Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau bóng cây cà phê là ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phía sau bóng cây cà phê là ngân hàng

Nhân viên sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đang nhập các lệnh mua và bán cà phê. Các doanh nghiệp và nông dân mua bán cà phê qua sàn này được thanh toán qua Ngân hàng Techcombank – Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Một trong những điểm đáng chú ý của Festival cà phê Buôn Ma Thuột năm nay là hàng chục ngân hàng thương mại tham gia tài trợ lễ hội và trưng bày gian hàng. Sự tài trợ vốn của các ngân hàng cho cây cà phê đã không còn dàn trải như trước mà là đi vào chiều sâu.  

Ông Y Hiền Niê, 50 tuổi, người dân tộc Êđê ở buôn Ađrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, Đắk Lắk có 4 héc ta trồng cà phê từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông đã chứng kiến bao thăng trầm của cây cà phê nhưng đọng lại trong ông là hình ảnh của ngân hàng đã từng giúp ông “bám trụ” với loại cây trồng này vào những lúc “ký cà phê thua ký cà pháo” vào đầu những năm 2000.  

“Nếu không có ngân hàng đứng đằng sau thì lúc cà phê xuống còn 4.000 đồng/kg gia đình tôi đã bỏ vườn, không chặt thì cũng bán rẫy”, ông kể lại khi tới thăm gian hàng của một ngân hàng thương mại trong lễ hội.  

Sau rẫy cà phê là ngân hàng  

Giờ đây, mỗi năm ông Niê thu hơn 14 tấn cà phê nhân, giúp mang lại cho gia đình 6 người của ông hơn 300 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu vào năm 1985 cả nước có 25.000 héc ta cà phê chủ yếu từ trước năm 1975 còn lại thì tới năm 1994, diện tích cà phê đã vọt lên 125.000 héc ta và đầu những năm 2000, con số này đã lên tới hơn 500.000 héc ta.

Cũng theo cơ quan này thì cuối năm 2006, dư nợ tín dụng cho cà phê mới chỉ 6.020 tỉ đồng thì giữa năm nay đã tăng hơn gấp đôi, đạt 14.968 tỉ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 2/3, còn lại là trung và dài hạn. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại chủ yếu đáp ứng nhu cầu vay vốn trồng và chăm sóc cà phê, phần còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh vay vốn để thu mua, xuất khẩu.  

Con số 10.287 tỉ đồng mà các ngân hàng đã cho nông dân vay vốn trồng, chăm sóc cà phê, chiếm tới 68,7% tổng dư nợ, cũng phần nào nói lên đồng vốn tín dụng đã giúp cho nông dân trồng cà phê.

Theo thống kê của các ngân hàng thương mại thì hai khu vực vay vốn cho ngành cà phê nhiều nhất hiện nay là Tây nguyên và Đông Nam bộ, với 113.651 hộ dân ở Tây nguyên và 282.391 hộ dân ở Đông Nam bộ có vay vốn ngân hàng phục vụ trồng và chăm sóc cà phê. Doanh nghiệp vay vốn kinh doanh cà phê nhiều nhất cũng ở hai khu vực này với hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh nội địa, xuất khẩu cà phê.  

Càng có nhiều ngân hàng thương mại tham gia tài trợ vốn cho cây cà phê thì những người nông dân trồng cà phê như ông Y Hiền Niê càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.  

Thêm nhiều dịch vụ  

Khách tham gia gian hàng cà phê của Vinacafé Biên Hòa tại Festival cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 10 tới 14-12-2008 – Ảnh: Hồng Văn

Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho biết tính đến ngày 30-9-2008, doanh số cho vay cà phê của hệ thống ngân hàng này lên tới 11.309 tỉ đồng, dư nợ 8.435 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay trồng cà phê chiếm 48%, còn lại là cho vay thu mua, chế biến và xuất khẩu.  

Hiện tại ngân hàng này cho nông dân vay vốn trồng và chăm sóc cà phê thông qua hình thức cho vay trực tiếp và cho vay qua tổ nhóm với nhiều thời hạn cho vay tùy theo cây cà phê ở độ tuổi nào.  

Ngân hàng Công Thương Việt Nam thì lại nhắm vào thị phần cho vay cà phê là các doanh nghiệp ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng  với dư nợ hơn 700 tỉ đồng và nhiều doanh nghiệp có uy tín trong ngành cà phê là khách hàng của ngân hàng này như Trung Nguyên, Vinacafe Buôn Ma Thuột, An Thái, Việt-Đức.  

BIDV thì chọn hướng đi khác khi cho biết sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tín dụng giúp đưa thị trường cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại. Hiện tại BIDV đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai giao dịch hàng hóa tương lai với mặt hàng cà phê và tất nhiên, ngân hàng này sẽ đảm trách luôn khâu tư vấn diễn biến giá cả thị trường cà phê thế giới.  

Vietcombank với thế mạnh của mình trong thanh toán xuất nhập khẩu thì chào mời các dịch vụ tín dụng cho các nhà xuất khẩu cà phê từ tài trợ vốn dựa trên bộ chứng thư gửi hàng cho tới bảo lãnh thanh toán, bao thanh toán. Sau khi sàn giao dịch cà phê ra đời hôm 11-12, bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, đại diện Vietcombank còn cho biết ngân hàng này có thể cung cấp dịch vụ vay ký quỹ (để tham gia giao dịch tại sàn, doanh nghiệp phải ký quỹ 10% giá trị lô hàng giao dịch). 

Tuy tham gia vào thị trường cho vay cà phê muộn hơn so với Agribank hay một số ngân hàng khác nhưng Techcombank lại được giới kinh doanh cà phê xem như là ngân hàng đi tiên phong trong việc triển khai các dịch vụ tín dụng mới, hiện đại cho cà phê.  

Cuối năm 2004, đây là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được triển khai thí điểm làm đại lý môi giới giao dịch giữa các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam với sàn giao dịch cà phê thế giới ở London, New York, một cách để giúp các nhà kinh doanh cà phê tiếp cận thị trường thế giới nhanh nhất. Còn hiện nay, đây cũng là ngân hàng được sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột chọn làm ngân hàng ủy thác thanh toán, có nghĩa nông dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch qua sàn này đều phải thanh toán qua Techcombank.  

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới