Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phố Wall tăng nhẹ bất chấp kết quả kinh doanh kém của Boeing, Caterpillar

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phố Wall tăng nhẹ bất chấp kết quả kinh doanh kém của Boeing, Caterpillar

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn gắng gượng tăng điểm trong một phiên giao dịch trầm lắng, khi giới đầu tư phớt lờ kết quả kinh doanh đáng thất vọng của hãng sản xuất máy bay Boeing và tập đoàn sản xuất máy móc khai khoáng và xây dựng Caterpillar.

Phố Wall mất điểm trước tin xấu về Brexit và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn

Phố Wall tăng nhẹ bất chấp kết quả kinh doanh kém của Boeing, Caterpillar
Trong phiên hôm 23-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 45,85 điểm (0,2%), lên mức 26.883,95 điểm. Ảnh: Investing

Chốt phiên giao dịch hôm 23-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 45,85 điểm (0,2%), lên mức 26.883,95 điểm. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,3% và 0,2%.

Tâm điểm chú ý của thị trường tiếp tục là các báo cáo kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn bao gồm Boeing và Caterpillar, hai trong số 30 công ty góp mặt trong chỉ số Dow Jones.

Trước lúc thị trường mở cửa, hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết trong quí 3-2019, hãng đạt lợi nhuận 895 triệu đô la, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cải thiện hơn rất nhiều so với mức lỗ 3,7 tỉ đô la trong quí 2 do các chi phí bồi thường cho sự cố máy bay 737 MAX bị cấm bay trên toàn cầu sau hai vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng máy bay này.

Mức lợi nhuận trong quí vừa qua của Boeing chỉ đạt 1,45 đô la/cổ phiếu, kém so với dự báo 2,09 đô la của giới phân tích.

Ngoài ra, doanh thu của Boeing trong quí 3 cũng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng máy bay 737 MAX bàn giao cho khách hàng giảm mạnh.

Điểm sáng trong báo cáo tài chính của Boeing là doanh thu của mảng không gian và quốc phòng tăng 2% so với cách đây một năm, lên mức 7 tỉ đô la và biên lợi nhuận của mảng này tăng lên mức 10,7%.

Boeing tin tưởng Cục Hàng không liên bang (FAA) sẽ cấp phép cho 737 MAX bay trở lại trong quí 4-2019 và hãng vẫn duy trì công suất sản xuất dòng máy bay này ở mức 42 chiếc/tháng và sẽ nâng lên 57 chiếc/tháng vào cuối năm sau.

“Không có tin tức xấu thêm nào về 737 MAX là điều mang lại sự nhẹ nhõm lớn nhất cho giới đầu tư”, nhà phân tích Robert Spingarn ở Ngân hàng Credit Suisse, nhận định.

Trong phiên giao dịch, cổ phiếu Boeing có khi tăng cao đến 4,1% nhưng kết phiên với mức tăng 1%, lên 340,5 đô la/cổ phiếu.

Cùng ngày, tập đoàn sản xuất máy móc công nghiệp Caterpillar ghi nhận mức doanh thu 12,8 tỉ đô la trong quí vừa qua, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và kém so với mức kỳ vọng 13,6 tỉ đô la của giới phân tích. Lợi nhuận của Caterpillar cũng giảm về mức 1,5 tỉ đô la, tương đương 2,66 đô la/cổ phiếu, kém so với mức 1,7 tỉ đô la vào hồi cùng kỳ năm ngoái.

Caterpillar, nổi tiếng với xe ủi, xe cơ giới và các loại máy móc khác, cho biết kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng do nhu cầu mua hàng yếu của các đại lý kinh doanh thiết bị khai khoáng và xây dựng.

Phát biểu trong cuộc họp báo từ xa với các nhà phân tích, Jim Umpleby, Giám đốc điều hành Caterpillar, nói: “Chúng tôi tin rằng các đại lý giảm hàng tồn kho vì lo ngại tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu do các căng thẳng thương mại và các yếu tố khác”.

Đón nhận tin xấu, cổ phiếu Caterpillar giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch nhưng chốt phiên tăng 1,2% lên mức 135,34 đô la.

Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường ở Công ty Spartan Capital Securities, nhận định thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm bất chấp kết quả kinh doanh tệ của Boeing và Caterpillar vì nhà đầu tư đã đoán trước được điều này và sẵn sàng đón nhận.

Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Texas Instruments, nhà sản xuất chip lớn thứ sáu thế giới có mặt trong chỉ số S&P 500, giảm 7,48%, mức giảm mạnh nhất trong gần 11 năm qua.

Hôm 22-10, Texas Instruments cho biết trong quí vừa qua, doanh thu giảm 11%, về mức 3,77 tỉ đô la, trong khi đó, lợi nhuận giảm 5,7%, xuống mức 1,49 đô la/cổ phiếu.

Rafael Lizardi, Giám đốc tài chính Texas Instruments, cho biết hầu hết thị trường xuất khẩu đều suy yếu vì các công ty cắt giảm đơn hàng trong khi chờ đợi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.

“Bức tranh vĩ mô đang yếu ớt vì các căng thẳng thương mại. Khi điều này xảy ra, các công ty cắt giảm đơn hàng”, Lizardi nói.

Cho đến nay, trong số 98 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quí 3, có 82,7% có kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.

Chốt phiên giao dịch hôm 23-10, giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng 8,2 đô la (0,6%), lên mức 1.495,7 đô la/ounce.

Giá vàng bật tăng vì giới đầu tư lo ngại tình trạng không chắc chắn của Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu – EU) sau khi Hạ viện Anh phản đối kế hoạch đưa dự luật thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu trước thời hạn cuối 31-10. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Anh, Boris Johnson, phải đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thời hạn cuối của Brexit, làm dấy lên các nghi ngờ về khả năng Anh rút khỏi EU một cách suôn sẻ.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh kém của Boeing, Caterpillar và Texas Instruments trong quí 3 cũng khiến giới đầu tư bất an về tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng điều này giúp vàng trở thành tài sản hấp dẫn hơn.

Theo Market Watch, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới