Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phiên giao dịch cuối năm Canh Tý xanh màu lạc quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phiên giao dịch cuối năm Canh Tý xanh màu lạc quan

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua, thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý, ngày 9-2 (28 Tết), ghi nhận sắc xanh phủ lên phần lớn cổ phiếu.

Phiên giao dịch cuối năm Canh Tý xanh màu lạc quan
Phiên giao dịch cuối cùng của thị trường chứng khoán trong năm Canh Tý (ngày 9-2-2021) đã diễn ra khá sôi động. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Phiên cuối năm Canh Tý đầy sôi động

Vào đầu phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý, chỉ số mở phiên thấp dưới mức tham chiếu nhưng sau đó đồng loạt tăng lên đã giúp tâm lý thị trường bớt sự bi quan. Thị trường có những nhịp giảm điểm nhưng sau đó đã bật tăng trở lại.

Tính đến cuối phiên sáng, sắc xanh lan rộng ở nhiều cổ phiều và hầu hết các nhóm ngành, trong đó có những cổ phiếu là “bệ đỡ” giúp chỉ số VN-Index tăng 22,18 điểm (tương ứng 2,05%), lên mức 1.105,36 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 3,09 điểm (1,4%) lên 223,85 điểm và UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (0,73%) lên 73,18 điểm.

Trong phiên sáng, thanh khoản thị trường giảm so với cùng thời điểm phiên trước với tổng giá trị giao dịch khoảng 8.200 tỉ đồng với 350 triệu cổ phiếu được “sang tay”.

Đà tăng của thị trường tiếp tục được nới rộng thêm ngay sau giờ nghỉ trưa. Đến phiên chiều, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh hơn đẩy các chỉ số cổ phiếu tăng mạnh.

Nhóm cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường) đều phủ sắc xanh lạc quan, trong đó có cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank tăng trần. Nhóm dẫn dắt thị trường tăng đáng kể còn bao gồm cổ phiếu VIC, VCB, VHM, VNM và CTG.

Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 31,75 điểm, lên mức 1.114,93 điểm, tương ứng tăng 2,93%. Thị trường cũng ghi nhận gần 520 triệu cổ phiếu giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 12.665 tỉ đồng.

Các chỉ số ở thị trường khác cũng tăng mạnh, như chỉ số cổ phiếu trên sàn HNX tăng 1,88%, lên mức 224,9 điểm; chỉ số ở sàn UPCoM tăng 1,6%, lên mức 73,81 điểm.

Số cổ phiếu phủ sắc xanh ngày càng chiếm ưu thế về cuối phiên. Nguồn: VNDirect.

 

Kỳ vọng tín hiệu lạc quan cho năm Tân Sửu

Trước đó, chỉ số VN-Index cuối năm 2020 đạt mức 1.103,9 điểm, tăng 14,9% so với cuối năm 2019, được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua và vượt kỳ vọng thị trường.

Vào đầu năm 2021, thị trường chứng khoán có bước chạy đà ấn tượng khi tăng mạnh trong 2 tuần đầu năm, lên đến mức 1.194,2 điểm (mức cao nhất trong vòng 33 tháng) nhưng sau đó bắt đầu điều chỉnh mạnh.

Cụ thể, vào phiên giao dịch ngày 15-1-2021, chỉ số đạt mốc cao nhất là 1.194,2 điểm và bắt đầu thoái lui theo các phiên sau đó, biến động mạnh theo chiều hướng giảm. Còn mức đáy xác lập vào ngày 28-1 với 1.023,94 điểm.

Theo đó, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1-2021 tại mức 1.056,61 điểm, mất 47,26 điểm (tương đương giảm 4,28%) so với thời điểm cuối năm 2020.

Sau đó, trong những phiên giao dịch từ đầu tháng 2 đến thời điểm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường tiếp tục giằng co giữa các phiên giảm và phục hồi với biên độ đáng kể với tâm lý bi quan xen lẫn lạc quan.

Khối lượng và giá trị giao dịch tăng mạnh kể từ đầu năm ngoái cho đến nay. Nguồn: SSI

 

Tháng 1-2021 được xem là tháng điều chỉnh đầu tiên của thị trường sau chuỗi tăng liên tục từ tháng 8-2020. Theo công ty chứng khoán SSI, áp lực điều chỉnh do tác động đồng thời của các yếu tố là nhu cầu chốt lời tăng khi chỉ số VN-Index đã tăng 81,2% từ mức đáy trong năm 2020 và tiến gần vùng đỉnh lịch sử 1.200; hoạt động quản trị rủi ro giảm dư nợ cho vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán; và cuối cùng là diễn biến Covid-19 trở lại phức tạp.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán năm 2020, đẩy cả thanh khoản và giá cổ phiếu tăng vọt đáng kể. Tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019.

Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục kích thích dòng tiền nội đổ vào thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đều nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ vượt qua đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã có ba đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 với mức cắt giảm từ 1,5-2%, nằm trong số những quốc gia cắt giảm lãi suất điều hành mạnh nhất trong khu vực.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng trong năm 2021, với dự báo lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt, dòng vốn giá rẻ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.

Tương tự, theo nhóm phân tích của SSI, thị trường Việt Nam khá hấp dẫn nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh, câu chuyện tăng trưởng kinh tế và là điểm đến của dịch chuyển sản xuất toàn cầu.

“Dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động giai đoạn này nhưng chúng tôi cho rằng dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với mức độ biến động của thị trường sẽ ngày càng cao”, báo cáo của SSI đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới