Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nóng, Đà Nẵng “bối rối” giải quyết mâu thuẫn của du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển nóng, Đà Nẵng “bối rối” giải quyết mâu thuẫn của du lịch

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Những kiến nghị của lãnh đạo thành phố cũng như doanh nghiệp tại hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức hôm nay (5-12) cho thấy, thành phố ven biển này đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các mâu thuẫn của ngành du lịch.  

Phát triển nóng, Đà Nẵng “bối rối” giải quyết mâu thuẫn của du lịch
Lãnh đạo Đà Nẵng lắng nghe ý kiến chuyên gia, góp ý phát triển du lịch thành phố đến năm 2030. Ảnh: Nhân Tâm

Chất lượng hay số lượng?

Tính đến tháng 11-2019, trên địa bàn thành phố có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 phòng, gấp hai lần về số lượng phòng năm 2015. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, nếu tính thêm hơn 10.000 phòng căn hộ khách sạn (condotel) hiện nay thì thành phố biển miền Trung này có hơn 51.000 phòng để phục vụ khách du lịch.

“Đầu tư du lịch đang phát triển quá nóng, quá sức cho Đà Nẵng. Biển Đà Nẵng bị ô nhiễm là hậu quả nhãn tiền”, ông Vinh nói và đề xuất Đà Nẵng nên tìm thêm nguồn khách, mở rộng thị trường, có thể chuyển từ lượng sang chất, lưu ý chất lượng chi tiêu bên cạnh quan tâm số lượng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng có cùng quan điểm khi cho rằng thành phố đang gặp áp lực quá lớn về cung cầu, điều này gây áp lực lên nhà đầu tư.

“Nếu tái cơ cấu, số lượng khách giảm, thì khách sạn không có khách”, ông Dũng băn khoăn.

Theo ông, để giải quyết căn cơ vấn đề này các dự án đầu tư du lịch phải có sự thẩm định của Sở Du lịch và có ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để hạn chế chênh lệch cung cầu.

“Cách đây 10 năm, "cô gái" du lịch Đà Nẵng chưa ai biết đến. Hiện nay, "cô gái" đã đẹp hơn và được nhiều người biết đến. Trong 10 năm sau, làm sao cho "cô gái" này đẹp hơn, giỏi hơn”, ông Dũng ví von.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cũng thừa nhận, cung cầu là một bài toán khó. Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân sắp tới, Sở Du lịch có thể sẽ đề xuất thành phố phải có cơ quan giám sát quy hoạch, xem xét những dự án đầu tư liên quan và ảnh hưởng đến du lịch.

Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng và từng là Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cũng khuyến nghị đã đến lúc nhắm đến chất lượng, thay vì số lượng. Du lịch phải tìm cách nâng cao chi tiêu của khách từ những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đến những thị trường mới Úc, Âu, Mỹ.

Liên kết vùng để phát triển

“Du lịch hiện nay không biên giới. Chúng ta phải liên kết vùng, cùng nhau phát triển, nếu không thì sẽ quay lại câu chuyện trước đây: Đà Nẵng chỉ là điểm trung chuyển của du lịch miền Trung”, ông Cường nói và chia sẻ thêm, Đà Nẵng cũng nên xem xét kỹ vấn đề kinh tế đêm.

“Kinh tế đêm phụ thuộc đặc thù vào từng địa phương, chứ không phải muốn làm là được”, ông giải thích. “Người dân Đà Nẵng có thói quen 5 giờ sáng dậy. Không phải ai cũng muốn đi bar, ăn đến 2 giờ sáng. Giải pháp hợp lý nhất nếu phát triển là khu kinh tế đêm tách biệt với khu dân cư".

Khách quốc tế tại nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng. Nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần mở rộng sân bay sớm vì chuẩn bị quá tải. Ảnh: Nhân Tâm

Tham gia hội thảo, Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đề xuất hơn 10 giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh vai trò của Đà Nẵng không chỉ là điểm đến mà còn là cửa ngỏ của du lịch miền Trung. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất cần điều tra hằng năm chi tiêu của khách, để có chính sách đúng.

Trong khi đó, chuyên gia du lịch Trương Sỹ Quý quan tâm đến vấn đề sân bay Đà Nẵng. Hiện nay, sân bay Đà Nẵng bắt đầu quá tải. “Nếu không mở rộng thì Đà Nẵng sẽ mất vai trò cửa ngõ du lịch khi các sân bay các địa phương khác phát triển”, ông Quý cho biết.

Giám đốc Văn phòng Vietjet miền Trung, ông Trần Hoàng Linh cũng kiến nghị cần làm gấp làm nhà ga T3, đừng để nước đến chân mới nhảy.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cũng băn khoăn khi sân bay Đà Nẵng hiện không có dịch vụ cho khách du lịch khi chờ ở sân bay.

“Chúng tôi cũng thấy được rằng sân bay đang quá tải. Nhưng đang thiếu cơ chế để giải quyết. Việc quy hoạch và đầu tư nhà ga không thuộc trách nhiệm của Đà Nẵng mà là Bộ Giao thông Vận tải”, ông Chinh chia sẻ.

Ông cũng thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là liên kết vùng để cùng phát triển du lịch dù đã có cơ chế phối hợp trong nhiều năm qua. Đà Nẵng hiện đang thiếu sản phẩm thương mại cho khách. Vì vậy, khách đến Đà Nẵng tuy nhiều nhưng chi tiêu không nhiều lắm, vì không có chỗ để tiêu tiền, ông Chinh nói.

Sẽ có 10,5 triệu khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng vào năm 2030

Trong đề án Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến 2025, tầm nhìn đến 2030, Sở Du lịch Đà Nẵng dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách lưu trú dự báo tăng 12-13,5%. Tổng lượng khách lưu trú dự báo đạt 10,5-12 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 5,5-6,5 triệu lượt.

Đến năm 2030, tổng khách lưu trú dự báo đạt 18-19,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 9-10,5 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng 10-12%/năm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới