Phát triển cân bằng vùng để chữa bệnh “đại đô thị”
(TBKTSG) - Giáo sư Phan Văn Trường là một học giả mà tôi kính trọng. Trong bài phỏng vấn ông trên TBKTSG số 7-2009 (“Quy hoạch đô thị phải nhìn từ nông thôn”), ông đã chia sẻ nhiều mối quan tâm và đề ra một số giải pháp về vấn đề đô thị “quá tải” ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình có thể đồng tình với nhận định của giáo sư về vấn đề nhập cư.
Di dân từ nông thôn ra thành thị là một hiện tượng bình thường của một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa. Di dân phần nào phản ánh sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế. Sức hút của đô thị có lẽ không phải là các dịch vụ xã hội tuy tốt nhưng lại nằm ngoài khả năng chi trả của di dân. Sức hút của đô thị trước hết là việc làm. Trong vòng mười năm từ 1998-2007, trong khi tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn tăng dần lên từ 71%(1) tới 82% thì tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị cũng giảm liên tục từ 6,85% xuống 4,64%.
Ý kiến cho rằng di dân từ nông thôn ra thành thị khiến cho việc đồng áng bị bỏ bê, làng xóm trống vắng và nông thôn, nông nghiệp tuột dốc là đáng quan tâm nhưng chưa phải là thực tế phổ biến khi mà dân số nông thôn vẫn tăng trung bình 0,73%/năm, tổng sản lượng tăng 4,6%/năm và sản lượng lương thực bình quân đầu người vẫn tăng trung bình 1,85%/năm trong vòng mười năm qua. Thực tế là sản xuất nông nghiệp ngày càng có năng suất cao hơn trong khi đất đai không thay đổi nhiều khiến nhu cầu lao động không lớn. Do đó nhiều người dân nông thôn, nhất là trong giới trẻ, chọn giải pháp ra thành thị kiếm việc làm trong các khu công nghiệp mới được xây dựng và các ngành dịch vụ đang phát đạt.
Việc có hơn 2 triệu người dân vãng lai, cũng như tốc độ tăng dân số cơ học cao tại mỗi thành phố trên chỉ cho thấy vấn đề mất cân bằng vùng trong phát triển và các chiến lược quy hoạch vùng, phát triển đô thị vệ tinh vẫn chỉ nằm trên giấy. |
Những vấn đề đô thị phức tạp mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày: ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, giá sinh hoạt và đất đai tăng cao... thực tế đang diễn ra nghiêm trọng chủ yếu tại một vài thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Mặt trái của việc những thành phố này trở thành đô thị cực lớn là thấy rõ nhưng không thể đổ lỗi cho dòng người nhập cư từ nông thôn hay tìm cách “giữ người ở lại với nông thôn”, tức là kiềm chế quá trình đô thị hóa. “Đất lành chim đậu”, di dân từ nông thôn, dù là sinh viên mới ra trường, tiểu thương hay phụ hồ chọn hai thành phố lớn nhất bởi nơi đây có nhu cầu lao động lớn nhất và nhiều cơ hội đổi đời nhất. Việc có hơn 2 triệu người dân vãng lai, cũng như tốc độ tăng dân số cơ học cao tại mỗi thành phố trên chỉ cho thấy vấn đề mất cân bằng vùng trong phát triển và các chiến lược quy hoạch vùng, phát triển đô thị vệ tinh vẫn chỉ nằm trên giấy.
Có lẽ nếu tập hợp tất cả các dự án đô thị mới và khu công nghiệp đã được phê duyệt xung quanh Hà Nội và TPHCM và thể hiện trên bản đồ thì ta sẽ có hai đại đô thị được bê tông hóa với rất ít khe hở cho không gian xanh. Bên cạnh đó, việc chính quyền tập trung hầu hết, nếu không phải tất cả, các cơ quan điều hành cũng như các tổng công ty nhà nước (dù hoạt động chính không diễn ra tại đây) và các cơ sở hạ tầng cấp quốc gia tại hai thành phố lớn khiến đất đai càng đắt đỏ và nhu cầu người dân đổ về đây vì việc làm, khám bệnh, học tập hay xin vài giấy phép càng lớn. Nếu không có những biện pháp trước mắt và những chiến lược dài hơi nhằm phát triển đô thị vệ tinh và các vùng, các đô thị khác trong cả nước, cũng như phân tán các dịch vụ xã hội cấp quốc gia (bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính), chúng ta sẽ biến Hà Nội và TPHCM thành những đô thị tồi tệ để sống và hai thành phố sẽ mất dần tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Việc một thanh niên đang chăn trâu, làm đồng ở quê lên thành phố bán vé số, chạy bàn không phải là một điều tồi tệ. Tất cả đều là lao động chân chính và có thể nhất thời phù hợp với điều kiện của người thanh niên đó. Điều đó cũng bình thường như nhiều thanh thiếu niên ở phương Tây kiếm được những thu nhập đầu tiên từ công việc chân tay ở tiệm McDonald’s hay cắt cỏ cho nhà hàng xóm. Vấn đề là làm sao với những công việc giản đơn như vậy, người thanh niên đó vẫn có một cuộc sống chấp nhận được và có cơ hội vươn lên thông qua giáo dục, đào tạo và hỗ trợ vốn từ xã hội (Nhà nước, ngân hàng). Những cơ hội đó sẽ không có nhiều trong một thành phố chật chội và đắt đỏ. Nếu chúng ta “bắt” được đúng bệnh của đô thị hôm nay, nhiều thanh niên nông thôn di dân ra thành phố cũng như Hà Nội và TPHCM sẽ có một tương lai khác đi.
NGUYỄN ĐỖ DŨNG
Nhà quy hoạch đô thi
(1) Số liệu dùng trong bài do tác giả tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cung cấp tại địa chỉ www.gso.gov.vn