Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau câu chuyện giá dầu âm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phía sau câu chuyện giá dầu âm

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) – Ngày 20-4-2020, một ngày lịch sử của thị trường dầu thế giới. Giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm xuống mức chưa từng có trong lịch sử: mức giá âm, -40 đô la Mỹ/thùng. Có người gọi đó là ngày sụp đổ vĩ đại của giá dầu. Một bạn tôi đùa là người bán dầu vừa cho không dầu vừa tặng thùng chứa.

Trên mạng xã hội người ta còn đùa rằng mai đi đổ xăng sẽ được tặng quà. Thật ra không phải vậy!

Việt Nam không có khả năng dự trữ dầu thô khi giá xuống thấp

Dầu nào mà có giá âm?

Sức tiêu thụ giảm sốc, dầu thế giới dư thừa không còn chỗ chứa

Phía sau câu chuyện giá dầu âm
Bể chứa dầu ở Cushing, Okla. Ảnh: Bloomberg

Trước tiên cần hiểu giá dầu âm 40 đô la/thùng là như thế nào

Đó là mức giá giao dịch thấp nhất của hợp đồng giao sau dầu thô WTI ở Mỹ đáo hạn vào tháng 5-2020. Nó giống như giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán ở Việt Nam mà các nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện đang giao dịch hoặc hợp đồng giao sau cà phê mà trước đây Việt Nam đã thực thi. Người mua giao sau dầu sẽ chốt giá giao sau vào thời điểm mua hợp đồng và nếu nắm giữ hợp đồng đến khi đáo hạn thì họ sẽ được giao dầu ở mức giá đã chốt trong tháng 5-2020.

Ngày 20-4-2020 là ngày giao dịch cuối cùng trước khi đáo hạn hợp đồng cho hầu hết các sàn giao dịch dầu giao sau. Người đã mua hợp đồng giao sau dầu thô WTI đáo hạn tháng 5 ở thời điểm trước hoặc trong ngày 20-4 mà không bán lại hợp đồng trước cuối ngày 20-4 thì sẽ phải có nghĩa vụ nhận dầu thô tại Mỹ (Cushing, bang Oklahoma) trong tháng 5.

Theo thiết kế hợp đồng thì một hợp đồng giao sau là 1.000 thùng dầu, do đó mua 10 hợp đồng giao sau là phải nhận 10.000 thùng dầu, một con số khổng lồ. Sau đó, người nhận sẽ phải chuyển dầu vào các kho chứa hoặc phương thức trữ dầu khác tại Cushing.

Nói cách khác, nếu ai đó mua 10 hợp đồng giao sau dầu thô WTI đáo hạn vào tháng 5 với giá khoảng 20 đô la/thùng trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 19-4 (trị giá khoảng 200.000 đô la Mỹ), họ đang ở vị thế lỗ vào đầu ngày 20-4 (giá khi đó khoảng hơn 17,5 đô la/thùng). Nếu họ tiếp tục giữ hợp đồng đến cuối ngày, họ sẽ phải nhận giao 10.000 thùng dầu tại Cushing và chịu các chi phí tồn trữ tiếp theo.

Với đa số nhà giao dịch kiếm lợi nhuận về dầu, người ta sẽ không muốn điều này. Vì vậy, nhiều người sẽ “tất toán hợp đồng”, nghĩa là bán số hợp đồng giao sau đang nắm giữ ra, chấp nhận lỗ. Trên thị trường giao sau, có rất nhiều người đều tất toán như vậy vào ngày đáo hạn và thông thường thì chẳng có vấn đề gì vì có nhiều công ty có nhu cầu dầu vật chất sẽ muốn mua lại các hợp đồng này với giá rẻ và nhận dầu về kho chứa của họ trong tháng 5.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ. Do nước Mỹ rơi vào tình trạng phong tỏa, máy bay không thể bay, sản xuất đình trệ trên toàn cầu, các đường ống và kho chứa dầu ở Mỹ rơi vào trạng thái đã gần đạt toàn bộ sức chứa (có báo cáo cho rằng đã đầy khoảng 70% trong khi lượng dầu tiếp tục đang đổ về).

Vì vậy, ngay cả những công ty trước nay mua dầu giao sau và có nhu cầu nhận trữ dầu vật chất như nhà máy lọc dầu, công ty chuyên cung cấp xăng dầu cho máy bay và công ty công nghiệp lớn… cũng không muốn nhận giao dầu vật chất nữa. Thế là họ cũng bán tất toán hợp đồng giao sau mua dầu giao tháng 5 của mình ra. Lại thêm một lượng người bán lớn nữa, mà đây vốn là những người chờ mua giá rẻ vào ngày đáo hạn hợp đồng.

Chưa hết, vì dầu giảm quá mạnh trong hơn một tháng qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua vào các quỹ đầu tư dầu, ví dụ quỹ USO ở Mỹ. Quỹ này được cho là nắm giữ 25% số hợp đồng dầu thô WTI giao sau tháng 5 trên thị trường. Vì đây là quỹ đầu tư dài hạn nên cứ đến ngày đáo hạn hợp đồng, họ sẽ tất toán hợp đồng giao sau dầu tháng 5 và chuyển sang mua hợp đồng giao sau dầu tháng 6 và tháng 7.

Một nhà đầu tư nắm giữ 25% số hợp đồng trên thị trường bán ra mà những người mua vào truyền thống như công ty lọc dầu, công ty phục vụ công nghiệp và hàng không không chịu mua lại thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Chẳng có giá dầu nào âm nữa cả. Và tất nhiên chẳng ai có thể đi đổ xăng mà nhận được quà.

Vụ “sụp đổ giá dầu” lịch sử chẳng qua là một cú sốc nữa do dịch Covid-19 tạo ra mà sự “đóng băng” của các hoạt động kinh tế toàn cầu là nguồn cơn của sự việc. Nhưng nó cho thấy lượng cung dầu mỗi ngày trên thế giới là lớn như thế nào.

Một khi có một sự đình trệ kinh tế, dẫn đến nhu cầu dầu sụp đổ (dự kiến giảm 29 triệu thùng/ngày), thì một dây chuyền các sự kiện “không thể tưởng tượng” sẽ diễn ra.

Nhiều người bán, ít người mua thì tất yếu dẫn đến giá giảm mạnh. Thị trường thật sự bắt đầu hoảng loạn trong ngày 20-4 sau khi giá dầu giảm xuống dưới mức 10 đô la Mỹ/thùng. Từ đó trở đi, giá dầu chỉ giảm như thang máy đứt cáp vì không có người mua.

Kết quả âm 40 đô la Mỹ/thùng chỉ thể hiện sự tuyệt vọng muốn thoát khỏi hợp đồng dầu giao sau mà không phải thực hiện trữ dầu của những người đang giữ vị thế mua hợp đồng dầu giao sau đáo hạn tháng 5, mà trong đó có nhiều quỹ đầu tư như USO.

Vậy rồi sau đó?

Mọi việc lại trở về bình thường. Sáng ngày 21-4, giá dầu giao sau tháng 6 năm 2020 giao dịch ở mức giá trên 21 đô la/thùng, các nhà đầu tư dầu lại quay lại mua bán bình thường vào sáng 21-4 như chẳng có gì xảy ra.

Giá giao sau dầu tháng 5-2020 trên CME quay lại mức giá 0,14 đô la Mỹ/thùng nhưng hầu hết các sàn giao dịch đã không còn giao dịch loại hợp đồng này nữa mà chuyển qua giao dịch hợp đồng giao sau tháng 6 và các tháng sau đó. Giá mua bán sang tay dầu WTI giao ngay lập tức trên thị trường được ước tính ở mức 18-20 đô la Mỹ/thùng.

Chẳng có giá dầu nào âm nữa cả. Và tất nhiên chẳng ai có thể đi đổ xăng mà nhận được quà.

Vụ “sụp đổ giá dầu” lịch sử chẳng qua là một cú sốc nữa do dịch Covid-19 tạo ra mà sự “đóng băng” của các hoạt động kinh tế toàn cầu là nguồn cơn của sự việc.

Nhưng nó cho thấy lượng cung dầu mỗi ngày trên thế giới là lớn như thế nào. Một khi có một sự đình trệ kinh tế, dẫn đến nhu cầu dầu sụp đổ (dự kiến giảm 29 triệu thùng/ngày), thì một dây chuyền các sự kiện “không thể tưởng tượng” sẽ diễn ra.

Quan trọng hơn, trong ngày “sụp đổ lịch sử” này của giá dầu, giá dầu giao sau tháng 6 cũng giảm hơn 10%. Nó báo hiệu rằng giá dầu sẽ không lên trở lại nhanh bất kể OPEC và đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng dầu ước tính 10 triệu thùng/ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và vài bộ trưởng của OPEC ra sức khẳng định rằng mức cắt giảm sẽ mạnh hơn nhưng thị trường chưa mấy tin vào điều đó. Điều mà họ thấy ngày 20-4 là một thị trường không ai muốn mua thêm dầu vật chất để trữ, khiến họ càng tin rằng nguồn cung dầu đang dôi dư rất nhiều và mức cắt giảm sản lượng 10-20 triệu thùng/ngày có thể vẫn chưa đủ.

Giá dầu dưới 20 đô la Mỹ/thùng là một thảm họa cho nhiều công ty dầu khí toàn cầu, nhất là các công ty dầu đá phiến. Hợp đồng giao sau giá dầu giảm mạnh cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều công ty chuyên mua bán, đầu cơ trên các hợp đồng này, chẳng hạn Hin Leong của Singapore.

Công ty này được cho là đã giấu mức lỗ hơn 800 triệu đô la khỏi bảng báo cáo tài chính và đang có khả năng không trả được khoản nợ 3,85 tỉ đô la Mỹ cho 20 ngân hàng, dẫn đầu là HSBC, ABN Amro và DBS. Mà đó là chuyện xảy ra trước ngày 20-4. Sự kiện sụp đổ giá dầu giao sau trong ngày này cho thấy đây chỉ mới là bước đầu. Sẽ còn nhiều công ty như vậy nữa.

Bạn tôi đùa, bài hát Bắc Kim Thang có câu “Chú bán dầu, qua cầu mà té”, nay có lẽ đổi lại là “Chú mua dầu, qua cầu mà té” rồi. 

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới