Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phở Lý Quốc Sư đã được bảo hộ tại Úc sau hơn một năm kiện tụng

Ngân Trần (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau tin vui về việc nhãn hiệu Gạo ông Cua ST 24 và ST 25 đã được bảo hộ tại Úc(1) đã có thêm một nhãn hiệu của Việt Nam là “Phở Ly Quoc Su & logo” nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sau hơn một năm theo đuổi vụ việc cực kỳ phức tạp tại nước này.

Golden Buffalo Group Pty Ltd (Golden) là công ty đã đem công thức hương vị gia truyền của phở Lý Quốc Sư tại Việt Nam sang Melbourne, Úc và nhanh chóng được người dân nơi đây yêu mến. Dù đã ý thức được việc cần và nên đăng ký nhãn hiệu khi bắt đầu kinh doanh và có ý định mở rộng thị trường tại Úc.

Tuy nhiên, vì nghĩ rằng việc đăng ký nhãn hiệu cũng giống các thủ tục hành chính khác, cứ đăng ký và chờ đợi chắc chắn sẽ nhận được văn bằng bảo hộ, Golden đã không tiến hành đăng ký ngay.

Nhãn hiệu cứ đăng ký là được bảo hộ?

Câu trả lời là không phải vậy. Với chức năng là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa – dịch vụ của các chủ thể kinh doanh khác nhau, nên thường chỉ một dấu hiệu có chức năng là nhãn hiệu duy nhất được phép tồn tại trên thị trường để hạn chế sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Do đó, nếu không nhanh chóng đăng ký hay bỏ sót, nhãn hiệu có thể trong chớp mắt thuộc về doanh nghiệp khác nếu họ đăng ký trước hoặc sử dụng trước.

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Phở Ly Quoc Su & logo” tại Úc.

Nếu tại Việt Nam, sự ưu tiên theo nguyên tắc “first to file” được áp dụng cho chủ thể đăng ký trước nên thời điểm nộp hồ sơ đóng vai trò quyết định trong việc một nhãn hiệu được bảo hộ hay không.

Ngược lại, ở Úc hay Mỹ theo nguyên tắc “first to use”, tức ưu tiên cho chủ thể sử dụng trước dù nhãn hiệu đó chưa được chủ thể đăng ký. Theo đó, họ vẫn có thể yêu cầu IP Úc công nhận sự sở hữu nhãn hiệu của mình. Do đó, những doanh nghiệp có dự định xuất khẩu hàng hóa vào Úc lại càng chú ý hơn về vấn đề thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Vì dù có tra cứu tại dữ liệu chính thống của IP Úc thì việc không phát hiện hồ sơ trùng hay tương tự nhãn hiệu của mình đã được nộp không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu đó chưa được bảo hộ tại nước này.

Trong vụ việc Phở Lý Quốc Sư tại Úc, khi Golden trong quá trình tra cứu để nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đã phát hiện công ty Posh Lifestyle Pte Pty Ltd (Posh) đã nhanh tay đăng ký nhãn hiệu “Pho Ly Quoc Su” với IP Úc vào ngày 9-10-2020. Đây cũng chính là công ty đã đăng ký nhiều nhãn hiệu có tiếng của Việt Nam tại Úc như Phở Thìn, Banh Mi Huynh Hoa hay Phuc Long Tea and Coffee.

Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Công ty Golden khi đó đã nộp đơn nhãn hiệu “Phở Ly Quoc Su & logo” như trên thực tế sử dụng, đồng thời nộp Phản đối đơn (Trademark opposition) đăng ký nhãn hiệu “Pho Ly Quoc Su” của Posh.

Tại Úc, khoảng thời gian mà các bên có thể phản đối đơn nhãn hiệu là hai tháng kể từ khi nhãn hiệu nhận được thông báo chấp nhận từ IP Úc(2). Dù Posh đã nộp quá hạn đơn Notice of intention to defend (đơn Tự vệ đáp lại đơn Phản đối của Golden), công ty này vẫn yêu cầu được xét xử (Request of hearing) nhằm được gia hạn với lý do bị nhiễm Covid-19 và bị yêu cầu cách ly trước ngày hạn chót nộp đơn (đơn Tự vệ nói trên).

Tuy nhiên, lập luận này đã không được Hội đồng xét xử của IP Úc xem là trường hợp “bất khả kháng” hay do “sự quên hay lỗi của một người” chính đáng. Bởi những bằng chứng cho rằng bị Covid trước một ngày hạn chót nộp đơn, trong khi đơn chỉ cần nộp trực tuyến với cách thức, nội dung đơn giản trong vòng 30 ngày là không hợp lý.

Thực ra, việc nộp các thủ tục nhãn hiệu tại Úc cần tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thời gian, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp không được IP Úc chấp nhận. Với việc gia hạn thời gian nộp các đơn hay giấy tờ yêu cầu liên quan đến hồ sơ nhãn hiệu tại Úc, có thể thực hiện được trong một số trường hợp chỉ khi người có thẩm quyền “có đủ lý do chính đáng” cho sự nộp trễ đó cụ thể: (a). Do lỗi hoặc thiếu sót của một người, người đại diện của người đó, hay của cơ quan đăng ký hoặc nhân viên của cơ quan đó; (b). Trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, hồ sơ cho việc gia hạn này cần phải đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức (approved form), đồng thời cần nêu rõ lý sự kiện, hoàn cảnh thực sự là nguyên nhân của việc yêu cầu gia hạn. Chủ đơn có thể sử dụng một hoặc cả hai lý do trên để củng cố cho lập luận của mình.(3)

Bài học cho các doanh nghiệp

Có thể thấy, doanh nghiệp nào có ý định kinh doanh nghiêm túc và lâu dài với tên nhãn hiệu gắn liền hàng hóa – dịch vụ của mình nên xem việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu là giải pháp tối ưu về chi phí cũng như về quyền lợi lâu dài.

Bởi một nhãn hiệu được bảo hộ không chỉ là một tờ giấy ghi nhận ở góc độ pháp lý về sự sở hữu một dấu hiệu được gắn lên một loại hàng hóa – dịch vụ cụ thể tại một quốc gia. Nó còn là một công cụ mà chủ doanh nghiệp có thể khai thác để gia tăng doanh thu.

Như việc mở rộng thị trường bằng con đường nhượng quyền thương mại của Trung Nguyên, hay Phở 24 đã làm được… hay cấp quyền sử dụng nhãn hiệu (li xăng) nhãn hiệu, nếu chủ nhãn hiệu không thể hình thành một hệ thống chuẩn, có thể “đóng gói” để chuyển giao như phương pháp đầu tiên.

Ở góc độ truyền thông, nếu đã xác định được thị trường và khách hàng mục tiêu, một thủ thuật gắn lên biểu tượng ® bên cạnh nhãn hiệu đã được bảo hộ của mình cũng là cách gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với một sản phẩm – dịch vụ cụ thể của một công ty.

Không đâu xa, một người bạn của tôi lựa chọn cái quạt với hai nhãn hiệu cô chẳng quen, giá cả tương tự. Dường như một niềm tin đã được hình thành khi nhìn vào một nhãn hiệu đã được bảo hộ khi thấy biểu tượng ® được gắn bên cạnh. Bởi với cô, ít nhất cô cũng đã cảm nhận sự sự chăm chút mà chủ doanh nghiệp đã dành cho sản phẩm của mình, cụ thể ở đây là nhãn hiệu; thì khả năng cao chất lượng cũng sẽ được quan tâm hơn sản phẩm còn lại.

Ngoài ra, ở góc độ tài chính, nhãn hiệu có thể xem là một tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn để ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán.(4) Doanh nghiệp không chỉ có thể sử dụng như một công cụ trên bàn đàm phán trong việc mua bán, sáp nhập, mà vẫn có thể khai thác (nhượng quyền thương mại, cấp li xăng) để gia tăng doanh thu.

(*) CEO – Maygust Trademark Attorneys, Úc.

(1) https://thesaigontimes.vn/gao-ong-cua-st24-st25-da-duoc-bao-ho-tai-uc-bai-hoc-ve-dang-ky-nhan-hieu/

(2) Section 5.6 Trade Marks Regulations 1995

(3) Section 5.13A, Trade Marks Regulations 1995, quy định về việc gia hạn nộp đơn tự vệ.

(4) Điều 3, Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ tài chính Quy định Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định hữu hình, vô hình.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới