đang đổ xuống cách cánh đồng của Việt Nam có thể tiếp tục gây ra những hậu quả khôn lường trong tương lai. Nếu trong chiến lược phát triển ngành, chúng ta lường trước được thảm họa này thì chắc chắn thảm họa sẽ được ngăn chặn từ khi nó chưa phát sinh. Tương tự như vậy là ngành đóng tàu, xi măng, luyện kim…
Về quyền tiếp cận thông tin về môi trường của người dân và vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở về môi trường tuy đã được quy định từ Điều 102 đến Điều 105 của Luật Bảo vệ môi trường nhưng những quy định này còn chưa đầy đủ. Có nhiều thông tin rất cần cho việc kiểm tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo hoặc có liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân như báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, thông tin về hiện trạng môi trường, hồ sơ xử lý từng vụ việc vi phạm… lại không có trong danh mục những thông tin phải công khai.
Ngay cả đối với những thông tin phải công khai thì người dân cũng khó có thể tiếp cận vì chúng ta chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phải công khai, hình thức xử lý đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực…
Ý thức về quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân còn hạn chế dẫn đến họ đã không biết sử dụng những quyền này của mình. Nếu người dân sử dụng quyền này triệt để sẽ tạo sức ép rất lớn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vì sợ phải bồi thường. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm gây thiêt hại cho người dân nhưng người bị thiệt hại hầu như không nghĩ đến việc yêu cầu bồi thường.
Tình trạng này không chỉ xuất phát từ ý thức về quyền của người dân mà còn do quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra chưa phản ánh được những nét đặc thù của nó.
Thông thường, người bị thiệt hại do sự cố môi trường hoặc hành vi xả thải của một nhà máy là dân cư của cả một vùng, số người bi thiệt hại có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Vậy trong trường hợp này ai sẽ là người đại diện cho họ để yêu cầu bồi thường?
Theo pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự, người đại diện sẽ là người do người bị thiệt hại lựa chọn. Nhưng trên thực tế, trong trường hợp này, UBND lại chính là người đứng ra yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những thiệt hại gây ra cho yếu tố môi trường chung, các thiệt hại khác của Nhà nước và cho cả thiệt hại của tổ chức, cá nhân.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu UBND khi phân chia tiền bồi thường không đúng hoặc sử dụng tiền bồi thường sai mục đích? Người dân sẽ khiếu nại theo thủ tục hành chính hay khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự. Và giả sử nếu một con tàu chở dầu của một công ty nhà nước gây sự cố dẫn đến thiệt hại cho người dân thì UBND có thể đại diện cho người bị thiệt hại một cách khách quan hay không?
Bên cạnh đó vấn đề chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thực tế xảy ra trong trường hợp bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây là cũng là vấn đề rất khó đối với người bị thiệt hại vì cơ chế gây thiệt hại trong trường hợp này là rất phức tạp, kéo dài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc người bị thiệt hại phải chứng minh mối quan hệ này, đôi khi là điều không thể.
Giải pháp khắc phục những hạn chế này?
Để khắc phục những hạn chế trên, theo tôi, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
– Về phía nhà nước cần phải nhận thức được rằng, vấn đề môi trường ở nước ta không còn là nguy cơ mà thực sự là một thảm họa. Việt Nam không thể hy sinh lợi ích về môi trường để đạt được những thành tựu kinh tế trước mắt, không thể đặt lợi ích của các nhà đầu tư lên trên tính mạng sức khỏe của hàng triệu người dân. Có xác định như vậy, chúng ta mới kiên quyết trong hành động vì tương lai của dân tộc.
– Cần quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường ở tầm chiến lược, nếu không chúng ta chỉ loay hoay ở những giải pháp tình thế để giảm thiểu tác hại của những vấn đề đã phát sinh.
– Kiện toàn về mặt thể chế nhất là vấn đề tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hiện nay vừa là người thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, vừa là người cấp phép và cũng là người kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm đã không có cơ chế đối trọng. Kể từ khi thành lập đến nay, tuy vấn đề tổ chức hoạt động chưa được hoàn thiện nhưng Cảnh sát môi trường đã phát huy được vai trò của mình.
– Cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo hướng nâng cao mức phạt tiền, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, quy định về thẩm quyền xử phạt của cảnh sát môi trường.
– Cần phải sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và bỏ quy định về điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính khi xác định hành vi phạm tội về môi trường.
– Phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường thông qua quyền kiểm tra giám sát, quyền tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo… của người dân và cơ chế dân sự.
Xin cảm ơn luật sư!
VĂN NAM thực hiện