Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bị điều tra tham nhũng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc , Fan Yifei  (Phạm Nhất Phi) đã bị bắt để điều tra vì bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”, cụm từ thường ám chỉ đến tội danh tham nhũng, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm 5-11. Vụ bắt giữ này được xem là một phần của chiến dịch làm trong sạch đội ngũ quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc , Phạm Nhất Phi. Ảnh: Reuters

Phạm Nhất Phi, 58 tuổi, một trong 6 Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), là quan chức ngân hàng kỳ cựu, với phần lớn thời gian công tác ở Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CBC). Ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc bị bắt giữ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng trước.

Ông cũng là quan chức mới nhất trong một loạt lãnh đạo tài chính cấp cao của Trung Quốc bị bắt hai năm qua trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng nhắm vào lĩnh vực này

Là người có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh và bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế của Đại học Columbia ở Mỹ, ông Phạm Nhất Phi đã thăng tiến qua nhiều nấc thang trong sự nghiệp tại CBC, nơi ông đã làm việc trong 23 năm.

Ông là Phó Chủ tịch CBC trong 5 năm kể từ năm 2005 trước khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc, một quỹ đầu tư nhà nước quản lý một phần dự trữ ngoại hối của đất nước.

Ông được bổ nhiệm làm Phó thống đốc PBoC vào năm 2015 ở độ tuổi 51 tuổi, trở thành thành viên trẻ nhất của ban lãnh đạo PBoC. Lĩnh vực phụ trách của ông tại PBoC bao gồm công nghệ tài chính và thanh toán.

Một bản tin của tạp chí kinh tế Tài Tân (Caxing) hôm 5-11 cho biết đã có nhiều đồn đoán trong năm qua về việc ông Phạm Nhất Phi sẽ bị bắt để điều tra tham nhũng. Bản tin này cho biết cho biết thư ký của ông cũng đã bị bắt.

Phạm Nhất Phi đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực phát triển xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và đồng tiền kỹ thuật số của PBoC. Hồi tháng 9, ông cho biết PBoC đang thúc đẩy sự kết nối giữa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số với các nền tảng thanh toán điện tử khác và hy vọng sẽ thiết lập một mã QR chung để thanh toán.

Cuối năm ngoái, CCDI mở đợt thanh tra 25 tổ chức tài chính bao gồm PBOC, Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC). Đây là đợt thanh tra sâu rộng như vậy đối ngành tài chính kể từ năm 2015.

Kể từ đó, Trung Quốc đã bắt ​​giữ hàng chục quan chức tài chính cấp cao, bao gồm Tian Huiyu, người từng là Chủ tịch Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc trong 9 năm trước khi bị bắt vào hồi 4.

Hồi tháng 5, CCDI thông báo cách chức Sun Guofeng, 49 tuổi, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC để điều tra vì ông bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”

Những quan chức bị bắt khác bao gồm He Xingxiang, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc trong giai đoạn 2014 -2021, người đã hầu tòa vào tháng 8 năm nay. Wang Bin, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc, cũng đã bị bắt giam hồi tháng 9.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 vào hôm 16 -10, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Đảng sẽ trừng phạt nghiêm khắc các quan chức cấp cao thông đồng sai phạm với doanh nghiệp, gửi đi tín hiệu rằng chiến dịch chống chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính sẽ tiếp tục.

“Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn sự thông đồng giữa các cán bộ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, khiến họ trở thành người phát ngôn hoặc đại diện của các nhóm lợi ích và bè phái quyền lực”, ông Tập nói trong báo cáo công tác trước Đại hội đảng.

Theo SCMP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới