Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển thương mại theo chiều sâu: Hai hướng đi chủ yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển thương mại theo chiều sâu: Hai hướng đi chủ yếu

Nguyễn Đình Bích

Kho gỗ nguyên liệu nhập khẩu của một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trong bối cảnh không thể tiếp tục phát triển thương mại theo chiều rộng một cách ồ ạt như trước, việc phát triển thương mại theo chiều sâu cần được triển khai theo hai hướng:

Thứ nhất, khắc phục được tình trạng “vỏ…” ta, “ruột…” ASEAN+3 ngày càng trầm trọng.

Trong hàng loạt những sản phẩm không chỉ để tiêu dùng trong nước, mà cả để xuất khẩu, tuy được ghi danh “Made in Vietnam”, nhưng thực chất là “vỏ ta, ruột ASEAN” (từ năm 2000 trở về trước) còn trong những năm gần đây lại là “vỏ ta, ruột ASEAN+3”, trong đó nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Các số liệu thống kê cho thấy nhịp độ tăng nhập khẩu bình quân năm năm 2006-2010 sẽ đạt 17%/năm, còn xuất khẩu là 15,8%/năm. Do sự chênh lệch như vậy, trong năm năm qua, nhập siêu bình quân mỗi năm lên tới 12,73 tỉ đô la Mỹ, bằng 15,5% GDP.

Thủ phạm chính gây ra tình trạng nhập siêu, theo thống kê, không phải là nhóm hàng máy móc, thiết bị (bởi tỷ trọng bình quân của nó trong rổ hàng hóa nhập khẩu bốn năm gần đây chỉ là 27,3%), càng không phải là nhóm hàng tiêu dùng (với tỷ trọng chỉ có 7,8%) mà là nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu với tỷ trọng cao ngất ngưởng 64,9%.

Các kết quả tính toán cho thấy, bình quân 10 năm 1991-2000, tỷ lệ nhập siêu của nước ta từ các nước ASEAN là 69,9%, còn với ba quốc gia Đông Bắc Á chỉ mới là 19,7% (tính chung là 39,9%, chỉ mới bằng 6,4% GDP), thì cặp số liệu tương ứng trong giai đoạn 2001-2005 là 80,3% và 58,4% (tính chung đã là 66,64%, tương đương 14,2% GDP), còn bốn năm gần đây nhất là 82,1% và 111,6% (tính chung lên tới mức kỷ lục 99,5% và tương đương 25,9% GDP).

Do vậy, nếu chúng ta đầu tư phát triển mạnh các ngành công nghiệp trung gian, công nghiệp phụ trợ, thì chỉ cần giảm được một phần năm tình trạng “vỏ ta, ruột ASEAN+3” trong các sản phẩm “Made in Vietnam”, thì chẳng những rổ hàng nhập khẩu không quá lớn mà rổ hàng xuất khẩu cũng không cần lớn hơn. Như vậy, cả quy mô lẫn tỷ lệ nhập siêu sẽ giảm mạnh.

Nói cách khác, tình trạng “vỏ…” ta, “ruột…” ASEAN+3 ngày càng trầm trọng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho căn bệnh thương mại phát triển bùng nổ, nhập siêu quá lớn, còn nhịp độ tăng trưởng kinh tế không những không cao, mà còn tụt dốc trong những năm gần đây.

Thứ hai, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, phát triển nhanh các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, như chế biến nông lâm, thủy sản… tuy đã được chỉ đích danh trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010, nhưng cho đến nay vẫn còn những “lỗ hổng” không nhỏ trên thực tế.

Nghịch lý cường quốc xuất khẩu cà phê số hai thế giới của nước ta đã tồn tại từ cả chục năm qua có lẽ thuộc loại điển hình nhất trên phương diện này. Thực tế, Việt Nam vẫn tích cực “ôm hàng vào” khi giá thế giới sốt nóng, và ngược lại, đẩy mạnh xuất khẩu khi giá thế giới “rơi tự do”. Trong khi đó, ngược lại, một bạn hàng có lẽ lớn nhất của nước ta trong một thập kỷ qua, các công ty của Đức, lại làm ngược lại là dù không trồng một cây cà phê nào, họ vẫn có thể giữ vị trí một cường quốc thế giới trong xuất khẩu loại đồ uống này.

Số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy trong ba năm cuối của cơn sốt nóng giá cả thế giới vừa qua (2006-2008) chúng ta đã giành được vị trí cường quốc xuất khẩu số hai thế giới của người Đức ở hai mặt hàng cà phê và chè xuất khẩu.

Nhưng năm 2009, với việc giá cả thế giới “rơi tự do”, người Đức đã “đòi lại” vị trí mà họ đã giữ trong năm năm 2001-2005, mà nguyên nhân không có gì khác ngoài việc giá các sản phẩm thô xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, đến 18,9%, khiến kim ngạch thu về chỉ còn 2,112 tỉ đô la. Còn với ngành công nghiệp chế biến hàng đầu thế giới, cũng hai mặt hàng này, người Đức hầu như không bị giảm kim ngạch xuất khẩu (2,117 tỉ đô la Mỹ so với 2,135 tỉ đô la năm 2008).

Do vậy, con đường để chúng ta thoát khỏi tình trạng nói trên là phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê để tăng kim ngạch được đánh giá là gấp 3-4 lần so với xuất khẩu thô đã kéo dài hàng chục năm nay.

Nhìn một cách tổng quát, cho dù đã được khẳng định trong đường lối phát triển, nhưng nghịch lý là ở chỗ, hàng loạt các ngành công nghiệp chế biến của nước ta phát triển dựa trên cơ sở không chỉ nguyên liệu, mà cả các sản phẩm trung gian, đều phải nhập khẩu, điển hình là công nghiệp dệt may và da giày, nên hiệu quả thấp. Trong khi nguyên liệu trong nước lại chỉ để xuất khẩu thô và hiệu quả cũng không cao.

Do vậy, hai hướng đi có lẽ là chủ yếu trong phát triển thương mại theo chiều sâu trong thập kỷ tới chính là, dựa trên nền tảng tiếp tục phát triển mạnh một số ngành công nghiệp nguyên liệu cơ bản và nhanh chóng phát triển đồng bộ không ít ngành công nghiệp mới chỉ phát triển ở khâu hạ nguồn. Đồng thời phát triển nhanh những ngành công nghiệp chế biến dựa trên cơ sở nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu, đồng thời gia tăng xuất khẩu và thương mại trong nước với nhịp độ phát triển thấp hơn, nhưng vẫn hoàn toàn có thể bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới