Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và biến động thị trường

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu, mất cân đối cung cầu nông sản và tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến người nông dân Hậu Giang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Tại cuộc hội thảo về tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế và sử dụng đất nông nghiệp của nông dân tỉnh Hậu Giang diễn ra vào ngày 24-2 tại TPHCM, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, giúp nông dân ổn định đời sống, sản xuất.

Đây cũng là đề tài nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (CVSEAS) thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp thực hiện.

GS.TS Võ Tòng Xuân (giữa), Hiệu trưởng danh dự, trường Đại học Nam Cần Thơ, đồng ban chủ tọa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.Đào

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng bàn thảo về chủ đề sinh kế đối với nông dân trong điều kiện đô thị hóa và biến đổi khí hậu, tình hình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp,  hài hòa lợi ích mô hình lúa – tôm…

Trình bày tại sự kiện, nhóm nghiên cứu cho biết trong vòng 30 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng suy giảm tài nguyên nước, và chất lượng nước dành cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đang bị ảnh hưởng.

Riêng với tỉnh Hậu Giang, PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL thông tin, hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy và phú dưỡng hóa nguồn nước (hiện tượng phú dưỡng hóa xảy ra khi nước ở sông, hồ bị dư các chất như nitrat hoặc phosphat, có thể gây đột biến cho các loài sinh vật sống trong nước, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên – PV) đang là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập cục bộ ở Hậu Giang thời gian qua, ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và sinh kế của người dân.

Người nông dân cũng đang gặp nhiều khó khăn cùng lúc trong sản xuất như tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, mất cân đối cung cầu thị trường và tốc độ phát triển công trình xây dựng. Đồng thời, quá trình chuyển đổi nhanh chóng giữa các mô hình kinh tế cũng dẫn đến nguồn lực sụt giảm, sinh kế của nông dân phụ thuộc vào vốn vay và sự thay đổi của chính sách liên quan.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) chia sẻ, địa phương đang đối mặt với sự thay đổi mục đích sử dụng đất. Sự chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, xây dựng công trình, dự án kéo theo tình trạng nông dân phải chuyển sang làm các công việc khác, một số hộ dân di cư đến những địa phương lân cận như TPHCM, Bình Dương…

Diễn giả trình bày tham luận. Ảnh: T.Đào

Các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân ổn định đời sống, sản xuất. Trong đó, đề xuất cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ về chi phí bồi thường, tăng định mức hỗ trợ cho người dân khi họ chủ động về chỗ ở mới, khuyến khích người dân tái định cư tại chỗ hoặc đến các khu tái định cư tập trung của nhà nước.

Thêm vào đó, địa phương cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp lợi thế của mình, tạo cơ sở cho việc phát triển các ngành kinh tế có liên quan như công nghiệp chế biến nông thủy sản, đồ uống, gia công cơ khí.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL cho biết, sự chuyển đổi trong nông nghiệp sẽ giúp tạo ra giá trị kinh tế cao hơn trong sản xuất. Trong đó, các khâu cần ưu tiên là cải tiến chuỗi cung ứng, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi, thích ứng với khí hậu, tập hợp các doanh nghiệp nhỏ thành một cụm doanh nghiệp, kết nối giữa hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra một số vướng mắc trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình nông dân hiện nay. Ví dụ, mô hình trồng lúa – tôm ở xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), các yếu tố ảnh hưởng như nước ngập, giá vật tư cao, cam kết của doanh nghiệp, ép giá đầu ra gây khó khăn cho nông dân.

Th.S Phạm Thanh Thôi, Quyền Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á chia sẻ về một số giải pháp từ cộng đồng là nghiên cứu chuyên ngành về giống cây với khả năng chịu bệnh cao, có thời gian lưu gốc cao; nghiên cứu về thuốc đặc trị, hỗ trợ về bơm sình, giảm ngập úng và cải tạo đất mới…

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân trong phát triển sản xuất như chính sách về cơ giới hóa, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), mô hình sinh kế (Cái Lớn – Cái Bé)…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới