Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển Tây Nguyên, nhìn từ một góc độ khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển Tây Nguyên, nhìn từ một góc độ khác

(TBKTSG Online) – Xã hội Tây Nguyên hôm nay không còn là xã hội cổ truyền hôm qua, mà đang cùng cả nước dấn mình vào công cuộc hiện đại hóa tất yếu. Vậy ai sẽ là lực lượng dẫn dắt hiệu quả xã hội này trong công cuộc đi lên mới gian nan?

Tôi có anh bạn, thân nhau nhiều năm nay do cùng gắn bó với Tây Nguyên, thiết tha yêu mến vùng đất và người này, thường cùng suy nghĩ và cũng nhiều ưu tư về nó. Gần đây, một hôm cùng ngồi và lại nói với nhau về “đề tài muôn thuở chung của chúng tôi”, tôi hỏi theo anh vấn đề chính của Tây Nguyên hiện nay là gì? Anh suy nghĩ không lâu, cầm bút viết lên tờ giấy đặt giữa chúng tôi hai từ rất đậm: “Giảm sốc!”, thế này đây, anh nói, hơn bất cứ nơi nào hết, ở Tây Nguyên bây giờ vấn đề cốt yếu, cấp bách là thế đó.

Thực tình, tôi cũng đã từng nghĩ đến hai từ này, nhưng tiếp đó lại còn những câu hỏi khác nữa không thể không trả lời. Giảm sốc, đúng rồi, nhưng bằng cách nào, và ai làm?

Cho tôi nói lại đôi chút về ý nghĩ “giảm sốc” của chúng tôi. Như chúng ta đều biết, đất nước ta đang trải qua chuyển động lớn: ra khơi, ra đại dương. Không tránh né, không chần chừ, quyết đối mặt với toàn cầu hóa, thời cơ lớn do nó tạo nên và bão tố lớn do nó đưa đến, vượt lên nó và tự vượt lên chính mình, để không còn mãi lẹt đẹt đi sau thiên hạ, không bỏ lỡ mất thời cơ – như bao lần ta đã bỏ lỡ trong lịch sử.

Cuộc đối mặt này, tất yếu, đang xáo động toàn xã hội, khuấy lên từ những tầng sâu nhất vừa sức mạnh, tiềm năng tích tụ, vừa cả những gì lâu nay ta không ngờ, không thấy, không biết, hoặc đúng hơn, ta đã chừng nào đó cố tình lờ đi, không muốn thấy, muốn biết.

Cuộc đối mặt này gây sốc cho toàn xã hội, từng tế bào của xã hội, từng con người, những cú sốc tất yếu trên con đường lớn đi tới. Tôi cho rằng những vụ việc làm đau nhức lòng người liên tiếp vừa qua, vụ nào cũng ồn ào, nóng bỏng, bức xúc… đều chính là biểu hiện cụ thể của sự xáo động ấy. Có người đã hoảng hốt kêu lên “ôi, bị xâm lăng rồi!”.

Chẳng có xâm lăng nào cả đâu, tự trong cơ thể mình nảy ra ung nhọt vốn chất chứa lâu nay đấy thôi. Tôi nghĩ cần bình tĩnh, nghiêm khắc nhìn lại mình, đến những tầng sâu nhất – mà cuộc đối đầu mới này tạo cơ hội cho ta nhìn thấy, không tránh né được nữa – nhưng quan trọng hơn nữa, hơn nhiều nữa là nhìn tới. Bởi đây không còn là thời kỳ cố thủ phòng ngự của một kiểu kháng chiến trường kỳ; đây là lúc phải đi ra đại dương lớn cùng thiên hạ, cơ hội ngàn năm mới có, chấp nhận sốc, tự tạo ra sức mạnh mới để vượt lên. Bình tĩnh, chặt chẽ, nhưng quyết đoán, rất quyết đoán, không thối lui, không chần chừ, cũng đừng tự dọa mình và dọa nhau…

Toàn xã hội là vậy. Còn Tây Nguyên thì sao? Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua vùng bị xao động nhiều nhất, phức tạp nhất là Tây Nguyên. Rất đơn giản: chỉ vì ở đây khoảng cách giữa cái truyền thống vốn chuyển động một cách bền bỉ nhưng chậm chạp, với cái hiện đại đang đổ xô đến ào ạt (kinh tế thị trường, hiện đại hóa, toàn cầu hóa…) là quá lớn, lớn hơn bất cứ ở nơi nào khác.

Muốn nói gì thì nói, bất chấp những người muốn tự bịt mắt và cả những người la lối báo động, thế giới vẫn cứ ngày càng phẳng ra, cho đến mức theo một cách nào đó ngày nay chẳng có vùng nào thật sự là “vùng sâu vùng xa” nữa. Cánh tay của toàn cầu hóa sờ tới, không chỉ sờ đâu, còn khuấy đảo, bất cứ xó xỉnh nào trên hành tinh. Cú sốc ở Tây Nguyên càng dữ hơn rất nhiều, có nguy cơ gây nên những đứt gãy và cả đổ vỡ – và trong thực tế cũng đã gây ra rồi. Thậm chí, trong mối lo lắng đầy ưu tư của nhiều người quan tâm đến nơi này, dường như đang khó ngăn được một sự tan rã nào đó. Biết vậy, nhưng không thể tránh né. Tây Nguyên, dầu muốn dầu không, đương nhiên phải cùng cả nước dấn mình vào công cuộc hiện đại hóa tất yếu. Huống nữa, ta không chỉ không tránh né, mà lại đang muốn, rất muốn, Tây Nguyên cũng muốn hăng hái hòa cùng nhịp với cả nước trong cuộc trường chinh mới, ước muốn lành mạnh và chính đáng. Vậy cần đi tới, mà đồng thời cố gắng giảm sốc cho được đến tối đa.

Vấn đề là bằng cách nào, và ai sẽ làm được công việc đó?

Có khi để đi tới được vững chắc, và cả nhanh nữa, lại phải quay nhìn lại đôi chút về phía sau. Tôi muốn thử đề nghị một góc nhìn như vậy. Trong xã hội cổ truyền bền vững hàng ngàn năm của Tây Nguyên, có một cơ chế quản lý xã hội rất đặc biệt và hết sức hiệu quả: cơ chế già làng và hội đồng già làng (hình như cũng là cơ chế phổ biến trong các xã hội cổ truyền Đông Nam Á).

Dẫu không thể nói dài và đầy đủ ở đây về cơ chế đó, thử nghĩ lại xem vậy già làng thực ra là ai? Vì sao cơ chế già làng lại đã có thể quản lý xã hội ổn định bền vững hàng ngàn năm như vậy?… Những người ít nhiều có sống và sống một cách có quan tâm ở Tây Nguyên đều có thể biết rõ điều này: già làng chính là các bậc hiền triết của làng. Xã hội này đã được quản lý ổn định tuyệt vời bởi những bậc hiền triết mà tự nhiên và xã hội đã hun đúc nên. Đó là những người am hiểu tường tận, sâu sắc nhất rừng núi, không gian sinh tồn (espace vitale, cũng có người như G. Condominas gọi là không gian xã hội, espace sociale) thiết yếu của tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tức là làng.

Hiểu rừng núi cụ thể, vật chất, và rừng núi siêu nhiên, tâm linh, rừng núi như nguồn nuôi sống bền vững con người, và rừng núi như nguồn cội tâm linh vĩnh hằng của con người. Hiểu con người trong mối quan hệ siêu nhiên mà có thực hàng ngày với các thế lực siêu nhiên đối với người Tây Nguyên cũng thực không kém. Hiểu tường tận đến từng ngọn suối, khe đá, lũng sâu và đỉnh cao, thế giới cây cỏ bất tận và muông thú sống động không cùng của rừng.

Biết tường tận cách tận dụng từng loại cây cỏ và săn bắt từng loại thú để vừa xin được của rừng cái ăn cùng những vật dụng cần thiết cho sự tồn tại của mình, vừa bảo tồn bền vững với một sự kính trọng thiêng liêng thế giới ấy mà người Tây Nguyên coi chính mình cũng chỉ là một thành phần máu thịt khắng khít và nhỏ nhoi. Hiểu biết tường tận luật tục, tức bộ hiến pháp nghiêm minh mà nhân ái, chặt chẽ mà linh động của làng, còn hơn cả Hiến pháp nữa, bởi đây còn là cẩm nang đạo đức để con người sống cho xứng là con người giữa tự nhiên và cộng đồng. Hiểu trời đất và hiểu người, hiểu làng mình đến tận cùng đồng thời cũng hiểu bạn bè bốn phương xa gần, biết cách thức đón khách, đãi khách, và đương nhiên cũng hiểu cả kẻ thù nữa, để có thể là bộ óc sáng suốt và dũng cảm nhất của cộng đồng trong các cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ làng. Hiểu đời và lẽ sống ở đời, ở thế giới bên này và cả ở thế giới bên kia…

Còn có thể nói rất dài nữa về già làng Tây Nguyên trong truyền thống. Vậy nếu ta thử sử dụng ngôn ngữ hiện đại để nói về con người ấy, thì sẽ gọi họ là thế nào đây? Theo tôi, không hề sai đâu, đó chính là tầng lớp trí thức của xã hội cổ truyền Tây Nguyên. Cũng như bất cứ xã hội nào xưa nay, xã hội cổ truyền Tây Nguyên đã được dắt dẫn bền vững hàng ngàn năm, vượt qua mọi thử thách nhiều khi đến kinh hoàng, bởi tầng lớp trí thức ưu tú của mình. Xin mạnh dạn nói: đó không chỉ là một kinh nghiệm lịch sử, đó còn là một quy luật.

Xã hội Tây Nguyên hôm nay không còn là xã hội cổ truyền hôm qua. Mà là một xã hội đang hiện đại hóa một cách tất yếu, và như đã nói, một công cuộc hiện đại hóa khó khăn hơn rất nhiều so với bất cứ nơi nào khác trong cả nước. Vậy ai sẽ là lực lượng dẫn dắt hiệu quả xã hội này trong công cuộc đi lên mới gian nan? Gần đây thấy các tổ chức nhà nước và xã hội đã quan tâm hơn đến vai trò của già làng, nhiều hình thức biểu hiện sự kính trọng đối với già làng và tìm cách phát huy vai trò của già làng đã được thực hiện. Những việc làm đó là cần thiết, đều có tác dụng nhất định.

Nhưng hình như vấn đề chủ yếu không phải, không còn ở đó nữa. Không thể lấy những lực lượng cũ, của một thời đã trở thành cổ truyền, để giải quyết những vấn đề mới của xã hội, mà là những vấn đề cực khó, cực kỳ phức tạp, xưa nay chưa từng có, nhất là trong chiều kích văn hóa sâu thẳm của chúng.

Học bài học của quá khứ không phải bằng cách sao nguyên hình thức cũ, mà là tìm trở lại cho được cái cốt lõi của nó, để hình thành nên lực lượng cốt lõi ấy với những nội dung và hình thức mới, hiện đại. (Về vấn đề thường được bàn: quan hệ giữa dân tộc và hiện đại, tôi xin được nhắc lại ý kiến từng bày tỏ: không phải là vừa dân tộc vừa hiện đại, kết hợp dân tộc với hiện đại – trong thực tế không có và không thể có điều đó – mà là hiện đại hóa dân tộc. Cũng như vậy, không phải là kết hợp truyền thống với hiện đại mà là hiện đại hóa kinh nghiệm truyền thống, tạo ra truyền thống mới).

Tức, nói ngắn gọn, phải tạo cho được tầng lớp “già làng” mới, tức tầng lớp trí thức mới của Tây Nguyên. Nên nhớ rằng ngay trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, già làng không phải bao giờ cũng nhất thiết là người cao tuổi nhất trong làng. Tuổi tác chỉ là để tích lũy sự từng trải. Từ xưa đã từng có những già làng rất trẻ. Tức chủ yếu họ phải là “bậc hiền triết”, người trí thức của làng (có lẽ theo nghĩa đúng nhất, sâu nhất của quan niệm về người trí thức). Vấn đề cấp bách hiện nay đối với Tây Nguyên chính là như vậy: gấp rút, tích cực nhất tạo nên tầng lớp trí thức mới của Tây Nguyên, của chính người Tây Nguyên bản địa.

Chính họ, chỉ có họ mới có thể thấu hiểu hết những vận động sâu thẳm, vô cùng tinh tế và phức tạp đang diễn ra trong lòng xã hội và con người Tây Nguyên hiện nay, và cũng chỉ có họ mới tìm ra được cách giải quyết tốt nhất có thể. Chứ không phải chúng ta, những người đến làm thay, thường tốt bụng, đầy thiện chí, nhưng lại cũng rất chủ quan, âm thầm tự cao, tự cho mình là có thể thông minh, “hiền triết” hơn người bản địa. Xưa nay vẫn vậy, mọi vận động đích thực và cốt yếu, bao giờ cũng phải là vận động nội tại, bởi những lực lượng và động lực nội tại. Vấn đề là tạo ra cho được những lực lượng nội tại mới như vậy cho những vận động mới hôm nay.

May thay, gần đây có một ví dụ tích cực theo hướng này: vài năm trước Viện Văn hóa dân gian thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức một lớp thạc sĩ cho 12 anh chị toàn người bản địa Tây Nguyên, Xơ Đăng, Ba Na, Ê Đê, Hơ Re, Mơ Nông… Kết quả thật tuyệt vời. Tôi đã tận mắt đọc được cả 12 bản luận văn của họ và trực tiếp gặp được một số anh chị ấy. Trong khi chuẩn bị luận văn của mình, các anh chị đã phải tiếp cận tác phẩm của các nhà nhân loại học, dân tộc học, Tây Nguyên học hàng đầu trên thế giới, những Claude Lévy Strauss, E. Durkheim, Tylor, A. van Gennep, Guilleminet, J. Dournes, G. Condominas…, và đã tỏ rõ khả năng chiếm lĩnh vững chắc những tri thức bác học đó, lại vận dụng rất sinh động, sáng tạo, soi sáng một cách vừa cơ bản vừa cập nhật vào thực tế của dân tộc mình.

Đặc biệt, họ đang có ý thức rất sâu sắc, cả sắc sảo nữa, về những nan đề đang đặt ra nóng hổi đối với xã hội Tây Nguyên nói chung, và ngay đối với từng cộng đồng dân tộc của chính họ. Trong một lần gặp chị Phạm Thị Trung, người Xteng (một nhánh nhỏ của tộc người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, Kontum), một trong những người xuất sắc nhất của lớp thạc sĩ ấy, hiện đang dạy văn và là Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Đak Glei, Kontum, tôi có thử gợi ý: hay là chị chuyển sang ngành văn hóa để có điều kiện làm việc hơn, chị đã bảo tôi, không, chị sẽ chỉ ở ngành giáo dục, ở ngay chính trường của chị thôi. Ở đấy chị sẽ cố gắng truyền đạt cho tất cả các giáo viên (cũng là người dân tộc bản địa) những tri thức về dân tộc học và ý thức về chính các dân tộc của họ, rồi qua các giáo viên ấy lại truyền đạt thấm sâu đến các thế hệ học sinh người dân tộc, như vậy chị sẽ có được một lực lượng mênh mông tỏa về các làng, các địa phương, và sẽ không còn có ai hơn lực lượng ấy có thể hiểu và tự tay giải quyết trong thực tế những nan đề khó nhất, tinh vi và phức tạp nhất của làng mình, cộng đồng dân tộc mình, của cả Tây Nguyên nói chung hiện nay.

Không ai hơn họ có thể giữ được cho Tây Nguyên vẫn luôn là mình đồng thời cũng hiện đại như ai, cùng với cả nước… Đẹp vô cùng và đáng trân trọng thay suy nghĩ và việc làm trầm lặng mà dũng cảm, và cả hiền minh nữa, tôi dám nói vậy, của cô thạc sĩ Xteng tôi may mắn được biết và quen… Hiện nay, theo chỗ tôi được biết, có khoảng trên vài chục thạc sĩ, tiến sĩ người bản địa ở các tỉnh Tây Nguyên, trong nhiều ngành, đặc biệt đáng mừng là cả trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Nghĩa là hoàn toàn hiện thực việc chúng ta có thể có được, trong khoảng mươi, mười lăm năm nữa, hàng ngàn thanh niên Tây Nguyên mới có trình độ cử nhân, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, để thực sự có được một lớp “người hiền” mới của Tây Nguyên. Hãy ra sức tạo nên cho kỳ được lực lượng đó và giao vận mệnh của Tây Nguyên trong cuộc trường chinh mới hôm nay của đất nước cho họ. Rất có thể đây chính là công việc lớn nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất, vừa cấp bách vừa cơ bản, lâu dài đối với Tây Nguyên mà tất cả các lực lượng xã hội, từ Nhà nước cho đến các tổ chức xã hội dân sự cần hết sức tập trung làm cho kỳ được.

Một ý kiến, cũng là một kiến nghị nghiêm túc và thống thiết, mong sẽ không đến nỗi như bao lần trước, rơi vào thinh không!

Trong xã hội cổ truyền bền vững hàng ngàn năm của Tây Nguyên, có một cơ chế quản lý xã hội rất đặc biệt và hết sức hiệu quả: cơ chế già làng và hội đồng già làng.

Phải tạo cho được tầng lớp “già làng” mới, tức tầng lớp trí thức mới của người Tây Nguyên bản địa. Chính họ mới có thể thấu hiểu hết những vận động sâu thẳm, vô cùng tinh tế và phức tạp đang diễn ra trong lòng xã hội, con người Tây Nguyên hiện nay, và cũng chỉ có họ mới tìm ra được cách giải quyết tốt nhất Chứ không phải chúng ta, những người đến làm thay.

NGUYÊN NGỌC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới