Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phép thử năng lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phép thử năng lực

Vẻ mặt căng thẳng của một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Nghiệp vụ “chứng khoán hóa” được xem là “tội đồ” gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ

(TBKTSG)- Đối với những người hiện đang theo đuổi ngành nghề tài chính – ngân hàng thì cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ là một thực tiễn hiếm hoi, có thể xem là cơ hội ngàn vàng để kiểm chứng lại hiệu quả của cấu trúc thể chế ngân hàng hiện đại.

Với tư cách là thể chế kinh tế – tài chính có quy mô lớn nhất toàn cầu, hệ thống ngân hàng Mỹ đồng thời là nơi hội tụ những gì tinh tế, phức tạp nhất của thị trường tiền tệ, là tâm điểm của thị trường chứng khoán quốc tế. Đến nay, các nhà phân tích cũng như dư luận vẫn chưa thể lường hết được những gì sẽ xảy ra tiếp theo những rúng động vừa qua, tuy nhiên bước đầu có thể rút ra một số điểm đáng lưu ý dưới đây.

Chứng khoán hóa – nguyên nhân hay nguyên cớ?

Trước hết, công cụ được nói đến nhiều nhất và được xem như “tội đồ” gây ra đại khủng hoảng vừa qua chính là nghiệp vụ “chứng khoán hóa” nhằm biến các khoản cho vay bất động sản thành các gói trái phiếu để cung cấp ra thị trường vốn toàn cầu. Thông qua kênh này, hệ thống ngân hàng đầu tư Mỹ đã được hỗ trợ những nguồn vốn khổng lồ để thỏa mãn tham vọng mở rộng không ngừng các khoản tín dụng đầu cơ vào lĩnh vực địa ốc. Vấn đề đặt ra là, nghiệp vụ chứng khoán hóa có đúng là nguyên nhân hay chỉ là nguyên cớ dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tài chính Mỹ?

Trên thực tế, nghiệp vụ chứng khoán hóa hiện đại đã xuất hiện cách đây 30 năm, được thực hiện trên cơ sở chuyển hóa các khoản phải thu, mà chủ yếu là các khoản nợ vay từ các tổ chức tín dụng thành các “hàng hóa” có thể mua bán được trên thị trường chứng khoán. Nghiệp vụ này được áp dụng rộng rãi tại các nước có nền tảng thị trường tài chính phát triển cao, là kênh huy động vốn nhanh chóng và hiệu quả, nhất là có khả năng đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị…

Như vậy bản chất sự việc nằm ở chỗ cần xác định đâu là các giới hạn an toàn hợp lý khi vận dụng công cụ chứng khoán hóa vào mục tiêu tập trung và huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Cần kết hợp chặt chẽ giữa việc thẩm định chất lượng đầu vào, tức là đánh giá độ rủi ro của những tài sản được mang ra chứng khoán hóa, với việc xác định rõ hiệu quả đầu ra, nghĩa là định hướng sử dụng vốn đầu tư vào những mục đích thực sự có lợi cho nền kinh tế và cho chính tổ chức đứng ra phát hành.

Thiết nghĩ, mọi hành vi lạm dụng quá mức công cụ chứng khoán hóa vào các mục tiêu đầu cơ bất động sản, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đầu tư “bỏ trứng vào một giỏ”, hoặc đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh, lợi nhuận cao với rủi ro bằng mọi giá… là bài học có giá trị cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, mô hình tạo vốn thông qua nghiệp vụ chứng khoán hóa có thể minh họa đơn giản là vay lại của người đi vay. Do không hình thành từ vốn gốc nên nguồn vốn này không thực sự bền vững, nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế đang suy thoái hoặc thị trường tiền tệ có những xáo trộn bất thường.

Cho dù so sánh hơi khập khiễng, nhưng điều này cũng khiến mọi người liên tưởng đến cảnh ngộ tương tự của nhiều ngân hàng Việt Nam bị lâm nạn trong “cơn bão” thanh khoản vừa qua, mà một trong những lý do chính là đã quá lạm dụng nguồn vốn đi vay từ các tổ chức tín dụng khác để cân đối cho việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh, đặc biệt là cho vay trung dài hạn trong lĩnh vực địa ốc.

Năng lực ứng phó là quyết định

Thứ hai, năng lực ứng phó tình hình khi thảm họa xảy ra cũng là một trong những bài học đáng quan tâm xuất phát từ cuộc đại khủng hoảng lần này. Trong đó, dư luận đặc biệt chú ý vai trò của bộ tứ Quốc hội – Tổng thống – Bộ Tài chính – Quỹ dự trữ liên bang Mỹ.

Việc phản ứng nhanh có hiệu quả bước đầu là góp phần phục hồi sự ổn định của thị trường chứng khoán thế giới đã chứng minh được thực lực và phạm vi ảnh hưởng mang tính toàn cầu của nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, qua đó cho thấy sự phối hợp khá ăn ý giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp khi hệ thống tài chính đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ.

Bên cạnh nỗ lực của chính phủ, người ta cũng chứng kiến sự phản ứng kịp thời của hệ thống ngân hàng Mỹ trong việc chung sức đóng góp quỹ thanh khoản nhằm cứu hộ lẫn nhau, đặc biệt là việc các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới ở châu Âu và Bắc Mỹ tung ra một lượng thanh khoản lớn nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng, có tác dụng nhanh chóng làm dịu tình hình.

Có thể nói rằng đặc trưng số một của hệ thống tiền tệ ngân hàng hiện đại ngày nay thể hiện ở tính thống nhất, đan xen, và có ảnh hưởng mật thiết lẫn nhau. Đây vừa là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm quan trọng cần hết sức lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, nhằm tránh những hành xử mang tính đơn phương, cục bộ, có hại cho chính sách chung, nhất là vào những thời điểm khủng hoảng hoặc nhạy cảm.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng lần này cũng cho thấy vai trò quan trọng không thể thay thế của các nhà quản trị tài chính ngân hàng cấp cao trong việc ban hành các quyết sách kịp thời nhằm tự bảo vệ, thoát hiểm, tiếp tục duy trì sự tồn tại của tổ chức dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Nhãn quan chiến lược kinh doanh cũng như kỹ năng thương lượng kém trong tiến trình sáp nhập, hợp nhất là một trong những nguyên nhân đẩy Lehman Brothers vào tình thế buộc phải đệ đơn xin bảo vệ phá sản, chính việc kéo dài thời gian đàm phán với nhiều đối tác trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” vô hình trung đã khiến ngân hàng này không có một kết thúc tương đối có hậu như Merrill Lynch, cho dù tổ chức này cũng phải chấp nhận bán mình cho đối thủ cạnh tranh là Bank of America.

VĨNH PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới