Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Philippines đu dây giữa kinh tế và chủ quyền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Philippines đu dây giữa kinh tế và chủ quyền

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Trong chuyến công du chính thức tới Bắc Kinh kéo dài năm ngày, từ thứ Ba 30-8 đến thứ Bảy 3-9-2011, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III phải xử lý một tình huống hết sức tế nhị: làm sao khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này trên một phần quần đảo Trường Sa mà không làm phương hại mối quan hệ kinh tế đang ngày càng quan trọng với Trung Quốc.

Theo báo Wall Street Journal, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm ngoái là 27,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 35% so với năm 2009. Trong bối cảnh kinh tế các nước phát triển đang trì trệ, Manila coi nước láng giềng khổng lồ này là một nguồn vốn đầu tư và du lịch hết sức cần thiết.

Theo báo Philippine Daily Inquirer, có hơn 300 nhà doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Aquino để tìm cơ hội hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines. Các trợ lý của ông Aquino cho biết, hai bên sẽ ký kết một kế hoạch kinh tế năm năm nhằm nâng thương mại hai chiều giữa hai nước lên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Thứ trưởng Ngoại giao Cristina Ortega tiết lộ, một trong những hợp đồng sẽ được ký ngay trong chuyến thăm này liên quan tới một dự án sản xuất xe hơi của Trung Quốc có vốn đăng ký lên tới 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Về phía Trung Quốc, đại sứ Lưu Kiến Siêu nói một cách văn hoa rằng kinh tế Philippines đang cất cánh và Trung Quốc sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho sự cất cánh đó. Ông Lưu cũng cho biết Bắc Kinh quan tâm nhiều tới tiềm năng khoáng sản phong phú của Philippines. “Tôi nghĩ các công ty và các tập đoàn khai khoáng của Trung Quốc có thể đàm phán trực tiếp và hiệu quả với các chủ mỏ Philippines để tiến tới hợp tác”, ông Lưu nói với báo chí tại Manila.

Báo China Daily cho biết bộ trưởng giao thông của hai nước sắp khôi phục lại các cuộc đàm phán liên quan tới dự án đường sắt nối thủ đô Manila với các tỉnh phía Bắc đảo quốc. Báo Daily Inquirer cũng cho rằng, Trung Quốc đã có những dấu hiệu cho thấy họ không muốn những sự căng thẳng về lãnh thổ trên biển làm chệch hướng mối quan hệ đối tác kinh tế Trung – Phi.

* * *

Tuy nhiên vấn đề biển Đông luôn tồn tại như một vướng mắc trong quan hệ hai nước. Các cố vấn của Tổng thống Aquino cho biết, dù trọng tâm chuyến công du này vẫn là thúc đẩy quan hệ kinh tế nhưng trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Philippines sẽ nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền. Theo giới phân tích, trong chuyến thăm này, ông Aquino sẽ thận trọng làm mọi việc thuận lợi cho sứ mệnh kinh tế nhưng ông cũng bị áp lực phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Ông sẽ bị phê phán nếu không nêu lên vấn đề biển Đông”.

Theo Reuters, thái độ của chính quyền Manila rất rõ ràng và công khai: Philippines kiên quyết không nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ, nhưng điều này không ngăn cản mong muốn của Manila phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Hai nước Trung – Phi từng có quan hệ nồng ấm, nhất là dưới thời Tổng thống Corazon Aquino – thân mẫu của tổng thống đương nhiệm – nhưng quan hệ ấy đã bắt đầu xấu đi từ giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Gloria M. Arroyo khi chính phủ của bà bị lên án vì để cho các công ty Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án viễn thông quan trọng của đất nước, cùng với việc hợp tác với Trung Quốc thăm dò dầu khí trên biển Đông mà nay Manila gọi là biển Tây Philippines. Sự căng thẳng gia tăng mạnh từ tháng 3-2011 khi hải quân Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở biển Đông, quấy nhiễu các tàu thăm dò địa chất của nước này.

Để ứng phó với Trung Quốc, một mặt Philippines tăng cường lực lượng quân sự để bảo vệ lãnh thổ, một mặt kêu gọi Hoa Kỳ hỗ trợ theo một hiệp định giữa hai nước. Philippines cũng chủ động đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông lên Liên hiệp quốc. Tổng thống Aquino đã tuyên bố trước Quốc hội là Philippines sẵn sàng dùng các biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không bao giờ đặt các ưu tiên kinh tế lên trên những đòi hỏi về chủ quyền quốc gia ở vùng quần đảo Trường Sa và biển Tây Philippines.

* * *

Trước lúc đi Bắc Kinh, Tổng thống Aquino nói ông tin Manila và Bắc Kinh có khả năng làm dịu căng thẳng. Ông ví von mâu thuẫn giữa hai nước như xung đột vợ chồng trong một gia đình và cho rằng xung đột tạo ra cơ hội tiến tới một quan hệ bền chặt hơn. “Chúng ta có thể xử lý tình hình hiện nay không? Có thể. Cả hai bên đều nói rằng mình tuân thủ luật pháp quốc tế… Cả hai nước đều muốn giải quyết xung đột bằng phương cách hòa bình”, Tổng thống Aquino nói với các nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Manila thứ Sáu tuần trước. Dựa trên niềm tin đó, ông Aquino yêu cầu Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của ông nhờ Tòa án quốc tế Liên hiệp quốc về Luật Biển đứng ra phân xử vụ tranh chấp này.

Nhưng yêu cầu của Tổng thống Aquino tỏ ra quá lạc quan vì Trung Quốc chẳng bao giờ chấp nhận một yêu cầu như vậy. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định: “Trung Quốc sẽ không đặt cược vào một tòa án có thể xói mòn tuyên bố chủ quyền của họ trên cả vùng biển này. Điều đó quá nguy hiểm mà hiện thời Trung Quốc đang có vị thế mạnh hơn nhiều”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới