Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phiên chợ Tết ở xứ Huế xưa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phiên chợ Tết ở xứ Huế xưa

Nguyễn Văn Toàn

(TBKTSG) – Ở Huế ngày xưa có phiên chợ Gia Lạc khá độc đáo. Chợ phiên này ra đời  vào Tết Bính Tuất (1826) dưới thời vua Minh Mạng và tồn tại đến tận năm 1945 khi triều đại nhà Nguyễn chấm dứt.

Phiên chợ Tết ở xứ Huế xưa
Phiên chợ Gia Lạc năm 2012 tại TPHCM.

Chợ phiên Gia Lạc do Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bính (1797-1863) lập nên. Ông là hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long, mẹ ông là Tiệp dư Dương Thị Sự. Năm Gia Long thứ 16 (1817), sau khi được nhà vua phong làm Định Viễn Công, ông lập phủ đệ tại thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.

Đi ngược lại với tư tưởng “trọng nông ức thương” thời bấy giờ, Định Viễn Công đặc biệt say mê kinh doanh. Hàng hoá ở khu vực gần với phủ Định Viễn Công rất phong phú, bao gồm gốm sứ, vải lụa, giấy bút, dược liệu, lương thực thực phẩm, và nhiều đặc sản như gạc nai, trầm hương, quế, thịt rừng phơi sấy khô… Từ nơi này, hàng hóa được vận chuyển cung ứng cho kinh thành Huế. Vì phủ đối diện bến đò chợ Dinh, nơi thuyền bè buôn bán tấp nập nên Định Viễn Công đã cho dựng dãy nhà kho gần bến đò này. Ông mua hết hàng hóa của các tàu thuyền rồi bán lại kiếm lời.

Nói về chợ phiên Gia Lạc do ông lập ra, phiên chợ này được nhóm họp trên đường về thôn Vỹ Dạ, nơi ngã ba làng Nam Phổ. Cái tên Gia Lạc có nghĩa là “tăng thêm niềm vui”. Chợ diễn ra suốt những ngày Tết, ban đầu chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi. Ông được xem là người có công làm cho ngày Tết ở Huế sôi nổi hơn vì đã lập ra chợ phiên này, tạo nên một điểm sinh hoạt vui chơi trong những ngày Tết.

Theo tài liệu cũ, người ở vùng chợ Dinh, phố cổ Gia Hội hiện nay, đi chợ Gia Lạc còn để có dịp bói đò nhân năm mới, vì họ phải đi đò qua sông. Nếu khi đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới. Ngược lại khi đến bến mà đò sang sông, ấy là điềm báo sẽ lận đận trong năm ấy.

Ngoài ra, người đi chợ phiên Gia Lạc mùng một Tết luôn mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn sẽ an bình trong năm mới. Trầu ở chợ Gia Lạc là trầu hương rất thơm, lá lục. Cau ở chợ là cau làng Nam Phổ, nổi tiếng xứ Huế. Cau trầu ở đây được người Huế đặc biệt chuộng dù giá cao hơn cau trầu vùng khác. Người Huế có câu “Cau Nam Phổ mỗi trái mỗi giác. Trầu chợ Dinh mỗi lá mỗi tiền”. “Giác” được người Bắc gọi hào, người Nam gọi cắc, giá trị bằng một phần mười đồng bạc.

Sau đó, người đi chợ Gia Lạc mới mua hàng hóa của chợ theo sở thích. Hàng hóa trong chợ khá phong phú như chén bát, ly cốc, áo quần, trang sức, hoa tươi, rau củ quả… Đặc biệt là các đặc sản của Huế như phấn nụ, hoa giấy; bánh canh Nam Phổ, bánh bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái… Trẻ con thì mua tượng bà Trưng cưỡi voi, ông Trạng cầm quạt, gà đất, lung tung ngũ sắc, tò he, kẹo cau, kẹo gừng…

Chợ Gia Lạc còn thu hút đông đảo người đi chơi Tết nhờ hàng loạt trò chơi thú vị như hò giã gạo, bài chòi, bài vụ, bầu cua, ném vòng vịt, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ…

Định Viễn Công cũng phát động cuộc thi nấu bún bò giò chả ngay tại chợ Gia Lạc, đầu bếp nào giành giải nhất thì nhận được bốn chữ “thập toàn, ngũ đắc”. Thập toàn là điểm hoàn thiện hoàn mỹ của món đặc sản chốn kinh kỳ: ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là năm yếu tố: ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại địa phương mình.

Có thể thấy, người ta đến chợ Gia Lạc không phải vì nhu cầu mua bán mà vì đây là tập quán đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy sự vui vẻ, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm.

Phiên chợ Gia Lạc được duy trì đến năm 1945, tức là gần cả trăm năm sau khi Định Viễn Công mất. Năm 2002, nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh đã tái hiện chợ phiên Gia Lạc trong khuôn viên trường Đại học Munchen (CHLB Đức), sau đó chợ được tái hiện trong dạ tiệc cuối năm tại Le Lieu Unique (Pháp). Vào ngày 15-2-2012, lần đầu tiên kể từ năm 1945, phiên chợ Gia Lạc của Huế xưa đã được phục dựng trên tầng thượng tòa nhà Sailing (TPHCM), cũng do nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới