Thứ Hai, 9/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát huy vai trò trí thức Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát huy vai trò trí thức Việt Nam

(TBKTSG) – Theo kinh nghiệm nhiều nước, trí thức khoa học và doanh nhân thường đi tiên phong trong tiến trình hội nhập. Việt Nam chưa có một đánh giá chính thức về vấn đề tương tự, song với thực trạng nêu trên thì rất cần thay đổi về quan điểm, cách đánh giá của các nhà lãnh đạo đối với đội ngũ trí thức.

Nhân đọc loạt bài khảo sát của TBKTSG về các vấn đề kinh tế trong giáo dục, xin nêu một góc nhìn về vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Đất nước đi vào xây dựng ổn định sau chiến tranh đã hơn 30 năm, điều kiện để phát triển về nhiều mặt tốt hơn trước nhưng thành tựu khoa học công nghệ từ cơ bản đến ứng dụng vẫn thua kém các quốc gia láng giềng. Đến nay, tại nhiều hội thảo khoa học, nhất là khoa học xã hội, chủ tọa vẫn còn quá dè dặt trước các quan điểm và ý kiến khác với những gì thuộc về “chính thống”, hiếm có tranh luận đến cùng giữa các ý kiến khác nhau, thường lảng tránh hay khỏa lấp những vấn đề gai góc của hiện thực xã hội.

Hệ quả là không ít người có thực học, thực tài và tâm huyết đã chia tay với các cơ quan và đơn vị nhà nước, một số nhà khoa học đã công chức hóa.

Có năm cả nước có rất ít đăng ký phát minh sáng chế khoa học công nghệ, rất hiếm đề tài nhiên cứu về hiện thực mới trong khoa học xã hội nhân văn; đã xuất hiện những người “hư học”, kém tài nhưng rất sính khoa bảng học vị; trớ trêu là nhiều trí thức đề cao tinh thần khoa học và trung thực lại bị gièm pha, còn những người thực hiện các đề tài hay dự án có “giá trị tầm tầm” mà biết im lặng trước các quyết định duy ý chí hay sai lầm thì vừa ấm thân vừa được thăng tiến.

Lạnh nhạt với nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo, thủ tiêu óc phê phán và hoài nghi khoa học, thậm chí là cả tính trung thực thì những vị trí thức này đang thật sự làm gì? Một đất nước luôn tự hào có bề dày văn hiến, tự hào có đội ngũ trí thức đông đảo được xem như lợi thế cạnh tranh quốc gia trên đường hội nhập mà có thực trạng như vậy thì thật đáng buồn!

Theo kinh nghiệm nhiều nước, trí thức khoa học và doanh nhân thường đi tiên phong trong tiến trình hội nhập. Việt Nam chưa có một đánh giá chính thức về vấn đề tương tự, song với thực trạng nêu trên thì rất cần thay đổi về quan điểm, cách đánh giá của các nhà lãnh đạo đối với đội ngũ trí thức. Và bản thân đội ngũ này cũng phải thay đổi nhằm sớm tạo nên một môi trường tự do dân chủ thực sự để giải phóng mọi tiềm năng trong trí thức, để họ chuyên tâm tìm tòi nghiên cứu, lao động sáng tạo biến các tiềm năng thành hiện thực.

Đây là động lực trực tiếp và cũng là mục tiêu sau cùng của mọi trí thức chân chính, để cùng một đề tài hay vấn đề của cuộc sống, họ sẽ tự mở ra nhiều con đường, nhiều phương thức tiếp cận nghiên cứu, lý giải và đề xuất các giải pháp khác nhau mà vẫn có thể đi tới cùng mục tiêu hay cho ra cùng kết quả. Đó là lẽ thường trong nghiên cứu và sáng tạo. Chỉ có sự cởi mở như vậy mới hy vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ hình thành được các trường phái khoa học, các trường phái sáng tác hay trào lưu mới.

Về mặt kinh tế, cần khẳng định rằng so với cơ chế sử dụng và đãi ngộ “chính thống” thì cơ chế thị trường tạo được động lực tích cực hơn nhiều khi xem kết quả lao động của phần đông trí thức như các sản phẩm hàng hóa đặc biệt bởi hàm lượng trí tuệ trong đó. 

MINH SƠN (TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới