Thứ Hai, 25/09/2023, 15:44
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Phiên trực đêm giao thừa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phiên trực đêm giao thừa

Nguyễn Vịnh

Nhân viên tổng đài 1080 Dak Lak – Dak Nông đang trực đêm giao thừa – Ảnh: Nguyễn Vịnh

(TBKTSG Online) – Trong khi mọi người đang sum họp, quây quần cùng gia đình đón chào giờ khắc thiêng liêng của năm mới thì xung quanh chúng ta vẫn có nhiều người đang thực hiện nhiệm vụ theo tính chất công việc. Chị Ngọc Linh, điện thoại viên của Đài 1080 Viễn thông Dak Lak- Dak Nông lại phải trực đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới nhiều ý nghĩa.

Vừa ký vào sổ nhận ca chưa kịp đặt bút xuống, tiếng chuông đã đổ vang, Ngọc Linh cầm lấy tai nghe đeo vào: “ Đài 1080, số 29 xin nghe”. Vang lên trong tai cô là tiếng một bé gái thỏ thẻ: “A lô! cô cho cháu hỏi. Tối nay mấy giờ bắn pháo hoa hả cô?”. Mỉm cười, Ngọc Linh nhẹ nhàng trả lời, giọng pha chút âu yếm. Phiên trực đêm nào cô cũng nghe các cháu gọi đến hỏi, hết chuyện này đến chuyện khác, những câu hỏi rất hồn nhiên của tuổi thơ.

Tiếng của cô bé gọi đến như tiếng mấy đứa cháu cô ở quê. Chắc giờ này chúng cũng tíu tít đòi anh cô chở ra phố xem bắn pháo hoa. Trong cô bỗng nhói lên nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ chỉ có ở những ai xa nhà trong giờ khắc mọi người quây quần sum họp dưới mái ấm gia đình để đón giao thừa, một nỗi nhớ khó diễn tả thành lời. Ca trực sáng nay cô đã trả lời những câu hỏi tương tự không biết bao nhiêu lần. Nhưng sao cháu bé hỏi tối nay làm cô suy nghĩ lan man…

Không biết trong đêm giao thừa này trên đất nước mình có bao nhiêu người phải trực như cô nhỉ? Cô chợt nghĩ, từ địa đầu Lũng Cú cho đến đất mũi Cà Mau hay từ cửa khẩu Bờ Y cho đến biển đảo Trường Sa có biết bao chiến sĩ đêm nay không ngủ để gìn giữ biên cương của tổ quốc. Các anh ấy phải ngồi trong bóng đêm lạnh lẽo, giá rét, chứ không được như cô ngồi trong căn phòng ấm cúng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Và có biết bao người đón giao thừa theo tính chất công việc như cô. Chắc họ cũng nhớ về gia đình, về người thân như cô đang nhớ.

Trong buổi sinh hoạt Chi đoàn Thanh niên cơ quan hồi đầu tháng, cô đã xung phong trực đêm giao thừa, nhường cho các chị lớn tuổi có gia đình đón tết. Trời se lạnh, cô đút vội hai tay vào túi áo khoát. Trong đó có phong bao lì xì mà tối nay vừa mới tới đài sếp cô đã mừng tuổi cho phiên trực đêm giao thừa. Nắm chặt phong bao lì xì, cô thấy mình như ấm hơn. Hai năm công tác ở đài cô đều đón Tết với rất nhiều khách hàng qua tai nghe.

Tiếng chuông lại đổ vang và những thao tác quen thuộc: “ Đài 1080, số 29 xin nghe”. “Cô ơi, cô kể chuyện cho cháu nghe với. Mẹ cháu đi trực trong bệnh viện rồi. Cháu ở nhà một mình buồn lắm cô ạ!”. “Nào, cháu cô muốn nghe chuyện gì nào?”… Chuyển file chuyện kể cho cháu bé nghe xong Ngọc Linh quay về với dòng suy nghĩ…

Giá như năm rồi ngoài quê không hứng chịu cơn lũ lụt lịch sử, giá như trước đó ruộng đồng không bị khô hạn cho thu hoạch kém, thì bố cô đã sửa sang ngôi nhà của ông bà nội để lại. Nhà xuống cấp lắm rồi. Mẹ cô năm nào cũng thả một cặp heo gọi là bỏ ống dành dụm để sắm sửa, cúng lễ ông bà trong ba ngày tết. Con cái có gửi ít tiền gọi là góp tết thì mẹ cô vẫn để dành không đụng đến, phòng khi cơ sự không lường trước được. Cần kiệm vốn là phẩm chất của những bà mẹ quê.

Bây giờ người dân làng cô, một làng quê nghèo ở khúc ruột miền Trung cũng như người dân nghèo lam lũ khắp cả nước là phải chịu nhiều tác động bởi giá cả leo thang. Bên cạnh còn là thiên tai dịch bệnh tràn lan con người khó kiểm soát.

Cô bật tivi, những tiếng nổ báo hiệu pháo hoa đã rực rỡ trên bầu trời đêm ở quãng trường thành phố. Dân chúng như cùng một tư thế, đứng yên lặng, mắt ngước nhìn lên bầu trời đêm rực rỡ sắc màu. Thỉnh thoảng có tiếng vỡ òa vui thích, hào hứng khi hàng chục ánh pháo hoa tỏa sáng cùng lúc. Cô mỉm cười một mình mà có cảm giác như tiếng cười của cô đang hòa chung với tiếng cười của hàng vạn người đang xem bắn pháo hoa ngoài phố, hòa chung với triệu triệu người trên cả nước cũng đang ngắm pháo hoa đêm nay.

Tiếng bắn pháo hoa vừa ngừng cũng là lúc tiếng chuông lại vang lên. Vẫn những thao tác quen thuộc, vẫn tiếng của cô: “ Đài 1080, số 29 xin nghe”. Lần này là tiếng của khách đã lớn tuổi. “Cô ơi! Giá cà phê Luân Đôn đang âm hay dương vậy cô”. “Dạ thưa quý khách, xin quý khách vui lòng đợi một giây lát”. Nói xong, cô bật máy tính đã nối mạng sẵn sàng. “Dạ thưa quý khách, giá Luân Đôn đang âm 3 đô la”. Giọng khách hàng pha chút lo âu: “Đêm nay có âm nhiều không cô nhỉ?”. Không đợi cô trả lời, đầu kia đã cúp máy. Bởi người hỏi cũng chỉ để mà hỏi và họ biết chắc chắn cô không thể trả lời được.

Trên xứ sở được mệnh danh thủ phủ của cây cà phê, cuộc sống như thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường rộng rãi hơn, những khu nhà mới khang trang hơn, những hàng cây xanh rợp bóng mát nhiều hơn và con người ăn mặc mốt hơn, đi xe đẹp hơn…Tất cả đều gắn bó, đều có liên quan đến cà phê. Vì thế giá cà phê là mối quan tâm hàng đầu của con người ở đây.

Và cứ như vậy, suốt đêm giao thừa cô không ngủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới