Chủ Nhật, 2/04/2023, 03:53
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Phía sau những đồng vốn ít

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phía sau những đồng vốn ít

Trao giấy phép cho nhà đầu tư Canon tại tỉnh Hưng Yên – Ảnh: Kiên Cường

(TBKTSG Online) – Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 1-2009 chỉ đạt 200 triệu đô la Mỹ, giảm tới 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đằng sau sự sụt giảm này cũng có những tín hiệu tích cực.

Tin từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho hay, số vốn FDI đăng ký mới trong tháng 1 chỉ còn bằng 18% so với mức vốn đăng ký tháng 12-2008, khi tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu đã có những tác động đáng kể. Đặc biệt, hầu hết các dự án cấp phép đều là các dự án quy mô nhỏ, có vốn từ 3 đến 3,5 triệu đô la Mỹ/dự án.

Đây là một thực tế đã được dự báo trước khi các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu, hoặc các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đặt nhà máy, công xưởng tại các nước thứ ba xuất hàng vào các thị trường nói trên đang cắt giảm mạnh việc đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, chi phí huy động vốn toàn cầu cũng đang ngày càng gia tăng làm nguồn vốn đầu tư bị hạn chế, nhất là khi việc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp chủ yếu dùng vốn vay và các điều kiện vay ngày càng trở nên khó hơn khi tổng cầu giảm sút. Việc thu hút FDI cũng vì thế mà giảm theo.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc thu hút những đồng vốn ngày càng trở nên ít như trên không phải toàn là những cái mất. Thậm chí nó được xem là cơ hội để điều chỉnh những gì mà trong những năm gần đây – lúc mà dòng vốn vào nhiều, đã không được chú ý.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, vốn ít nhưng có khả năng là vốn “thật” nhiều hơn vốn “ảo”. Bởi trong thời điểm suy thoái và khó khăn hiện nay, chỉ những dự án nào thực sự cần thiết mới được các doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư, trong bối cảnh mà thủ tục cũng kéo dài và đồng vốn vay để thực hiện cũng kèm theo vô số các điều kiện chặt chẽ hơn so với trước.

Hơn nữa, ở góc độ môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi khi so sánh với các quốc gia khác. Một số chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh và chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuy chậm lại và lạm phát gia tăng nhưng các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn được kiểm soát khá tốt. Còn theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, thặng dư tài khóa khoảng 1,5% trên GDP, thu ngân sách năm 2008 tăng 10%, thâm hụt thương mại đang có xu hướng giảm, nợ nước ngoài ở mức an toàn (dưới 30% GDP). Hoặc sát hơn, đồng vốn FDI đăng ký và giải ngân năm 2008 vẫn ở con số rất cao (64 tỉ đô la Mỹ và hơn 11 tỉ đô la Mỹ) là một điểm sáng mà các nhà đầu tư quan tâm khi chuyển đồng vốn đến. 

Và, đồng vốn FDI dù ít, dù nhiều ở thời điểm này, cũng như nhiều năm trước, luôn có vị trí trong việc ổn định cán cân thanh toán năm 2009, khi mà các dòng ngoại tệ như kiều hối, chuyển khoản chính thức, viện trợ ODA, viện trợ không hoàn lại, vay ngắn hạn hay dài hạn đang cùng gặp khó.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới