Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng

ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh (*)

Nhân viên nhập lệnh giao dịch của một công ty chứng khoán ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) đang và sẽ tiếp tục có nhu cầu lớn về đội ngũ nhân lực lành nghề. Tại các công ty chứng khoán hiện nay, nguồn nhân lực bị thiếu hụt nhiều, nhất là đội ngũ tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Đây là các chuyên gia có kiến thức về tài chính, thị trường, kinh doanh và hiểu biết sâu về từng ngành nghề. Đội ngũ này trước mắt rất khó có được qua tuyển dụng hay đào tạo mới, mà thường được bổ sung từ nguồn các công ty kiểm toán, ngân hàng lâu năm.

Từ những bức xúc

Nhân lực chất lượng cao cho kiểm toán và quản lý tài chính luôn là bài toán khó. Theo Bộ Tài chính, đội ngũ kiểm toán có trình độ quốc tế tại Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần ba nhu cầu. Với mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010, chúng ta sẽ cần gấp nhiều lần nhân lực cho lĩnh vực này.

Hơn nữa, khoảng 70% chủ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không đọc được báo cáo tài chính, tức là kiến thức, kỹ năng về quản trị tài chính, xây dựng các chuẩn mực về tài chính – kế toán chưa được doanh nghiệp coi trọng…

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ ngành tài chính ngân hàng còn chậm đổi mới và ít được bồi dưỡng về kiến thức cũng như nghiệp vụ. Trình độ và tính chuyên nghiệp của cán bộ, công nhân viên trong các tổ chức tài chính ngân hàng chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngân hàng, tư vấn, phân tích tín dụng, quản lý rủi ro, marketing và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, tài chính mới.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, điều hành trong các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế về kỹ năng quản trị kinh doanh ngân hàng hiện đại, về marketing, đánh giá, phân tích tín dụng, quản lý rủi ro… Nguy hại hơn, việc thiếu hụt lao động cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những ngành này. Cụ thể như trong ngành ngân hàng, do sự gia tăng đột biến về quy mô cùng với việc ra đời hàng loạt ngân hàng mới đó dẫn đến tình trạng trong thời gian ngắn, các tổ chức tín dụng đưa ra quá nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực, nhất là các vị trí chủ chốt.

Điều này tiềm ẩn những rủi ro về chất lượng quản trị và điều hành của tổ chức tín dụng, bởi sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những vị trí chủ chốt, diễn ra liên tục khiến hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý của doanh nghiệp bị xáo trộn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của toàn ngành.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

– Không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ. Ngoài ra, còn cần bồi dưỡng cho cán bộ tài chính – ngân hàng công nghệ quản lý kinh doanh hiện đại, năng lực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp, quy trình quản trị kinh doanh và hệ thống kiểm soát nội bộ.

– Có chiến lược và kế hoạch cụ thể phát triển nguồn và thị trường nhân lực. Trước mắt tập trung đào tạo đội ngũ quản lý, nhân viên các ngành tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính.

– Đa dạng hóa các kênh và phương thức đào tạo. Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước với các bộ, ngành trung ương và địa phương…

– Khuyến khích thu hút và trọng dụng các chuyên gia ngân hàng trình độ cao từ các tổ chức, quốc gia trong khu vực và thế giới vào làm việc tại Việt Nam.

– Xây dựng trên địa bàn thủ đô và một số đô thị lớn một số trung tâm đào tạo tài chính – ngân hàng đạt trình độ khu vực về chương trình và công nghệ giảng dạy. Chuẩn hóa trình độ cán bộ, nhân viên tài chính – ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế.

– Từng bước mở cửa và hội nhập với thị trường dịch vụ tài chính – ngân hàng thế giới theo lộ trình đã cam kết.

– Khuyến khích phát triển và tạo thuận lợi cho hoạt động của các hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Đẩy mạnh hoạt động và tăng cường vai trò của hiệp hội ngành tài chính – ngân hàng trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trên các phương diện: xây dựng khuôn khổ pháp lý, đào tạo nhân lực, giám sát sự tuân thủ quy định pháp luật của các thành viên tham gia thị trường, giao lưu trong nước và quốc tế.

__________________________

(*) Đại học Thương mại Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới