Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phí cao, doanh nghiệp vận tải rục rịch bán xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phí cao, doanh nghiệp vận tải rục rịch bán xe

Lê Anh

Phí cao, doanh nghiệp vận tải rục rịch bán xe
Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM đang rục rịch bán xe vì sắp phải đóng phí cao – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Trong tình hình kinh doanh khó khăn, đơn hàng vận chuyển giảm mạnh, nhưng từ ngày 1-1-2013 xe tải có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên phải đóng phí bảo trì đường bộ lên đến 1,44 triệu đồng/tháng, nên với mức phí khá cao như vậy đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM đang rục rịch bán xe.

>>Kiến nghị lùi thời gian thu quỹ bảo trì đường bộ

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên cho biết, công ty ông trước đây có 24 xe container nhưng hiện tại chỉ còn lại 6 chiếc để vận chuyển nốt những đơn hàng đã ký hợp đồng.

"Kinh tế khủng hoảng, đơn hàng vận chuyển giảm, sắp tới phải đóng phí bảo trì đường bộ lên đến 1,44 triệu đồng/tháng, trong khi doanh nghiệp cũng không thể tăng giá cước lên mức quá cao. Hơn nữa, theo dự báo kinh tế 2013 vẫn tiếp tục khủng hoảng, do vậy tôi chọn giải pháp bán xe để chuyển ngành nghề kinh doanh", ông nói.

Còn ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Tôi cũng dự định bán xe vì mức phí đường bộ quá cao, sắp tới phí cầu đường lại tăng trong khi đơn hàng ít, doanh số sụt giảm”.

Không những vậy thu nhập giảm sút nhiều lái xe đã xin nghỉ việc. Ông Khánh lo ngại trong bối cảnh hiện nay, việc bán xe cũng rất khó khăn, với mức phí phải đóng cho mỗi chiếc xe lên đến hơn 16 triệu đồng một năm thì ít doanh nghiệp mua thêm xe.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cũng thừa nhận doanh nghiệp vận tải đang đứng trên bờ vực phá sản vì thuế và phí. Mặc dù, hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần về cách thức thu và mức thu phí bảo trì đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải ở TPHCM, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hải Phòng cũng đang lao đao vì không có đơn hàng vận chuyển mà sắp tới lại phải đóng phí khá cao. Ông Trần Trí Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, tại Hải Phòng có trên 2.000 doanh nghiệp vận tải hàng hóa với gần 25.000 phương tiện.

Trong đó có 1.036 doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo container với 6.460 xe. Quy mô doanh nghiệp có từ 2-5 xe chiếm khá nhiều. Từ đầu năm 2012 đến nay việc giao thương với Trung Quốc bị thắt chặt doanh nghiệp không có đơn hàng vận chuyển nên 40% doanh nghiệp đã phá sản chuyển đổi phương tiện.

Doanh nghiệp vận tải bị tước giấy phép nếu có lượng xe vi phạm cao

Kể từ ngày 25-12-2012, thời điểm Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực, nếu doanh nghiệp có lượng phương tiện vi phạm cao thì sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Cụ thể, trong thời gian còn hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu được cấp doanh nghiệp kinh doanh vận tải có 5% số lượng xe mà người lái xe vi phạm hành trình hoặc có 20% số lượng xe mà người lái xe vi phạm về tốc độ, doanh nghiệp có 20% số lượng xe mà người lái xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định hoặc 10% số lượng xe mà người lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện thì sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ bị tước giấy phép nếu không kinh doanh vận tải trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 6 sáu tháng liên tục.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới