Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phong điện tắc đầu ra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phong điện tắc đầu ra

Ngọc Lan

Tuabin điện gió ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thanh Tùng.

(TBKTSG) – 11 triệu kWh điện của dự án phong điện I tại Bình Thuận đã lên lưới điện quốc gia từ 6 tháng nay được xem là thành công của chủ đầu tư cũng như Nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển vào các dự án CDM (dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ sạch). Có điều, phong điện (điện gió) đã phát nhưng bên bán và bên mua chưa thể thống nhất với nhau về giá.

Tranh cãi về giá

Dự án nhà máy phong điện I được xây dựng trên địa bàn hai xã Bình Thạnh và Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Các cổ đông của dự án đến từ Viện Năng lượng, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8) và một số cá nhân khác.

Đây là dự án về năng lượng tái tạo đầu tiên ở nước ta đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư hơn 1.457 tỉ đồng, tổng công suất 120 MW, phân kỳ đầu tư theo bốn giai đoạn.

Đến cuối năm 2009, REVN đã hoàn thành xây lắp và đấu nối vào lưới điện được năm tua bin với công suất 7,5 MW. Từ nay đến cuối năm, 15 tuabin nữa sẽ được hoàn thành và phát điện lên lưới quốc gia, hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (30 MW).

Cuối năm 2008, Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt bổ sung dự án này vào “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận 2006-2010, xét đến 2015” và nó cũng là dự án đầu tiên trong số 12 dự án phong điện mà tỉnh Bình Thuận cấp phép đã đi vào hoạt động.

Song, 11 triệu kWh điện đã được huy động lên lưới từ sáu tháng qua nhưng giữa REVN – bên bán và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – bên mua chưa thống nhất được hợp đồng mua bán điện, cụ thể là chưa thể thống nhất được về giá.

Đây là một dự án đầu tư theo quy trình “ngược” của ngành năng lượng Việt Nam, cụ thể là sản xuất điện, lên lưới rồi mới đàm phán giá. Trong khi tất cả các dự án ở ngành điện đều phải ký được hợp đồng bán điện với EVN cho cả một đời dự án thì mới bắt tay vào đầu tư. Và quá trình đàm phán giá thường được coi là “con đường gian khổ” nhất trong việc đầu tư vào các dự án điện ở Việt Nam.

Trong cuộc họp gần nhất hồi trung tuần tháng 4 giữa các bên, REVN mong muốn bán được điện với giá 2.275 đồng/kWh (9 cent/kWh) và nhà nước trợ giá phần còn lại là 700 đồng/kWh (tương đương 4 cent). Tính tổng cộng khoảng 13 cent/kWh (2.975 đồng/kWh). Còn quan điểm của EVN là không thể đồng ý giá điện theo yêu cầu của chủ đầu tư do vượt khung giá mua điện hiện hành và vượt thẩm quyền: giá chung là 4,5 cent/kWh và giá điện chi phí tính được đối với các dự án điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, giá lên khoảng 4 cent/kWh nữa (theo Quyết định 18/BCT).

Do không tìm được tiếng nói chung, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Năng lượng và Viện Năng lượng thành lập hai tổ công tác thẩm định, tính toán giá điện của REVN xem giá thành chính xác đến đâu và giá bán như đề xuất đã hợp lý chưa, đồng thời giá điện Nhà nước có thể mua là bao nhiêu. Trong trường hợp suất đầu tư cao mà Nhà nước không thể mua điện với giá như chủ đầu tư mong muốn thì REVN sẽ phải đi tìm nguồn hỗ trợ bổ sung khác để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Đi trước, đón đầu?

Vấn đề ở đây là tại sao REVN, với nhiều cổ đông là các chuyên gia năng lượng và chuyên gia tài chính lại quyết định thực hiện quy trình đầu tư ngược như vậy, trong khi suất đầu tư cho dự án phong điện được xem là cao nhất trong ngành điện hiện nay (ngoại trừ điện hạt nhân), lên tới khoảng 2.500-2.700 đô la Mỹ/kWh.

Mặt khác, không chỉ EVN và REVN quan tâm đến việc đàm phán giá ở dự án phong điện đầu tiên. Rất nhiều nhà đầu tư khác trong và ngoài nước đều theo dõi rất sát câu chuyện này vì việc thành hay bại trong đàm phán giá điện của REVN với Nhà nước sẽ quyết định đến xu hướng đầu tư vào các dự án CDM trong thời gian tới.

Một lãnh đạo của REVN (đề nghị không nêu tên) nói với TBKTSG là không phải họ không biết trước những vấn đề này nhưng họ vẫn quyết định đầu tư và đưa điện lên lưới vì họ tin vào chính sách, cơ chế phát triển mà Chính phủ đã ban hành đối với các dự án đầu tư theo cơ chế CDM (QĐ 130/2007 của Thủ tướng), trong đó có ghi rõ về chính sách hỗ trợ tài chính với các dự án CDM đáp ứng đủ điều kiện. Các dự án khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo như phong điện sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, khấu hao tài sản cố định, miễn thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất và quan trọng nhất là được xem xét trợ giá từ Nhà nước.

Tháng 7-2008, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyết định này, trong đó có nêu rõ phong điện là đối tượng được trợ giá đầu tiên, và mức trợ giá cho một đơn vị sản phẩm có công thức tính rõ ràng. Do vậy, phía REVN đã trình lên các cơ quan đàm phán giá mức giá thành bán điện dựa trên chi phí đầu tư, sản xuất thực tế.

Và nếu Nhà nước hỗ trợ như chính sách đã ban hành thì việc phát triển các dự án năng lượng CDM ở Việt Nam trong thời gian tới là khả thi bởi hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang xin đầu tư vào các dự án ở Bình Thuận, Côn Đảo và Phú Quốc, là những địa điểm có tiềm năng về nguồn điện gió. Nhưng nguồn hỗ trợ cho các dự án phong điện lấy từ đâu? Gợi ý từ REVN là lấy từ Quỹ bảo vệ môi trường, theo hình thức cân bằng năng lượng, mà nguồn phí bù đắp chính là phí phát thải từ các dự án năng lượng khác như nhiệt điện.

Tuy nhiên, tất cả những điều nói trên mới chỉ là gợi ý và tính toán của các nhà đầu tư. Hai tổ thẩm định giá của Bộ Công Thương và Hiệp hội Năng lượng vẫn chưa đưa ra kết quả. Do vậy, các nhà đầu tư vẫn phải chờ. Nhưng theo quan sát của các chuyên gia năng lượng, trong câu chuyện về giá, kể cả khi đang đối mặt với những rủi ro hiện hữu, REVN cũng hết sức tự tin vào thành công của mình.

Thành công đầu tiên là thực hiện được một dự án năng lượng sạch ở Việt Nam và phát điện lên lưới. Do đó, thông qua đơn vị thẩm định tính toán năng lượng gió cho dự án là Tập đoàn năng lượng EDF (Pháp), REVN đã ký được hợp đồng thu mua khí thải với Hiệp hội Phát thải quốc tế.

Nhà máy này đi vào vận hành mỗi năm giảm được 62.722 tấn CO2. Phía mua sẽ trả cho bên bán (giảm lượng phát thải) 13 đô la/tấn CO2. Tính ra mỗi năm, REVN có thể thu thêm 815.386 đô la. Như vậy, cho dù phải đối mặt với rủi ro về đàm phán giá trong nước, thì các nguồn tài chính khác vẫn có thể đảm bảo cho dự án phong điện cân bằng được đầu tư, đồng thời ước tính thời gian thu hồi vốn chỉ kéo dài từ 9-10 năm vì phong điện chỉ đắt nhất suất đầu tư ban đầu và không phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu đầu vào như các dự án năng lượng khác.

Đó cũng là lý do mà ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, muốn mua lại cổ phần ở REVN. Theo một chuyên gia năng lượng, những rủi ro hiện tại về giá là chỉ là khó khăn tạm thời của những tính toán nhìn xa của các nhà đầu tư ở REVN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới