Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phí chiếu xạ cao cản trở thanh long vào Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phí chiếu xạ cao cản trở thanh long vào Mỹ

Giá chiếu xạ cao và mưa bão đang gây trở ngại cho trái thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Mỹ – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Các nhà sản xuất thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết họ đang gặp phải khó khăn lớn là phí chiếu xạ thanh long xuất khẩu sang Mỹ hiện rất cao, làm tăng chi phí đầu vào khiến họ khó khăn trong khâu đàm phán giá bán với đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Minh và cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, giá chiếu xạ đang rất cao như hiện nay đang cản trở bước đi của thanh long Việt Nam vào Mỹ.

Ông Thuận lấy ví dụ chi phí chiếu xạ của một số nước khác rất rẻ, cụ thể như phí tại Thái Lan chỉ khoảng 24 cent/kg trong khi chi phí tại Việt Nam là 1 đô la Mỹ/kg.

Bất lợi vì sự độc quyền về chiếu xạ

Ông Thuận cho biết hầu như khu vực phía Nam chỉ có duy nhất một đơn vị thực hiện khâu chiếu xạ là Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sơn Sơn ở quận Bình Tân, TPHCM. Giá chiếu xạ thanh long do công ty này đưa ra cao gấp 4 lần so với giá chiếu xạ thanh long tại Thái Lan, và các nhà sản xuất thanh long đành phải chấp nhận..

“Điều này vô tình làm mất lợi thế cho trái thanh long Việt Nam trên đường xuất khẩu qua Mỹ, vì các thương lái ở Thái Lan có thể mua thanh long Việt Nam về chiếu xạ rồi xuất khẩu sang Mỹ với giá rẻ hơn. Thêm nữa, chi phí vận chuyển thanh long từ Thái Lan sang Mỹ cũng rẻ hơn 20% so với giá vận chuyển từ Việt Nam”, ông Thuận nói.

Ông Thuận cho hay chi phí chiếu xạ cao như vậy là hơi bất hợp lý nhưng nhà sản xuất thanh long không có cách nào khác là phải tìm mọi cách đàm phán giá cả với nhà nhập khẩu Mỹ sao cho có lãi khi xuất khẩu, và đây là một trong những khó khăn nhất hiện nay.

Theo ông Thuận, Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sơn Sơn là đơn vị duy nhất có thiết bị chiếu xạ thủy sản và trái cây. Công ty này vừa chuyên chiếu xạ thủy sản và trái cây xuất khẩu, đồng thời cũng có chức năng xuất khẩu trái cây đi các nước.

Để giải quyết vướng mắc này, Hiệp hội thanh long Bình Thuận cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng một nhà máy chiếu xạ thanh long đặt ngay tại địa phương với tổng chi phí đầu tư thiết bị máy móc chiếu xạ khoảng 10 triệu đô la Mỹ để xử lý côn trùng trên trái thanh long như diệt ấu trùng ruồi đục quả và rệp sáp trước khi xuất khẩu.

Theo dự kiến ban đầu, trong tháng 10 này, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu và HTX thanh long Hàm Minh ở Bình Thuận là hai đơn vị đi tiên phong trong việc xuất những lô thanh long đầu tiên sang Mỹ.

Bất lợi do thời tiết 

Ông Trần Ngọc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu cho biết, công ty ông đang chuẩn bị nguồn thanh long tốt nhất để xuất khẩu “mở màn” một container (khoảng 8 tấn) sang Mỹ trước, sau đó mới tính tiếp.

Mặc dù vậy, ông Hiệp cho hay vẫn đang phân vân chưa muốn xuất hàng vào thời điểm này vì vừa phải mặc cả giá bán với khách hàng phía Mỹ, vừa đang là mùa mưa bão liên tục những ngày qua làm độ ẩm trong không khí lên cao, nấm bệnh trên trái thanh long phát triển khó khống chế, chất lượng trái thanh long ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Mặc dù cơ quan kiểm dịch Mỹ đã trao chứng chỉ nhà đóng gói đạt chuẩn và công nhận vùng sản xuất sạch cho thanh long Bình Thuận. Thế nhưng, trên thực tế, nếu xuất đi bằng đường biển phải mất ít nhất 25 ngày, chưa kể khi sang đến Mỹ, các lô hàng tiếp tục được kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi tiêu thụ. Do đó, việc bảo quản và trữ kho trái thanh long cũng được các nhà sản xuất thanh long Bình Thuận đưa ra khi đàm phán giá cả với các nhà nhập khẩu thanh long phía Mỹ.

Hiện tại HTX thanh long Hàm Minh đang xuất khẩu sang các nước châu Âu và Trung Quốc với công suất khoảng 150 tấn mỗi tháng. Hiện tại giá thanh long xuất khẩu đi châu Âu khoảng 2 đô la Mỹ/kg, đi các nước châu Á khoảng 1 đô la Mỹ/kg.

Theo ông Thuận, Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển cây thanh long đến 2010 là 10 ngàn héc ta với sản lượng 200 ngàn tấn/năm. Thế nhưng, hiện nay diện tích cây thanh long cả tỉnh đã lên đến 12 ngàn héc ta do nông dân ồ ạt trồng thanh long vì thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại khá ổn định.

Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết giá thanh long thu mua tại vườn dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg, đây là giá mà người trồng có thể thu lợi nhuận ổn định.

Ông Thuận cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đã có biện pháp kìm hãm việc mở rộng diện tích thanh long một cách tự phát của nông dân nhằm tránh hiện tượng dư thừa thanh long trong tương lai, làm hạ giá bán.

Do lợi ích kinh tế nên nhiều hộ gia đình sẵn sàng chuyển đổi đất trồng cây lương thực khác như lúa, bắp, mì …sang trồng thanh long. Điều này kéo theo nguy cơ mất cân bằng giữa cung và cầu của trái thanh long trong tương lai, chưa kể ảnh hưởng đến ngành sản xuất lương thực khác.

Theo số liệu của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, diện tích thanh long của Việt Nam khoảng 17 ngàn héc ta cho sản lượng khoảng 425 ngàn tấn mỗi năm. Hiện Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ trên 80% sản lượng thanh long của Việt Nam.

VĂN NAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới