Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát huy cơ hội phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát huy cơ hội phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Lương Tuấn Anh (*)

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)  được Quốc hội thông qua ngày 8-6 mang ý nghĩa quan trọng, có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, định hướng sự chuyển dịch chiến lược chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng theo hướng bền vững, cân bằng hơn cho Việt Nam.

EVFTA – hiệp định thì đặc biệt, còn ta cứ bình thường

Phát huy cơ hội phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế. Ảnh minh họa: TTXVN

Thách thức từ toàn cầu hóa và đại dịch

Không ai có thể phủ nhận tác động trực tiếp của toàn cầu hóa là việc nâng cao thu nhập của người dân. Ngoài ra tác động gián tiếp của nó là hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhận thức của người dân về sức khỏe sẽ được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên có một hệ lụy của toàn cầu hóa, đó là việc trao đổi thương mại, văn hóa, giáo dục… sẽ dẫn đến việc gia tăng sự tiếp xúc giữa các cá nhân. Đây là điều kiện để các loại bệnh truyền nhiễm có cơ hội phát triển trong cộng đồng, trong đó có đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 hiện được cho là thách thức lớn nhất của nhân loại kể từ thế chiến thứ 2. Nó tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Đến nay đã có gần 7 triệu ca nhiễm với hơn 400.000 người tử vong. Tác động của nó không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về mặt kinh tế-xã hội khi nhiều ngành nghề phải đóng cửa khiến nhiều người mất việc làm và thu nhập, bạo lực gia tăng…

Điều đặc biệt nguy hiểm của căn bệnh này là tỷ lệ truyền nhiễm, hay còn gọi là R, cao. Theo đánh giá, tại thời điểm đỉnh dịch, một người mắc bệnh có thể truyền cho 3 người khác. Khi tỷ lệ này cao hơn 1, số người nhiễm bệnh sẽ tăng theo cấp số mũ. Chỉ khi tỷ lệ này thấp hơn 1 thì số người nhiễm bệnh mới giảm dần. Các quốc gia đều coi việc kiểm soát tỷ lệ truyền nhiễm là điều kiện quan trọng nhất trong chiến dịch phòng chống của mình.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu về sự biến đổi của tỷ lệ truyền nhiễm này. Một trong những mô hình được sử dụng nhiều nhất là mô hình SIR (Susceptible – Infected – Recovered) trong đó dân số được chia làm 3 nhóm: nhóm có khả năng bệnh, nhóm đã nhiễm bệnh và nhóm đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm bệnh mới sẽ phụ thuộc vào sự tiếp xúc giữa nhóm 1 và nhóm 2. Sự tiếp xúc này lại phụ thuộc vào các hoạt động trao đổi kinh tế, văn hóa, xã hội, vốn là thước đo độ mở của một quốc gia.

Theo một nghiên cứu mới nhất của tác giả Lương Tuấn Anh (Đại học De Montfort, Vương quốc Anh) và Nguyễn Thu Hằng (Đại học Ngoại thương), các hoạt động trao đổi kinh tế xuyên biên giới có tác động đáng kể đến tỷ lệ truyền nhiễm của Covid-19. Với số liệu thu thập của hơn 100 quốc gia, các tác giả đã phát hiện ra rằng nếu giá trị xuất khẩu tăng thêm 1 tỉ đô la Mỹ sẽ làm tỷ lệ truyền nhiễm tăng thêm 0,85 điểm phần trăm. Điều đó có nghĩa là cứ 10.000 người nhiễm bệnh sẽ có thêm 85 ca nhiễm mới.

Sự tác động này lại thay đổi theo quốc gia và mặt hàng xuất khẩu. Các nước có tỷ lệ thu nhập đầu người cao thì sự tác động càng lớn. Mỹ hiện là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Hay như Vương quốc Anh là nước thiệt hại lớn nhất ở châu Âu. Điều này có thể được giải thích là các nước này có độ liên kết cao, các hoạt động trao đổi kinh tế phức tạp cần sự tương tác giữa các đối tác, làm tăng tỉ lệ truyền nhiễm. Một số mặt hàng thực phẩm có thể làm gia tăng tỉ lệ truyền nhiễm, trong khi với các mặt hàng khác sự tác động là không đáng kể.

Cơ hội kinh tế cần nắm bắt sau đại dịch

Trong một thế giới ngày càng mở, việc đóng cửa các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là việc trao đổi với các nước trên thế giới là một viễn cảnh không ai mong muốn. Việt Nam đã chứng tỏ là một trong những nước hội nhập sâu rộng nhất, mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cam kết mới nhất và rõ ràng nhất.

Một điều đáng mừng là Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu về việc đối phó với đại dịch Covid-19 khi không có ca nhiễm trong cộng đồng trong gần 2 tháng qua và vẫn chưa có ca tử vong vì dịch bệnh này. Điều này là do sự quyết liệt từ phía chính phủ và sự đồng lòng của mọi người dân nhằm kiểm soát đại dịch.

Theo số liệu của tổ chức YouGov chuyên về đánh giá ý kiến của người dân, Việt Nam là nước đứng đầu về việc kiểm soát dịch bệnh khi 97% người dân cho rằng chính phủ đã hành động tốt. Đa số các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như cách ly người nhiễm bệnh hay những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh, phong tỏa các khu vực có người nhiễm bệnh, đóng cửa tạm thời trường học, hủy bỏ các hoạt động có sự tham gia đông người… đều được sự ủng hộ của đa số người dân với tỷ lệ trung bình trên 80%.

Do đó, với việc mở cửa đất nước có kiểm soát, cũng như quyết tâm của chính phủ và sự đồng thuận của người dân, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư mà hiệp định EVFTA sẽ là bệ phóng cho các hoạt động này, góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Trong thông tin gửi đến báo chí, ông Pier Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, điều này sẽ là cơ hội để thúc đẩy các lợi ích từ việc đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại.

“Hiệp định EVFTA sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên. Người dân Việt Nam sẽ mua được những sản phẩm chất lượng cao của châu Âu, giá cả phải chăng hơn. Giá trị lợi ích của doanh doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU có tiêu chuẩn cao, sức mua lớn. Sau Covid-19, chúng ta không nên chỉ tập trung vào một quốc gia mà phải là đa dạng hóa. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các quốc gia trong khu vực. Đây là cơ hội mà Việt Nam cần  nắm bắt", ông Pier Giorgio Aliberti cho biết.

Các nhà phân tích cũng dự báo rằng Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á. Chính vì vậy, việc EVFTA được đưa vào thực thi mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp của hai bên, ngoài ra còn mở cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Đông Nam Á.

(*) Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global); PGS. TS. tại trường De Montfort, Vương quốc Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới