Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát hiện ca nhiễm tả đầu tiên tại TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát hiện ca nhiễm tả đầu tiên tại TPHCM

Khu nhà trọ nơi bệnh nhân Nguyễn Thị Mơi sinh sống – Ảnh: Tường Lâm

(TBKTSG Online) – Ngày 9-4, Sở Y tế TPHCM đã xác nhận ca nhiễm tả đầu tiên trong tình hình dịch tả đang bùng phát tại các tỉnh phía Bắc.

Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Mơi, 71 tuổi, đang ở trọ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Bà Mơi nhập viện hôm 6-4 tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn tả. Trước đó, ngày 5-4 bệnh nhân có mua thức ăn bán rong tại chợ Bình Triệu.

Ông Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng mẫu xét nghiệm của bà Mơi là dương tính. Bà Mơi là dân nhập cư từ Bình Phước và ở trọ chung với 2 người khác từ Nam Định vào. Một điểm đáng lưu ý là Nam Định là vùng đang có dịch tả.

“Vì vậy, có thể bệnh nhân đã nhiễm khuẩn tả từ 2 người từ Nam Định mới vào. Hiện tại, bệnh nhân đã được đưa vào khu vực cách ly tại bệnh viện và theo dõi chặt chẽ,” ông Nghiệm cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và không còn hiện tượng tiêu chảy. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn tiếp tục theo dõi và cách ly bệnh nhân trong mấy ngày tới.

Ông Chính nói rằng bệnh viện vẫn tiếp tục ghi nhận các ca tiêu chảy thông thường trong ngày (9-4).

Mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận 300 ca tiêu chảy thông thường, trong đó có 200 ca là trẻ em. Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã phối hợp với quận Thủ Đức tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp chống dịch tại nơi bệnh nhân đang ở, khử trùng nước uống, nước sinh hoạt bằng Cloramin B và khử khuẩn khu vực. 

Trước nguy cơ dịch bệnh đe dọa thành phố, Sở Y tế thành phố đã thành lập 2 đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra nguồn nước trong thành phố.

Ông Nghiệm cũng khẳng định không thể chủ quan lơ là trước dịch bệnh và phải giám sát chặt chẽ ca nhiễm đầu tiên tránh dịch bệnh bùng phát. Các quận huyện như quận 8, 6 và Cần Giờ phải giám sát chặt chẽ nguồn nước vì những vùng này đang thiếu nước sạch.

Sở Y tế hiện đang lấy các mẫu rau trồng, các loại thức ăn khác nhau và mẫu nước để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân lây lan dịch bệnh và đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng thức ăn đường phố, nên giữ nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ngành y tế thành phố cũng chuẩn bị 2 triệu liều viên Cloramin B và 10 tấn Cloramin bột cung cấp cho các vùng để khử trùng nước và môi trường.

Ngày 9-4, Bộ Y tế chính thức xác nhận tính đến ngày 7-4 đã có 854 người bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm tại 56 quận, huyện của 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 113 ca dương tính với phẩy khuẩn tả V.cholerae. Hà Nội vẫn là điểm nóng cả nước về dịch tả với 596 ca, trong đó 44 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tiếp đến là Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam.

Tính từ ngày 2-4 đến 7-4 đã có thêm 2 địa phương phát sinh bệnh nhân tả là Quảng Bình và Ninh Bình, nâng tổng số người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm từ 385 ca lên 854 ca và số bệnh nhân tả đã tăng 28 bệnh nhân.

Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, ổ dịch nằm rải rác, nhỏ và lẻ tẻ trong cộng đồng. Cùng với thời tiết nóng ẩm, trong khi ý thức người dân không cao, môi trường sống và an toàn thực phẩm bị ô nhiễm nặng,… dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan rộng và nhanh đến các tỉnh miền trung và miền nam.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch yêu cầu chính quyền các địa phương và bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân và cộng đồng có ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý sớm triệt để các ổ dịch nhỏ, lẻ phát sinh cũng như tăng cường giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời khi phát hiện trong người và gia đình có các dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng phác đồ, tránh dịch lây lan rộng cũng như giảm tới mức thấp nhất nguy cơ tử vong.

Tính đến nay chưa có ca tử vong do dịch tả được xác nhận.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới