Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phí dịch vụ y tế sẽ được tính đến yếu tố biến động giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phí dịch vụ y tế sẽ được tính đến yếu tố biến động giá

Hà Vân

Phí dịch vụ y tế sẽ tính đến yếu tố biến động giá cả. Ảnh: Thu Hiền.

(TBKTSSG Online) – Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, nếu nghị định được Chính phủ chấp thuận thì tới đây mức phí dịch vụ y tế mới sẽ được điều chỉnh theo nguyên tắc tính đủ và thu đủ, trong đó có tính đến yếu tố biến động giá cả.

Theo dự thảo nghị định này, các đơn vị y tế công lập có đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng xã hội hóa, liên bộ Y tế – Tài chính sẽ xem xét lại mức thu viện phí. Trong trường hợp lương điều chỉnh và giá cả biến động trên 10% thì giá dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh theo hệ số K (tối đa là 10%).

Dự thảo cũng trao quyền cho các đơn vị y tế đang hoạt động theo cơ chế tự thu chi và đầu tư phát triển sẽ được tự xây dựng khung giá dịch vụ y tế nhưng không vượt quá giá tối đa do liên bộ Y tế – Tài chính ban hành.

Dự thảo cũng cho phép các đơn vị y tế công lập được liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để triển khai các kỹ thuật ngoài danh mục, phạm vi hoặc các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng phải phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật. Giá dịch vụ y tế liên doanh này sẽ được quyết định theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy.

Trong dự thảo này nghiêm cấm các cơ sở y tế, công chức, viên chức y tế thu thêm của người bệnh ngoài mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, chỉ định các kỹ thuật y tế không đúng với hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hướng dẫn điều trị. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo một nghiên cứu về tài chính y tế tại Việt Nam do Bộ Y tế thực hiện vào cuối năm 2008 thì ngân sách chi cho y tế tại nước ta còn thấp. Tổng chi cho y tế ở Việt Nam trung bình là 5-6% GDP. Tuy nhiên, chi công chỉ chiếm gần 30% tổng chi y tế. Tỷ trọng chi công như vậy được coi là rất thấp so với các nước có thu nhập thấp và trung bình (thường chiếm gần 50%). Trong cơ cấu chi y tế của Việt Nam trong năm 2005 thì chi trả trực tiếp của người bệnh là 67%, trong khi chi từ nguồn tài chính công là 27%.

Bộ Y tế dự báo tốc độ tổng chi cho y tế của chính phủ năm 2010 sẽ tăng lên đến 8,5% so với 6% trong năm 2005. Điều đó, dẫn đến chi trả trực tiếp của người bệnh giảm xuống 53,5% so với 67% trong năm 2005. Do đó, khi tính đến yếu tố biến động giá cả trong phí dịch vụ y tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, đặc biệt là đối tượng người nghèo được bảo hiểm y tế chi trả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới