Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phóng tên lửa H3 thất bại, Nhật Bản có nguy cơ thụt lùi trong ‘cuộc chiến không gian’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (Jaxa) ra lệnh tự hủy đối với tên lửa H3 dài 63 mét, có giá hơn tỉ đô la Mỹ vào đầu tuần qua do sự cố động cơ thì không chỉ tên lửa này rơi xuống biển mà những nỗ lực trong cuộc chạy đua cạnh tranh trên thị trường phóng tên lửa thương mại của nước này trong nhiều năm qua cũng thành công cốc.

15 phút sau khi cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở Kagoshima, miền nam Nhật Bản, hôm 7-3, tên lửa H3 tự hủy theo lệnh điều khiển của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản do lỗi động cơ. Ảnh: Kyodo/AP

Cơ hội cạnh tranh với Falcon 9 của SpaceX ngày càng xa

Trong vòng 15 phút sau khi tên lửa H3 được phóng từ hòn đảo phía nam Tanegashima, một sự cố động cơ đã phá hủy những nỗ lực phát triển tên lửa quí giá trong gần một một thập niên. Tên lửa này từng là niềm tự hào quốc gia và cũng là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ và tham vọng của Tokyo nhằm gia nhập các đối thủ hàng trên thị trường không gian toàn cầu .

“Tương lai của Nhật Bản phụ thuộc vào tên lửa H3. Chúng tôi đặt mục tiêu đưa nó trở lại hoạt động càng sớm càng tốt”, Masashi Okada, Giám đốc dự án tại Jaxa nói tại một cuộc họp báo sau vụ phóng thất bại hôm 7-3.

H3 là tên lửa mới nhất và cũng là tên lửa loại lớn đầu tiên của Nhật Bản trong ba thập niên sử dụng để phóng vệ tinh và tiếp tế Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), được thiết kế với các thành phần có thể tái sử dụng.

Nhật Bản kỳ vọng H3, sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với tên lửa phóng Falcon 9 của Công ty công nghệ không gian SpaceX do Elon Musk sáng lập. Tên lửa phóng vệ tinh Falcon 9, với các thành phần có thể tái sử dụng sau mỗi lần phóng đã giúp chi phí giảm mạnh trên thị trường phóng vệ tinh thương mại đầy tiềm năng.

H3 được phát triển bởi Jaxa thông qua sự hợp tác của Mitsubishi Heavy Industries (MHI), chi phí phóng là 5 tỉ yen (37 triệu đô la Mỹ), chỉ bằng một nửa so với mẫu tên lửa H2A trước đó. So với chi phí để phóng Falcon 9, chi phí phóng H3 rẻ hơn 67 triệu đô la Mỹ.

Trước khi H3 ra mắt, Naohiko Abe, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc phòng và vũ trụ của MHI, nói với báo chí rằng tên lửa mới có lợi thế tiếp thị nhờ tên lửa tiền nhiệm H2A có tỷ lệ phóng thành công đến 98%. “Cùng với việc giảm chi phí đáng kể, H3 có thể cạnh tranh tốt hơn H2A trên thị trường hiện tại”, Abe nói.

Nhiều nhà phân tích nhận định, vụ phóng đầu tiên của H3 thất bại có thể làm Nhật Bản khó trở thành đối thủ đáng gờm trên thị trường phóng vệ tinh thương mại đông đúc.

Theo đó, Jaxa có thể mất hơn một năm để điều tra nguyên nhân lỗi động cơ và khởi động lại H3. Đến lúc đó, các đối thủ bao gồm SpaceX và Arianespace, một liên doanh giữa Airbus và tập đoàn công nghiệp hàng không Safran của Pháp có khả năng thành công trong việc giảm chi phí phóng hơn nữa.

Bước thụt lùi lớn

Theo Akira Sawaoka, chuyên gia không gian và là hiệu trưởng danh dự của Đại học Daido, Nhật Bản đã thụt lùi trong cuộc chạy đua trên thị trường phóng vệ tinh thương mại.

Hậu quả của vụ phóng tên lửa thất bại cũng có thể ảnh hưởng đến chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản trong lĩnh vực không gian. Chương trình tên lửa H3 trị giá 1,6 tỉ đô la của Jaxa đóng vai quan trọng trong tham vọng duy trì quyền tiếp cận không gian độc lập của Nhật Bản. Đây cũng là trụ cột trong chiến lược rộng lớn hơn về không gian của chính phủ.

Tên lửa H3 mang theo một vệ tinh quan sát trái đất và cảm biến hồng ngoại thử nghiệm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản để sử dụng trong việc giám sát những vụ phóng tên lửa và các hoạt động quân sự khác. Cả hai đều bị phá khi tên lửa tự hủy.

Hirotaka Watanabe, chuyên gia chính sách vũ trụ tại Đại học Osaka, nhận định tác động từ vụ phóng thất bại đối với các chương trình vệ tinh liên quan đến an ninh có thể chỉ ở mức hạn chế nếu Jaxa có thể giải quyết vấn đề và tái phóng H3 trong năm tài chính 2023-2024.

Theo Watanabe, đáng lẽ Nhật Bản cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng như đảm bảo khả năng quay trở lại sử dụng mẫu tên lửa tiền nhiệm H2A, vốn đã được lên kế hoạch dừng hoạt động vào năm tới.

Thất bại của các vụ phóng tên lửa không phải là điều bất thường nhưng thất bại của H3 là một bước thụt lùi lớn với một nước có nguồn kinh phí hạn chế và thiếu một chương trình quân sự giúp đẩy nhanh quá trình phát triển tên lửa.

“Ngân sách của Nhật Bản dành cho phát triển tên lửa ít hơn đáng kể so với các cường quốc khác”, Ko Ogasawara, giáo sư tại Đại học Khoa học Tokyo và là cựu kỹ sư tên lửa tại MHI nói và cho biết thêm cả Mỹ và Trung Quốc đều sử dụng tên lửa cho mục đích quân sự nhưng Nhật Bản thì không.

Với vụ phóng tên lửa H3, sau khi cất cánh thành công, động cơ giai đoạn hai của tên lửa này đã không kích hoạt khiến các kỹ sư ở cả MHI và Jaxa bối rối. Tháng trước, vụ phóng tên lửa H3 đã bị hủy bỏ do các động cơ đẩy không thể đánh lửa, một vấn đề mà Jaxa cho biết đã được giải quyết trước vụ phóng trong tuần này.

“Chúng tôi tin rằng trách nhiệm ban đầu là điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân sự cố bằng tất cả các nguồn lực. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức cùng với Jaxa trong vấn đề này”, MHI cho biết.

Ngoài việc xác định nguyên nhân chính xác của sự cố của động cơ giai đoạn hai, nhiều chuyên gia cho biết, thành công trong tương lai của chương trình tên lửa của Nhật Bản phụ thuộc vào việc giải quyết điểm yếu cơ bản trong chính sách không gian rộng lớn hơn của nước này.

Theo Haruhiko Kataoka, Phó Chủ tịch Viện Không gian và an ninh Nhật Bản, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển không gian của Nhật Bản không chỉ là chứng minh công nghệ mà còn liên kết với thương mại hóa. Trên thế giới, một sự thay đổi lớn hướng đến việc sử dụng một nền tảng thương mại vững chắc cho an ninh quốc gia nhưng Nhật Bản đứng sau Mỹ và châu Âu vì không làm điều này.

Theo Financial Times

1 BÌNH LUẬN

  1. Tin tốt chứ không phải tin xấu. Đối với lĩnh vực công nghệ cao, một khi thử nghiệm thất bại, chính là cơ hội rất tốt để mở đường cho sự thành công lớn lao sau này. Chấp nhận thử nghiệm có nghĩa là họ đã chấp nhận dấn thân trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học kỹ thuật. Trong sự nghiệp phát minh sáng tạo, không có gì quý bằng tinh thần dấn thân, đó mới là phẩm chất cao cường và cao quý nhất, cần thiết phải có để vươn tới mọi mục tiêu đã đặt ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới