Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau chuyện ô nhiễm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phía sau chuyện ô nhiễm

Kênh Ba Bò đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

(TBKTSG Online) – Kênh Ba Bò dài chưa đầy 2 ki lô mét nhưng gần 5 năm qua cả hai địa phương là TPHCM và Bình Dương chưa giải quyết xong chuyện con kênh này bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp.  

Hàng loạt các bệnh viện lớn ở TPHCM chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế độc hại dù chính quyền thành phố đã đặt ra chỉ tiêu xử lý 100% nước thải y tế từ năm 2006.

Trên đây chỉ là hai trong hàng trăm, hàng ngàn trường hợp đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang hàng ngày, hàng giờ tác động xấu đến đời sống người dân và di hại lâu dài đến cả nền kinh tế và chất lượng sống trong tương lai.  

Không lẽ thành phố chúng ta thiếu vài trăm tỉ đồng để xử lý nước thải kênh Ba Bò hay thiếu tiền để xây dựng các hệ thống xử lý nước thải; hay chúng ta không đủ trình độ, công nghệ hay thiết bị xử lý nước thải các dạng này?

Câu trả lời chắc chắn không phải thiếu tiền hay thiếu công nghệ.

Cái mà chúng ta đang thiếu lại nằm ở “phía sau” chuyện xử lý ô nhiễm môi trường. Qua cách xử lý của chính quyền hai địa phương hiện nay thì cư dân sống ven kênh này còn tiếp tục hứng chịu ô nhiễm trong thời gian dài nữa.

Sở dĩ kênh Ba Bò vẫn gây ô nhiễm từ nhiều năm qua là vì chẳng có ai phải chịu trách nhiệm xử lý. Thử hỏi, mấy năm qua, đã có ông trưởng phòng tài nguyên và môi trường quận Thủ Đức của TPHCM hay của huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương bị cách chức vì con kênh này hay chưa?  

Ở cấp cao hơn, ông giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM dù bị các đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM chất vấn, than phiền chuyện ô nhiễm kênh Ba Bò nhiều năm qua nhưng vẫn thản nhiên, “bình chân như vại”. Ông ta không hề chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào từ việc thiếu trách nhiệm giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò. Người đồng cấp của ông ở Bình Dương cũng tương tự.  

Tôi không chắc lắm, nhưng tôi tin là trong bản tự kiểm điểm công việc hàng năm của những viên chức có trách nhiệm này, chắc chắn không hề có mục nhận khuyết điểm do để xảy ra ô nhiễm kênh Ba Bò trong phạm vi chức trách của những vị này. Thậm chí nói không ngoa, có khi nay mai, những vị này còn được cất nhắc lên những vị trí cao hơn, bởi chính quyền chưa hề xem việc xảy ra ô nhiễm có khuyết điểm của thuộc cấp.  

Tương tự là các bệnh viện. Theo tôi biết, xây dựng một công trình xử lý nước thải quy mô lớn, công suất xử lý 5.000 mét khối nước thải/ngày đêm cao lắm là 6 tháng, còn nước thải bệnh viện, tất nhiên, công suất thấp hơn nhiều.  

Thế nhưng trong 2 năm qua, kể từ lúc thành phố yêu cầu hàng chục bệnh viện phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng đến nay tất cả vẫn dậm chân tại chỗ và không hề có quan chức nào bị kỷ luật vì việc này. Gần như ai cũng biết, các bệnh viện lớn ở TPHCM, xả nhiều nước thải, đều là bệnh viện nhà nước.  

Bây giờ, nếu UBND TPHCM đặt ra thời hạn xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò trong một năm mà không xong, ông giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phải bị mất chức, rồi chính quyền Bình Dương cũng tương tự, tôi tin chắc rằng hai vị này sẽ sốt sắng ngồi lại với nhau và triển khai quyết liệt chứ không như lâu nay.  

Nếu ông Giám đốc Sở Y tế TPHCM (hoặc chính quyền thành phố hay là Bộ Y tế) tuyên bố giám đốc bệnh viện nào đến cuối năm 2008 mà chưa có hệ thống xử lý nước thải thì vị giám đốc bệnh viện đó mất chức. Và tương tự, chính quyền thành phố cũng đặt ra thời hạn cùng hình thức kỷ luật như vậy với ông giám đốc sở. Lúc đó mọi chuyện sẽ khác, sẽ biến chuyển nhanh chóng.  

Để xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay, cái chúng ta đang thiếu là trách nhiệm của viên chức và những ràng buộc trách nhiệm đó; trong khi chúng ta lại đang thừa mứa các cuộc họp bàn lên bàn xuống.

Võ Minh Duy (TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới