Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phiên 3: Giải pháp nâng cao an toàn thanh toán trong hệ thống ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phiên 3: Giải pháp nâng cao an toàn thanh toán trong hệ thống ngân hàng

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Hoạt động đầu tư cho công nghệ phải đi đôi với việc nâng cao nhận thức của người sử dụng thẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử. Một số vụ mất cắp thông tin của người dùng thẻ dẫn đến mất tiền đã xảy ra, NHNN và ngân hàng thương mại có giải pháp gì để kiểm soát việc này?

Phiên 3: Giải pháp nâng cao an toàn thanh toán trong hệ thống ngân hàng
Toàn cảnh phiên thảo luận về thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng

Ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng cục Công nghệ Thông tin, NHNN: Thứ nhất hoạt động đầu tư công nghệ đi đôi với nhận thức người sử dụng, hướng đến cung cấp dịch cho xã hội, cho nền kinh tế tốt hơn. Việc đầu tư cho công nghệ sẽ xoá bỏ rào cản về không gian, thời gian. Với những lợi ích như vậy, ngân hàng và khách hàng lại đối diện với nguy cơ, rủi ro về việc mất an toàn mạng.

Gần đây, hệ thống công nghệ của các ngân hàng đã được đầu tư tốt hơn, vì vậy  tội phạm mạng cũng có chuyển hướng đối tượng dễ tổn thương hơn là khách hàng. Theo khảo sát của chúng tôi, chưa đến 11% đối tượng được hỏi nhận thức rủi ro xuất phát từ chính các hoạt động của mình chứ không xuất phát từ các lỗi trong hệ thống ngân hàng.

Để làm tốt công tác truyền thông để giảm thiểu rủi ro, NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm về cấp phép, xây dựng cung cấp thông tin của khách hàng để thanh toán  thẻ… NHNN đều có chỉ thị, hướng dẫn vào các dịp, lễ quan trọng để đảm bảo bảo mật chung của toàn ngành. Cùng với các chỉ đạo của NHNN về bảo mật cho khách hàng, chúng tôi còn kiểm tra tại chỗ để đảm bảo sự tuân thủ của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn ban hành các quy chuẩn để các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro cho khách hàng…

Hiện nay 100% các tổ chức tín dụng đều có các tư liệu hướng dẫn bảo mật, bộ phận hỗ trợ khách hàng trực tuyến để hỗ trợ mọi tình huống. Ngoài ra các tổ chức tín dụng còn liên tục rà soát các quy trình nội bộ để loại trừ rủi ro cho khách hàng theo đúng quan điểm NHNN là chủ động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 nảy sinh nhiều vấn đề, những vụ việc mất tiền ngày càng nhiều, tôi tin các ngân hàng cũng mất tiền nhưng không nói ra. Ông có thống kê các vụ mất đó do lỗ hổng công nghệ hoặc do bên thứ ba, bao nhiêu phần trăm do khách sơ ý lộ thông tin, do đạo đức nghề nghiệp và ko tuân thủ quy chế?

Ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng cục CNTT, NHNN: Đối với Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ nhưng có thống kê của các doanh nghiệp công nghệ lớn như IBM, Microsoft… cho đến nay có 4 rủi ro lớn đối với hệ thống thông tin đó là : hạ tầng công nghệ, vận hành hệ thống (thao tác sai), do khách hàng, đạo đức và nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng.

Theo đó, rủi ro về hạ tầng công nghệ chỉ chiếm 20%, còn chủ yếu là do vận hành và khách hàng là 80%.

Giảm thiểu các rủi ro không phụ thuộc vào sự việc rủi ro cụ thể mà dựa trên phân loại cấp độ thông tin để cập nhật liên tục. Các quy định của quốc tế và NHNN bảo mật và an ninh, hạ tầng, truyền thông rất đầy đủ để giảm thiểu rủi ro.

Như tôi đã trình bày, ngành ngân hàng Việt Nam có trang bị khá tốt về CNTT nên rủi ro chuyển sang khách nhiều hơn, nhiều vụ việc khách hàng bị lừa để lấy thông tin, sao chép thẻ từ giả để…

Về phía NHNN vẫn đang thực hiện song song chính sách và công nghệ. Chính sách xử lý lỗ hổng về quy trình, công nghệ… các giải pháp chống tội phạm và ngăn ngừa hành vi..

NHNN có những cơ chế, chính sách, biện pháp gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam?

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN: Đây là vấn đề lớn ở nhiều lĩnh vực, trước đây NHNN có Đề án 2545 trình Chính phủ. Gần nhất Chính phủ đã ban hành Quyết định 241 thanh toán trong dịch vụ công, đây là một cú hích cho Việt Nam, cho người dân sử dụng dịch vụ công .

Bên cạnh đó, ai cũng có thể sử dụng mã vạch ma trận (QR Code – mã vạch thế hệ mới) tại nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây. Trong một năm gần đây, mọi người có thể sử dụng điện thoại để chuyển tiền thuận tiện và nhanh chóng. Đó chính là việc NHNN đã quan tâm tới việc xây dựng các hạ tầng. Bao gồm phần chuyển mạch, thanh toán liên ngân hàng và xây dựng các tiêu chuẩn cho phép sử dụng các dịch vụ này.

Năm 2016 và 2017, thanh toán liên ngân hàng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị trên 30%. Mỗi ngày thanh toán trên 10 tỉ đô la Mỹ. Thanh toán trên thiết bị di động, trên Internet tăng trưởng trên 50%.

Có thể thấy, chính sách của NHNN đã tác động khá tốt tới lĩnh vực thanh toán. Ví dụ dễ dàng thanh toán tiền điện, điện thoại trên website của các ngân hàng.  Đó là các tiện ích cơ bản, rất tốt cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cần giải pháp truyền thông để thay đổi thói quen và tâm lý của người tiêu dùng. 

Tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề khá nóng trong thời gian qua. NHNN đã có động thái chính sách gì trước thực tế này và đã phối hợp ra sao với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản này?

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN: Chúng ta phải phân biệt tiền kỹ thuật số và tiền điện tử. Tiền ảo là tiền mã hóa và các loại tiền kỹ thuật khác, không được pháp luật thừa nhận, không được coi là phương tiện thanh toán.

Ở Việt Nam theo Quyết định 1255 của Thủ tướng đang giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu các vấn đề về tiền ảo. NHNN chủ trì về tiền điện tử.

Chúng ta đã có các quy định về tiền điện tử tuy nhiên cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý về tiền điện tử. Bản chất của tiền điện tử là được đảm bảo bằng một đồng tiền pháp định, được coi như là có giá trị với đồng tiền pháp định. Đây là sự khác biệt. Việc đồng nhất với tiền điện tử và tiền ảo là không đúng.

Ở Việt Nam và nhiều nước cần phát triển tiền điện tử, NHNN sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, trong Nghị định 101 sẽ có những sửa đổi nhất định liên quan tới tiền điện tử.

Liên quan tiền ảo, tài sản ảo, gần đây Thủ tướng đã có Chỉ thị số 10, lần đầu tiên cơ quan quản lý Việt Nam đề cập tới tiền ảo và tài sản ảo để phân định rõ các công việc của ngành Ngân hàng, Tư pháp, Công an…

Ngay sau khi có chỉ thị trên, NHNN đã văn bản yêu cầu các nhân hàng không được cấp các dịch vụ thanh toán, bù trừ, thẻ tín dụng… liên quan tới tiền ảo do lo ngại những hệ lụy và rủi ro tiền ảo mang lại. Yêu cầu các tổ chức tín dụng phòng ngừa các giao dịch đáng ngờ, phòng chống rửa tiền liên quan tới tiền ảo. 

Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 132 triệu thẻ ngân hàng, hơn 1,4 lần so với dân số. Ông có thể so sánh tình hình hiện nay với 5 năm năm trước? Có ý kiến cho rằng, chủ thẻ ngân hàng đang bị gánh quá nhiều loại phí, ông có ý kiến gì về việc này? Hiệp hội thẻ đang đóng vai trò như thế nào đối với định hướng giúp người dân giảm dùng tiền mặt trong thanh toán?

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam: Thời gian vừa qua, các ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro. Thẻ không phải là lĩnh vực xa lạ với thế giới. Tổ chức thẻ quốc tế đã đưa ra những con số cụ thể về rủi ro, tội phạm thẻ, nhất là thẻ từ. Các ngân hàng quốc tế cũng đã có lộ trình để chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp. Tuy nhiên, trên thực tế những nỗ lực chưa đạt kết quả như mong đợi. Hiện nay, các ngân hàng quốc tế vẫn vừa cung cấp thẻ từ vừa cung cấp thẻ chíp. Với thẻ từ, mức độ rủi ro có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Đối với các ngân hàng Việt Nam theo thông lệ cũng phải đối mặt với những chuyện đó. Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng nói chung, lĩnh vực thẻ nói riêng, các ngân hàng đã rất nỗ lực đưa ra giải pháp, cụ thể là giải pháp chống tội phạm thẻ, đặc biệt là thẻ ATM. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định là với ngân hàng, yếu tố rủi ro với thẻ từ còn duy trì. Với Hiệp hội thẻ, ngoài chia sẻ thông tin và giải pháp, Hiệp hội nhận chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong lộ trình chuyển từ thẻ từ sang thẻ chíp.

Điều kiện cần thiết là sự chỉ đạo sát sao của NHNN, các chuẩn hiện nay cũng đã ban hành. Ngoài ra về công nghệ, hiện nay các ngân hàng cũng đã tiếp cận, đầu tư hệ thống rất lớn. Chi phí tăng lên nhưng các ngân hàng cũng xác định được, có lộ trình trong thời gian sớm nhất đến năm 2020, toàn bộ các ngân hàng phải chuyển đổi sang thẻ chíp, trong khi theo lộ trình là đến năm 2022. Chúng ta có quyết tâm rất lớn là làm được.

Liên quan tới vấn đề rủi ro với thẻ thời gian qua, ngoài các giải pháp trong lộ trình đề ra, đương nhiên bản thân các ngân hàng cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ngăn chặn loại tội phạm này. Tội phạm thẻ đến từ cả khu vực châu Âu, từ nước láng giếng… với nhiều thủ đoạn khác nhau. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các địa phương để triển khai, phòng ngừa, phát hiện sớm, sau khi phát hiện thì chia sẻ kịp thời để hạn chế rủi ro.

Dù thẻ từ hay chíp, chủ thẻ ngân hàng đang gánh nhiều loại thuế, phí,ông nghĩ thế nào về điều này?

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam: Các loại phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế. 

Thẻ nôi địa có phí phát hành, thẻ thường niên, phí giao dịch các loại như vấn tin, chuyển khoản… NHNN có quy định mức trần và lộ trình hẳn hoi về phí thẻ. Hội thẻ năm nào cũng họp. Chúng tôi cũng cân nhắc nhiều về mức phí hiện nay. Lộ trình hiện nay mức đang còn rộng rất nhiều so với quy định của NHNN.

Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 132 triệu thẻ ngân hàng, gấp 1,4 lần so với dân số. Ông có thể so sánh tình hình hiện nay với 5 năm năm trước? Có ý kiến cho rằng, chủ thẻ ngân hàng đang bị gánh quá nhiều loại phí, ông có ý kiến gì về việc này? Hiệp hội thẻ đang đóng vai trò như thế nào đối với định hướng giúp người dân giảm dùng tiền mặt trong thanh toán?

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam: Theo thông lệ quốc tế cũng như theo Thông tư 35 có nêu rõ mọi loại phí bắt buộc, ví dụ phí phát hành hoặc thay đổi thẻ, phí thường niên hàng năm… Còn phí giao dịch, tùy giao dịch ngân hàng, cơ bản có phí sao kê, rút tiền mặt, các dịch vụ tiện ích khác… Loại phí quy định theo Thông tư 35 là bắt buộc nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức phí dao động từ 0 cho đến một mức trần, ví dụ như 0-3.000 đồng. Loại phí có nhưng mức bao nhiêu là ngân hàng quy định, tùy khả năng của ngân hàng trong từng giai đoạn.

Ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, mức bao nhiêu và thế nào là vấn đề? Các ngân hàng cho rằng phí quá thấp, phí đầu tư cần gấp nhiều lần như vậy? Ông Tuấn suy nghĩ như thế nào về mức thẻ hợp lý? Có phải cứ đầu tư ATM bao nhiêu sẽ phân bỏ hết cho người sử dụng?

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam: Về mức phí, các ngân hàng thống kê cũng chỉ đưa con số muốn nói mức phí thu hiện nay của ngân hàng còn thấp. Phải khẳng định, với hệ thống thẻ phát hành hiện nay chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Mục tiêu là chúng ta khuyến khích khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ. Lẽ ra xu hướng dùng tiền mặt giảm đi thì mức phí rút tiền phải giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay đang bị ngược. Tất cả mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn chi tiêu bằng tiền mặt nên người dân vẫn rút tiền mặt.

Theo tôi mức phí rút tiền trần 3.000 đồng hiện nay là bất đắc dĩ mới phải áp dụng. Chúng tôi thống kê, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa trong vòng 5 năm gần đây đã tăng đáng kể, từ mức 0,7% năm 2013 đến nay lên con số  gần 3%. Hiện nay, gần 3% là sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, còn 97% là rút tiền mặt. Vấn đề là  đến thời điểm nhất định, việc mua bán hàng hóa dịch vụ tăng lên được khoảng 20%, 80% rút tiền mặt thì mức phí rút tiền mặt phải điều chỉnh giảm chứ không thể tăng lên nữa.

Tại sao các ngân hàng đưa ra con số từ 7.000 tới 10.0000 đồng cho một chi phí giao dịch rút tiền mặt? Trong điều kiện Việt Nam hiện nay rút tiền mặt vẫn nhiều như vậy, tuổi thọ của cây ATM bị rút đi nhiều so với các nước khác. Ngân hàng tính các chi phí bảo trì hệ thống, cung ứng tiền mặt cho các cây ATM. Chúng tôi mong muốn thẻ dùng để giao dịch mua bán tăng lên thì các loại phí nói chung, nhất là phí rút tiền mặt sẽ giảm xuống.

Đánh giá của ông về vấn đề an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán của ngân hàng Việt Nam so với quốc tế?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Trong thời gian quan có nhiều thông tin xấu về bảo mật. Phải đặt câu hỏi về hệ thống bảo mật của ngân hàng đang thế nào? Xấu đi hay tốt hơn? Tôi không có câu trả lời cho việc này.

Tôi vẫn xác định việc gửi tiền ngân hàng vẫn là an toàn nhất, ngay việc để tiền ở két sắt trong nhà cũng có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn việc gửi tiền ở các ngân hàng – nơi có hệ thống bảo vệ, bảo mật, kiểm soát, hệ thống hạch toán, những két sắt lớn và an toàn để bảo vệ tài sản tốt hơn ở nhà.

Câu hỏi đặt ra là hệ thống bảo mật an toàn hiện nay đang xấu hơn hay tốt lên? Có 2 lý do chính làm thiệt hại cho khách hàng: nguyên nhân về kỹ thuật và nguyên nhân từ con người.

Nguyên nhân về kỹ thuật có thể do các “tường lửa” chưa đảm bảo, hạ tầng CNTT (phần cứng, phần mềm) chưa được cập nhật… Còn nguyên nhân từ con người thì có thể do khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của ngân hàng, hoặc do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo tôi nguyên nhân về con người đang chiếm phần lớn hơn nguyên nhân về công nghệ.

Nhưng nguyên nhân từ con người dễ điều chỉnh hơn nguyên nhân từ công nghệ, vì nguyên nhân công nghệ đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Các ngân hàng của Mỹ không dám đầu tư nhiều vào hạ tầng công nghệ còn các ngân hàng của Việt Nam thì lại đầu tư hạ tầng công nghệ rất lớn.

Trong các vụ việc vừa qua có những sai phạm do cán bộ ngân hàng cấu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, điều này cho thấy việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của ngân hàng còn nhiều thiếu sót. Sau những vụ việc này NHNN đã đưa ra những khuyến cáo các ngân hàng rà soát bảo mật, quy trình… Nhưng theo tôi chưa đủ. Tôi đề xuất NHNN phải ra quy chế không cho cán bộ ngân hàng đến nhà làm giao dịch tiền mặt, việc phục vụ hồ sơ khác thì được. Ở Việt Nam cho phép như vậy tạo ra rủi ro cả về kỹ thuật và con người. Ở Mỹ việc này không được phép. Ngay các hãng bảo hiểm cũng không nhận bảo hiểm việc này vì rủi ro rất lớn trên đường vận chuyển và các hoạt động khác phát sinh từ con người trong quá trình giao dịch ngoài hệ thống.

OCB (Ngân hàng Phương Đông) đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để phát triển ngân hàng bán lẻ như ngân hàng hợp kênh, đầu tư QR Code… Lý do nào khiến OCB đẩy mạnh hoạt động này? Theo ông việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi diện mạo các ngân hàng trong thời gian tới?

Ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối công nghệ Ngân hàng, Ngân hàng Phương Đông: Có 3 nguyên nhân, thứ nhất xuất phát từ nội tại các ngân hàng, các ngân hàng thấy được cần thiết, muốn thực hiện số hóa. Việc đó xuất phát từ nhận thức mang lại quá nhiều lợi ích. Vì sao chúng ta lại không vận dụng nó.

Thứ 2: Trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm số, đưa ra nhiều cải tiến về ngân hàng số vì thấy lợi ích từ ngân hàng số, từ thị trường, từ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ… do vậy cần phải có sự chuẩn bị.

Thứ 3: khách hàng đang thay đổi hàng vi, thói quen tương tác với ngân hàng. Do vậy, chúng ta phải đi theo thói quen của khách hàng như thói quen mua sắm, tiêu dùng.

Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn:

Thời gian qua, một trong những tôn chỉ mục đích hàng đầu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn là gắn kết ý tưởng của chuyên gia kinh tế với nhà làm chính sách, nhà quản lý. Diễn đàn hôm nay cũng nằm trong định hướng đó.

Tôi xin chân hành cảm ơn Ngân hàng Nhà nước đã ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ chúng tôi tổ chức hội thảo này. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn đại diện các ngân hàng, quý khách và các cơ quan báo đài đến tham dự.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới