Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát hiện đã lâu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát hiện đã lâu

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Bốn lãnh đạo các tổng công ty, công ty con của tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) bị bắt tạm giam cuối tuần trước vì những sai phạm khác nhau nhưng cùng một lý do: cố ý làm trái các quy định của Nhà nước (về đầu tư), gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài vụ hoán cải tàu Bạch Đằng Giang cũ nát làm thất thoát hơn 102 tỉ đồng và vụ mua tàu Hoa Sen bị nứt đáy, bỏ xó mất 64,4 triệu euro (tương đương gần 1.400 tỉ đồng vào năm 2007) gây thiệt hại lớn, vụ cố tình lập dự án nhà máy nhiệt điện sông Hồng để nhập rác thải, thiết bị hư hỏng, cũ nát đặt ra nhiều câu hỏi cần lời đáp.

Lật giở lại vụ việc: năm 2006, khi Vinashin và một số tập đoàn kinh tế nhà nước mới được thành lập thí điểm bắt đầu “châm ngòi” cho hình thức kinh doanh đa ngành, nơi này quyết định đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hồng (đặt tại Mỹ Lộc, Nam Định), công suất 185 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, lấy 333.000 mét vuông đất của dân. Vị thế của Vinashin ở thời điểm đó cộng với chủ trương khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng để giải tỏa “cơn khát” điện cho nền kinh tế đang tăng trưởng là những lý do để dự án này ra đời, ngay cả khi nó không có trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI hiện hành.

Nhưng sự bất chấp pháp luật, phớt lờ các quy định đầu tư của lãnh đạo Vinashin ngay từ khi dự án hình thành đã đi quá giới hạn. Theo tin từ báo Công an nhân dân (CAND), đầu tháng 1-2008, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin nhập ủy thác cho Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (chủ đầu tư dự án) lô hàng thiết bị trị giá 610 tỉ đồng gồm 930 tấn thiết bị nhưng hầu hết đã hoen gỉ 100%. Sau khi xác minh, kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) kết luận toàn bộ thiết bị, được khai là nhập về cho nhà máy điện, đã qua sử dụng lâu năm, sản xuất từ những năm 1960-1980, hiện trạng chủ yếu là sắt vụn, đồng nát, bị phía Hàn Quốc phá dỡ, loại bỏ. Các biến thế 300 tấn còn chứa dầu poly chlorinated biphennyls là hợp chất hữu cơ khó phân hủy có hàm lượng phóng xạ vượt quá mức cho phép, dễ khuyếch tán, gây độc hại cho môi trường và sức khỏe. “Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, Công ty Cửu Long có dấu hiệu làm giả một số giấy tờ trong quá trình nhập khẩu lô hàng nói trên”, báo CAND viết.

Khi nhắc đến Vinashin, một lãnh đạo ở Bộ Công Thương nói với TBKTSG mới đây rằng, dù những sai phạm ở dự án Nhiệt điện sông Hồng là rất rõ nhưng ở thời điểm đó, bộ cũng đã phải vận dụng nhiều quy định pháp luật mới bác bỏ được dự án này khi chủ đầu tư đã có những bước đi khác ở nhiều cấp quản lý. Và đến tháng 6-2007, bộ yêu cầu đình chỉ dự án vì các lý do nêu trên đồng thời vì nó không có tên trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI. Bất chấp các khuyến cáo đó, Vinashin vẫn được lãnh đạo địa phương “bật đèn xanh” để có giấy tờ nhập khẩu thiết bị đồng nát về Việt Nam sau đó nửa năm. Nhưng với sự kiên quyết của Bộ Công Thương, dự án đó đã không thể đi vào sản xuất. Nếu không, hậu quả của nó đến ngày nay có thể còn lớn hơn.

Dự án “Nhiệt điện sông Hồng” với những sai phạm quá rõ đã được ngăn chặn nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi: Với những chứng cứ rõ ràng như thế, kể cả việc giả mạo giấy tờ để gian lận thương mại, tại sao ba năm qua vụ việc này vẫn không bị xử lý, những người có trách nhiệm trong vụ này ở Vinashin vẫn ung dung tồn tại?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới