Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau con số tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 12 năm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến lược cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế đã giúp tâm thế của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp thay đổi theo hướng tích cực, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm.

Tại tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP – Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” diễn ra chiều 5-10, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã tạo tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP quý 4-2021 đạt kết quả dương, ngay sau khi Nghị quyết ban hành.

Từ đó tới nay, bước sang quý 3-2022, Nghị quyết 128 cùng Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã tạo ra tác động rất tích cực tới nền kinh tế.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 13,67% và 8,83%, mức cao nhất từ năm 2011 tới nay.

“Kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi”, ông Phương khẳng định.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng theo ông Phương, thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm 2022, khu vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,43% trong 9 tháng đầu năm.

Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi với chính sách mở cửa du lịch. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa có dịch Covid-19.

Những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.

TS Phan Đức Hiếu phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Nhật Bắc

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc chuyển hướng chiến lược từ chống dịch bằng mọi giá sang cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế đã giúp tâm thế của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp thay đổi.

“Trước đây đâu đó chúng ta hơi sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau thì nay phải thay đổi hẳn, buộc phải hợp tác với nhau, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề”, ông Hiếu nhận xét.

Chuyên gia này nêu nhận định doanh nghiệp đã chuyển từ trạng thái lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh sang khôi phục niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình. Tương tự, người dân cũng xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn.

“Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc thì rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm này”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, bài học rút ra Nghị quyết 128 là với doanh nghiệp, cần có những tuyên bố rõ ràng, công khai, minh bạch, có thể dự đoán được và dài hạn.

Về kịch bản tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2022 ông Phương đặt ra 2 kịch bản. Với kịch bản thấp, kinh tế quý 4 gặp nhiều rủi ro khó đoán định. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 7,5%. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu không có yếu tố đột biến thì tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

“Trong các báo cáo, Bộ KHĐT đã tham mưu để báo cáo xin ý kiến Trung ương cũng như xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về các nhận định, đánh giá về bối cảnh tình hình cũng như về khả năng có thể đạt được kết quả năm 2022 thì chúng ta có thể đưa ra nhận định GDP tăng trưởng khoảng 8%”, ông Phương nói tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2022.

Về triển vọng kinh tế 2023, ông Phương nhận định nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với một vài thuận lợi. Nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn.

Đó là sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 được dự báo là vô cùng khó khăn.

“Có thể nói rằng vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của nước ta khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023”, ông Phương cho biết.

Lạm phát và các chính sách kiểm soát lạm phát với cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn, theo ông Phương, dễ dẫn tới suy thoái kinh tế.

“Dể khắc phục tình trạng lạm phát cao dẫn đến suy thoái thì thời gian để phục hồi, phát triển và vượt qua không hề ngắn chút nào. Do vậy, chúng tôi dự báo bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 2023 rất khó khăn”, ông Phương giải thích.

Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine hiện chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo vấn đề năng lượng, yếu tố quyết định rất nhiều tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phương, khi cuộc xung đột nổ ra thì các cơ quan quản lý rất vất vả trong điều hành giá xăng, dầu, cũng như lạm phát. Bối cảnh xung đột hiện tại cũng khiến việc đoán định càng khó hơn. Vì vậy, đây là một yếu tố bất lợi với kih tế Việt Nam năm 2023.

“Căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa. Đó là vấn đề chúng ta rất lo ngại và cần phải nắm chắc tình hình để có chính sách ứng phó kịp thời”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như bão lũ, dịch bệnh cũng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

“Với những bối cảnh trên, chúng tôi đã đưa ra một con số báo cáo với Chính phủ lựa chọn một kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%”, ông Phương cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới