Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển đào tạo nghề, phải đi từ thay đổi tư duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển đào tạo nghề, phải đi từ thay đổi tư duy

Thanh Phương

Học viên trường dạy nghề Lý Tự Trọng trong giờ thực hành. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi cho lĩnh vực đào tạo nghề. Có nhiều nguyên nhân như hoạt động đào tạo nghề thiếu cơ chế phát triển, chất lượng đào tạo chưa cao… Tuy nhiên, có một nguyên nhân sâu xa được nhiều người đề cập tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ chương trình “Nhất Nghệ Tinh” (*) diễn ra tuần trước, đó là lối tư duy “trọng thầy, khinh thợ” đã ăn sâu trong xã hội.

Nhiều người vẫn thường nói rất xuôi câu nói cửa miệng “nghề nào cũng là nghề” nhưng theo nhiều ý kiến tại hội thảo, phần lớn họ lại hành động khác. Mặc dù năng lực của mỗi người trong xã hội rất khác nhau nhưng hầu hết đều ôm giấc mộng “con tôi phải là bác sĩ, kỹ sư…”.

Giấc mộng này được xã hội ngày nay mặc nhiên thừa nhận là “nguyện vọng một” của giới trẻ, theo cách hiểu là lựa chọn ưu tiên số một ở ngưỡng cửa vào đời. Còn làm y tá hay thợ máy, cho dù có thể vươn tới trình độ cao, vẫn bị xem là “nguyện vọng hai”, phải miễn cưỡng chấp nhận.

Mong muốn sở hữu tri thức là khát vọng đáng quý, nhưng nói như ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TPHCM, tâm lý khoa bảng đã và đang cản trở việc phát triển nguồn nhân lực – thợ – lực lượng cơ bản nhất của xã hội.

Một giáo viên trường nghề cho biết, đối với nhiều học sinh, ngay cả những trường hợp chỉ đủ khả năng tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9), thì con đường học nghề thậm chí còn không được nghĩ tới như là giải pháp cuối cùng.

Bằng cớ là trong xã hội vẫn tồn tại một lực lượng lớn lao động trẻ tuổi thà là tự thân xoay xở, bươn chải đủ kiểu để kiếm sống chứ không nghĩ chuyện chọn lấy một cái nghề phù hợp để học hành bài bản và từ đó tiến thân.

Tình trạng phổ biến và kéo dài từ nhiều năm qua tại các trường nghề vẫn là… không đủ học viên để dạy! Tại trường Trung cấp chuyên nghiệp Kinh tế kỹ thuật Vạn Tường, học sinh đăng ký học ngành công nghiệp thực phẩm đã giảm dần từ 700 xuống chỉ còn 18 em trong năm học vừa rồi.

Bà hiệu trưởng Bùi Thị Nguyệt Ánh cho biết: “Đóng cửa những khoa quá ít học viên thì dễ nhưng nếu trường nào cũng làm vậy thì sẽ có nhiều ngành đào tạo… mất tiêu luôn, trong khi nhu cầu từ nền kinh tế là rất lớn”.

Nhiều trường nghề khác với các ngành đào tạo như nông nghiệp, du lịch, điện – điện lạnh, hàn công nghệ cao, may công nghiệp… cũng thường xuyên không tuyển đủ số lượng học viên theo kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Điều đáng lưu ý hơn là đối tượng học viên của hệ trung cấp nghề cũng chỉ muốn vào học trong các trường đại học có hệ đào tạo này, và cơ chế liên thông đại học đang bị nhiều tổ chức đào tạo dưới đại học lạm dụng như một thứ “mồi nhử” vào những kỳ tuyển sinh.

Hiện tại, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp cùng đào tạo trung cấp nghề, và theo một số giáo viên, thậm chí nhiều trường đại học đào tạo hệ trung cấp nghề còn không chu đáo bằng các trường trung cấp chuyên nghiệp, “nhưng ngặt nỗi phụ huynh được hãnh diện vì con em mình đang học ở đại học này, đại học nọ”.

Thực ra, tâm lý chú trọng bằng cấp đã ăn quá sâu vào đời sống xã hội. Nó xuất hiện khắp nơi, muôn màu muôn vẻ và ngày càng trở nên hình thức. Theo ông Nguyễn Xuân Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn – Đầu tư – Phát triển giáo dục Viễn Đông, “điều này thực sự là gánh nặng cần giũ bỏ”. Có rất nhiều ví dụ cho thấy nhiều người, nhiều giới, có thể cố ý hoặc chỉ vô tình, nhưng đang tiếp tay cho một lối tư duy đã cũ.

Ông Thu cho rằng trong khi các nền kinh tế phát triển quan tâm đề cao khả năng của người lao động thì chúng ta vẫn quá chú trọng bằng cấp, tệ hại hơn là chú trọng một cách máy móc. Chẳng hạn nạn sử dụng bằng cấp để đánh tráo khả năng và trình độ vẫn được thừa nhận và làm cơ sở cho việc tuyển dụng, cất nhắc. Đó là chưa kể giữa nghề với nghề cũng có sự kỳ thị một cách thiếu cơ sở.

Bà Ánh cho biết sinh viên cùng tốt nghiệp văn bằng trung cấp ngang nhau nhưng với ngành kế toán, ngân hàng hay quản trị kinh doanh thì họ có cơ hội được nhận lương thử việc ở mức từ 2-2,5 triệu đồng/tháng, trong khi ngành công nghiệp thực phẩm chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Quả thực trong đời sống hàng ngày, nhiều người đã từng chứng kiến không ít những câu chuyện mà nếu để ý kỹ một chút, sẽ thấy cả xã hội đang hướng giới trẻ mộng làm thầy chứ không làm thợ. Một thầy giáo làng tiễn học trò ruột lên tỉnh không quên dặn dò đại loại như “không vào được đại học thì đừng về gặp thầy”. Hay nhiều bậc cha mẹ đang thúc ép con trẻ học ngày học đêm, nhồi vào đầu chúng tư tưởng “không có đại học thì chỉ còn nước đi đổ rác hay bán vé số”.

Có ý kiến cho rằng chính não trạng này đã khiến hoạt động dạy nghề trở nên bị rẻ rúng, bị teo tóp trong toàn bộ hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, và điều quan trọng hơn, con đường phát triển nguồn nhân lực không tạo ra một cơ cấu lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội. Nghịch lý nằm ở chỗ thực trạng nền kinh tế hiện đang thiếu trầm trọng một đội ngũ thợ lành nghề ở hầu hết mọi lĩnh vực, trong khi có hàng loạt sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không tìm được việc làm đúng ngành nghề, phải đi làm những công việc không chuyên, lương thấp. Đó là chưa kể có khá nhiều trong hàng trăm ngàn thí sinh thi trượt đại học mỗi năm bị rơi vào cảm giác thất bại vì cho rằng cánh cửa tương lai đã khép lại với họ.

Ông Nguyễn Minh Thành cho rằng, khi nào môi trường gia đình và xã hội vẫn giữ cái nhìn thiếu công bằng và một cơ chế sử dụng lao động nhìn chung thiếu trọng dụng đối với những người học nghề, khi ấy trường nghề tiếp tục không thu hút thanh niên.

“Do vậy, để phát triển đào tạo nghề, toàn xã hội – từ nhà nước đến doanh nghiệp, từ nhà trường đến gia đình cần chung sức lại. Kinh nghiệm các nước có nhiều, ta có thể học, vấn đề là cần phải thay đổi tư duy”, ông nói.

(*) Chương trình nhằm xây dựng ý thức nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ, báo Giáo dục và Saigon Times Foundation phối hợp tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới