Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển bền vững ĐBSCL ‘bình thường mới’ – vai trò của mặt trận và đội ngũ trí thức

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bình thường mới – vai trò của mặt trận và đội ngũ trí thức”.

Các đại biểu tham dự hội thao khoa học diễn ra hôm nay, 25-3, tại Đại học Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo diễn ra hôm nay, 25-3, ở Trường Đại học Cần Thơ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo địa phương đã đóng góp ý kiến nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện “bình thường mới”.

“Cầu nối” cho những kiến nghị chính sách giúp phát triển bền vững ĐBSCL

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, khu vực ĐBSCl chiếm 47% diện tích, 55% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu cùng 70% diện tích và sản lượng thuỷ sản cả nước.

Ngoài ra, theo ông, khu vực này có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng vì nằm trong khu vực ASEAN, có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế. Hệ thống cảng nối liền giữa các địa phương trong vùng và TPHCM. “ĐBSCL được xác định là một trong những vùng trọng điểm phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của các tỉnh phía Nam và cả nước”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, dưới tác động của biến đổi khí hậu, những lợi thế tự nhiên của ĐBSCL sẽ thay đổi, trong đó, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất, hệ thống sản xuất và thế mạnh của ngành nông nghiệp phải được điều chỉnh tương thích.

Trong khi đó, 2021 là năm cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19. “Điều này, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, nhất là sức khoẻ của nhân dân”, ông nhấn mạnh và cho rằng, ĐBSCL cần linh hoạt thích ứng với điều kiện “bình thường mới”.

GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Từ vị trí quan trọng của vùng, theo GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Trường Cần Thơ, thành viên Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, việc tổ chức hội thảo nêu trên là cầu nối phát hiện và kiến nghị những giải pháp hay, khả thi và hiệu quả để Chính phủ và lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện “bình thường mới” thích nghi Covid-19. “Đồng thời, qua đây kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp hơn cho sự phát triển của vùng”, ông nhấn mạnh.

Riêng với Đại học Cần Thơ, theo ông Toàn, đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, đóng góp hiệu quả vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, phát triển khoa học phục vụ kinh tế- xã hội của vùng và quốc gia.

Một trong các nội dung được ông Toàn yêu cầu tiếp tục “làm sâu sắc hơn”, đó là phân tích vai trò, đề xuất các giải pháp cho công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư…, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích nghi với diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp kéo dài.

Theo ông Toàn, cần đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp đa dạng đáp ứng thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu và “bình thường mới” hướng đến phát triển bền vững; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; định hướng phát triển hợp tác giữa các địa phương với các viện, trường; vấn đề bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai để phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL…

Truyền thông kết nối nguồn lực trí thức, chuyển tải đề xuất và kiến nghị

Ông Phạm Hữu Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times). Ảnh: Trung Chánh

Nói về vai trò của truyền thông trong kết nối, tập hợp nguồn lực trí thức đóng góp cho phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn bình thường mới, ông Phạm Hữu Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times) cho rằng, báo chí là kênh thông tin chính thống giúp kết nối, chuyển tải những ý kiến, đề xuất, khuyến nghị lẫn phản biển chính sách giữa kiều bào trong và ngoài nước đến các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ở góc nhìn của một cơ quan báo chí như Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, ông Chương cho rằng, cần tập trung vào những nội dung chính, đó là tiếp tục đẩy mạnh kênh thông tin, chuyển tải các ý kiến đóng góp, tư vấn, kiến nghị, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện cho kiều bào sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Mặt khác, theo ông, báo chí truyền thông cũng góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc. “Nhiều chuyên đề, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức cả ở trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng tham gia tích cực”, ông nói và cho rằng, thông qua đó, tạo sự kết nối giữa kiều bào ở các địa bàn với nhau và giữa kiều bào với trong nước.

Thông qua truyền thông, những thành tựu về đối ngoại, kinh tế xã hội của đất nước đã khích lệ bà con phát huy tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, xu hướng trở về quê hương đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà ngày càng gia tăng.

Theo ông Chương, báo chí truyền thông trở thành kênh thông tin hữu hiệu, giúp thu hút nguồn lực kiều bào, trong đó, có đông đảo trí thức. “Xu hướng trở về Việt Nam lập nghiệp, làm việc tại các doanh nghiệp bản địa hoặc hợp tác của trí thức, chuyên gia, đặc biệt là kiều bào trẻ ngày càng tăng”, ông dẫn chứng.

Ông Chương cho biết, nếu trước đây hoạt động của kiều bào chủ yếu về nước tham gia các dự án hợp tác phát triển ở dạng tự phát, nhỏ lẻ, thì những năm gần đây đã xuất hiện “làn sóng” doanh nhân, trí thức kiều bào về nước theo nhóm, mạng lưới và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. “Báo chí, thông qua các kênh truyền thông của mình, đã tạo hiệu ứng lan tỏa, có tiếng vang trong cộng đồng, góp phần quan trọng kết nối doanh nhân, trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới, thúc đẩy sự đóng góp của kiều bào cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế – xã hội của đất nước”, ông nhấn mạnh.

Song song đó, các cơ quan báo chí với công cụ và thế mạnh về truyền thông sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối và đưa mạng lưới chuyên gia khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài đến với ĐBSCL – một khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp đang cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ vào trong sản xuất, kinh doanh. Báo chí truyền thông sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên thu hút chuyên gia; xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp, có chính sách đãi ngộ tương xứng, tạo môi trường thuận lợi để trí thức về nước làm việc có thể hợp tác, hòa nhập với địa phương trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Chương cho biết, thông qua các hoạt động ngoài mặt báo, các cơ quan báo chí tạo sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương, tạo cơ hội để kiều bào ở các nước và khu vực giao lưu, hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các nước, cung cấp thông tin tham khảo có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong nước…

“Cuối cùng, các cơ quan báo chí cần đóng góp tích cực cho công tác thông tin, văn hóa, hỗ trợ việc chuyển tải chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong nước đến đông đảo cộng đồng người gốc Việt tại các nước”, ông Chương cho biết.

Thúc đẩy sự chuyển biến trong nông nghiệp

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thương trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho rằng, địa phương có dân số khoảng 1,3 triệu người với diện tích hơn 1.400 km2, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 90.000 héc ta (gồm khoảng 80.000 héc ta đất trồng lúa và 10.000 là nuôi thuỷ sản và các loại cây trồng khác); thu nhập bình quân đầu người của Cần Thơ khoảng 4.100 đô la Mỹ/người/năm. “Nếu so với cả nước, đây là mức thu nhập khá và so với ĐBSCL có lẽ đây là địa phương dẫn đầu”, ông nói.

Theo ông Hiểu, trong cơ cấu GRDP của TP Cần Thơ, nông nghiệp chiếm 8%, nhưng diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 60-70% với khoảng 30-40% người dân sống dựa vào nông nghiệp, thậm chí có hơn vì con số thống kê thường chưa chính xác. “Quý vị thấy, 30-40% người dân hưởng lợi từ 8% GRDP, thì rõ ràng rất là thấp”, ông nêu thực trạng.

Ông Hiểu cho rằng, bình quân thu nhập đầu người của Cần Thơ là khá cao (4.100 đô la Mỹ), nhưng người nông dân là rất thấp. “Bởi, hai người có một con gà, mà một người ăn, một người ngồi nhìn, thì cũng coi như mỗi người được nửa con gà”, ông Hiểu ví von và cho rằng, ông nêu ra ý này để thấy “phát triển nông nghiệp bao giờ cũng là vấn đề nhức nhối”, dù nông nghiệp giữ vai trò an ninh lương thực và ổn định chính trị xã hội rất lớn.

Theo ông Hiểu, quy luật phát triển của đất nước, của địa phương đi lên, thì sẽ thu hẹp dần khoảng cách, nhưng ông cho rằng là khó. “Tôi có 3 công đất (0,3 héc ta, đất sản xuất nông nghiệp- PV), thì quý vị chỉ tôi cách làm giàu đi?”, ông đặt câu hỏi và cho rằng, tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp là rất thấp, dù có tăng năng suất, đổi giống mới, tìm đầu ra sản phẩm, bảo quản sau thu hoạch…, tất cả đều ở mức tối đa.

“Ví dụ, mỗi hộ dân có 1 héc ta đất sản xuất (thực tế bình quân của Cần Thơ chỉ 0,6 héc ta/hộ) và tôi cho năng suất tối đa 10 tấn/héc ta (thực tế năng suất bình quân của ĐBSCL chỉ 6,5-7 tấn/héc ta- PV); giá lúa bán 6.000 đồng/kg (dù thực tế chỉ trên 5.000 đồng/kg), thì 1 tấn lúa lời chỉ 1,8 triệu đồng, tức 1 héc ta lời được 18 triệu đồng thôi”, ông Hiểu dẫn chứng.

Theo ông Hiểu, nếu làm hai vụ “toàn thắng”, thì mỗi năm một hộ gia đỉnh thu nhập được 36 triệu đồng. “Một gia đình ở nông thôn có 6 người, thì tính ra mỗi người 1 năm được 6 triệu, tức 500.000 đồng/người/tháng”, ông tính toán và cho rằng, đây là mức thu nhập thua một cả một người bán vé số.

Ông Hiểu cho rằng, nếu chỉ làm nông thuần tuý, thì người nông dân không bao giờ khá. “Nói vậy, để nhìn thấy thực trạng của mình, có một bộ phận lớn người dân thu nhập rất thấp”, ông nhấn mạnh và tái khẳng định, đó là vấn đề nhức nhối của ĐBSCL.

Từ thực trạng nêu trên, ông Hiểu cho rằng, vấn đề hiện nay của ĐBSCL không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là vấn đề chính sách. “Vậy thì chính sách như thế nào?”, ông nêu câu hỏi và gợi ý, phải giảm dần sản xuất nông nghiệp, chuyển sang phi nông nghiệp; tăng quy mô sản xuất nông nghiệp lên trên từng hộ vì khi đó mới mong nông dân khá lên được.

“Nông trường Cờ Đỏ có 6.000 héc ta, nhưng mỗi năm nộp ngân sách chưa đến 1 tỉ đồng. Trong khi đó, nhà máy thuốc lá Vinataba chỉ 6.000 m2 đã nộp ngân sách 800 tỉ đồng mỗi năm”, ông dẫn chứng và cho rằng, ĐBSCL là vựa lúa cả nước, nhưng người dân miền Trung, miền Bắc dù ít lúa nhưng mới là người giàu hơn. “Nói điều đó để thấy rằng mình phải có chính sách thế nào, chứ không phải vấn đề kỹ thuật nữa”, ông nhấn mạnh.

Để ĐBSCL phát triển bền vững

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, để phát triển bền vững khu vực ĐBSCL cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường; bên cạnh đầu tư của Chính phủ, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực trong doanh nghiệp và nhân dân để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, xem đây là khâu đột phá trong việc phát triển bền vững vùng.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác công nghệ thông tin để đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành Trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Theo bà Ánh, cần có chính sách căn cơ và toàn diện nhằm phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội của vùng, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển chung của vùng.

Mặt khác, bà Ánh cũng đề nghị, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương ĐBSCL phải đẩy mạnh truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm, hiểu rõ tầm quan trọng của sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi về tư duy và hành động.

Phối hợp với chính quyền nhân rộng các mô hình hiệu quả trong làm ăn kinh tế của nhân dân. “Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình kinh tế “thuận thiên” phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua đều do nhân dân sáng tạo ra như: mô hình “lúa tôm”, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh tăng thu nhập cho nông dân….

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ thì cho rằng, đầu tiên cần xác định công tác quy hoạch tổng thể ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp các địa phương, bộ ngành định hướng, rà soát quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích đầu tư

Thứ hai, cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, có định hướng phát triển cụ thể, phù hợp với quy hoạch vùng, qua đó, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng, của từng địa phương. Mặt khác, cũng cần tăng cường liên kết nội vùng với TPHCM và các địa phương khu vực Đông Nam bộ.

Thứ ba, cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật, đảm bảo cho sự phát triển bền vững ĐBSCL; có chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông, xã hội và các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, liên kết sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng.

Thứ tư, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự phát triển bền vững, phòng chống thiên tai bằng nhiều hình thức.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp và công tác dự báo phòng chống thiên tai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, cần nâng cao chất lượng nhân lực có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng, nhất là đẩy mạnh vai trò đội ngũ trí thức của các viện, trường trong vùng.

Thứ bảy, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ trí thức trong vận động, chia sẽ chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường chất lượng giám sát phản biện xã hội; phát huy hơn nữa hiệu quả của hội đồng tư vấn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp…

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ (đứng). Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ nhấn mạnh, thông qua hội thảo kiến nghị những giải pháp hay, khả thi và hiệu quả cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong khu vực, góp phần phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện “bình thường mới” thích nghi Covid-19.

“Kết quả hội thảo đã làm rõ thêm về vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội để phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới, khẳng định đội ngũ trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian sắp tới”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nhân mong các đại biểu tham dự hội thảo tìm thấy những ý tưởng hay, những giải pháp hữu ích để tham gia tích cực hơn nữa trong việc đưa những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tóm lại muốn kinh tế phát triển thì phái có LLSX phát triển, muốn cô LLSX phát triển thị phái có QHSX ( liên kết, ngang,doc, kinh tế tập thể) thích hợp đặc biệt là ngày nay KHKT và TFP đã trở thành LLSX. Quan trọng là cách tiếp cận nhưng tiếc là lý luận nhiều ” biết làm việc” chẳng bao nhiêu! VD hệ thống nông nghiệp là gì? Thành tổ và hệ sinh thái liên kết ra sao? LLSX nào gôm những thành tổ nào? TFP có được từ đâu..

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới