Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phó thống đốc NHNN: Không lơ là với rủi ro nợ xấu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phó thống đốc NHNN: Không lơ là với rủi ro nợ xấu

Thảo Nguyên

(TBKTSG) – Ngành ngân hàng Việt Nam từng chao đảo với nợ xấu, hậu quả của một thời gian dài cho vay một cách dễ dãi vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ làm gì để bảo đảm điều này không bao giờ lặp lại nữa? Mời bạn đọc tìm câu trả lời qua bài phỏng vấn Phó thống đốc NGUYỄN KIM ANH của TBKTSG.

Phó thống đốc NHNN: Không lơ là với rủi ro nợ xấu
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019.

Vấn đề nợ xấu, dù hiện đã hạ nhiệt nhưng nguy cơ không phải là không còn, nhất là trong lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản. NHNN có những quy định như thế nào để kiểm soát được vấn đề này?

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh: Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, cùng với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.

Để đạt được kết quả trên, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cấp tín dụng, quản trị rủi ro, mua bán nợ xấu để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, trong đó đã ban hành (i) Thông tư số 09/2017/TT-NHNN quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); (ii) Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (iii) Thông tư số 16/2018/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát cho vay trong lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản, NHNN đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó điều chỉnh hệ số rủi ro đối với khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo hướng kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp, khoản cho vay cá nhân có dư nợ gốc có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên.

Đó là thông điệp của NHNN trong việc kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Do đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp. Đồng thời, quy định này cũng góp phần giúp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản, từ đó giảm thiểu nợ xấu, giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu.

Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã tạo nền tảng cho NHNN trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại các TCTD. Đến nay, kết quả xử lý như thế nào? 

– Để triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Đề án 1058, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và đã đạt được một số kết quả tích cực như sau:
Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm: Đến cuối tháng 2-2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 577.300 tỉ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2018 và tăng 12,7% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 789.850 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2018.

Chất lượng tín dụng được cải thiện: Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 2-2019 là 2,09%.

Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng: Đến cuối tháng 2-2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 10,99 triệu tỉ đồng, gần tương đương so với năm 2018 và tăng 9,9% so với năm 2017.

Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước.

Các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD.

XỬ LÝ NỢ XẤU NỘI BẢNG

Từ năm 2012 đến cuối tháng 2-2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 896.100 tỉ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018 đã xử lý được 163.140 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến 28-2 là 2,09%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và tăng so với mức 1,99% cuối năm 2017, mức 1,91% cuối năm 2018.

Đến 31-1-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 204.400 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trên 40,7% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được 113.400 tỉ đồng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117.200 tỉ đồng.

Kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC như sau:

+ Đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến cuối tháng 2-2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338.849 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 307.567 tỉ đồng.

+ Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến cuối tháng 2-2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỉ đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỉ đồng.

+ Lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 2-2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ ước đạt 119.140,6 tỉ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt 67.891 tỉ đồng, gần bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018.

NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Ngoài những nội dung chặt chẽ hơn với hoạt động đòi nợ, dự thảo mới cũng siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính. Xin ông cho biết vì sao NHNN lại thấy cần cho ra đời thông tư này?

– Thời gian qua, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của các công ty tài chính phát triển khá nhanh, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống công ty tài chính. Mục đích của cho vay tiêu dùng chủ yếu là để người vay mua hàng hóa tiêu dùng, nếu giải ngân khoản vay bằng tiền mặt sẽ khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, những người cần vay tiền mặt thường có dòng tiền không ổn định và cần phải vay gấp nên rủi ro nợ xấu thường cao hơn. Do đó, cần phải có các biện pháp điều chỉnh hoạt động này để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, giảm rủi ro, bảo vệ quyền lợi khách hàng, tăng cường khả năng tiếp cận đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn cho mục đích tiêu dùng thực sự và phù hợp với chủ trương hạn chế thanh toán bằng tiền mặt của Chính phủ.

Hiện NHNN tiếp tục tổng hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo thông tư. Trong quá trình tổng hợp ý kiến, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để hoàn thiện thông tư bảo đảm phù hợp thực tiễn và mục tiêu quản lý nêu trên.

Trong năm 2018 đã có nhiều đối tác ngoại muốn nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên đến nay, kể cả ngân hàng yếu kém, vẫn chưa được vượt quá 30% cổ phần. Xin ông cho biết NHNN có dự định nới rộng tỷ lệ này trong năm nay lên 49% hay không?

– Nghị định số 01 ngày 3-1-2014 của Chính phủ quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam có các quy định tạo điều kiện cho các TCTD (đặc biệt là các TCTD yếu kém) có khả năng tiếp cận nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài và đưa ra cơ chế mở để thu hút nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài nhằm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi, các NHTM thuộc diện được kiểm soát đặc biệt được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã mở cửa thị trường rất rộng cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, theo đó nhà đầu tư nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang đàm phán nhiều hiệp định song phương và đa phương. Việc tiếp tục mở cửa thị trường trong lĩnh vực ngân hàng cần có sự đánh giá cẩn trọng và lộ trình triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường, của nền kinh tế.

Từ các lý do nêu trên, NHNN cho rằng việc giới hạn 30% tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một NHTM Việt Nam trong thời gian tới vẫn có đầy đủ cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn nền kinh tế Việt Nam.

Lộ trình niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán đã được quy định trễ nhất là năm 2020. Liệu mục tiêu này có thể hoàn thành trong năm sau không, trong khi nhiều ngân hàng cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) hiện chưa thuận lợi cho việc lên sàn?

– Về pháp lý, hiện nay không có quy định bắt buộc các NHTM phải niêm yết trên TTCK tập trung (HOSE và HNX). Để được niêm yết cổ phiếu, các NHTM phải đáp ứng các điều kiện theo các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020” đặt ra mục tiêu “phấn đấu” đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên TTCK Việt Nam.

Đồng thời, tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8-2018 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam. Do vậy, để đạt được mục tiêu, lộ trình về niêm yết cổ phiếu, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các NHTM cổ phần xây dựng kế hoạch niêm yết (1), gắn việc thực hiện kế hoạch niêm yết với việc triển đề án, phương án cơ cấu lại.

Việc các ngân hàng niêm yết trên TTCK sẽ giúp gia tăng lượng hàng hóa cho TTCK, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng. Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, từ đó có nhiều điều kiện để tăng vốn, không chỉ từ các cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư cá nhân mà còn có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Hiện các NHTM cổ phần đang tích cực triển khai theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt và kế hoạch niêm yết đã đặt ra. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu niêm yết trên TTCK của các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là điều kiện thị trường và ý chí của cổ đông, nhất là các cổ đông có tỷ lệ sở hữu chi phối.

Vị trí đặt bình chọn


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới