Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phong tỏa biên giới, nông nghiệp Châu Âu ‘đỏ mắt’ tìm nhân công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phong tỏa biên giới, nông nghiệp Châu Âu ‘đỏ mắt’ tìm nhân công

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Châu Âu đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt rau quả tươi trong cơn khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 do các lệnh đóng cửa biên giới cản trở nguồn lao động mùa vụ từ các nước Đông Âu đến thu hoạch mùa màng ở các nước từ Anh, Pháp cho đến Ý, Đức.

Nông nghiệp gặp nguy cơ…

Phong tỏa biên giới, nông nghiệp Châu Âu 'đỏ mắt' tìm nhân công
Công nhân hái dâu ở một trang trại ở Sainte-Livrade-sur-Lot, tây nam Pháp. Ảnh: AFP

Khi các nước châu Âu siết chặt phong tỏa biên giới để ngăn chặn dịch đà lây lan của Covid-19, các nông dân ở Pháp, Anh, Đức, Ý và nhiều nước Tây Âu cảm thấy như ngồi trên đống lửa vì phần lớn hoạt động thu hoạch nông sản của họ phụ thuộc vào lực lượng lao động từ các nước Đông Âu.

Một số cánh đồng dâu tây và măng tây đang bị thối rữa ở Tây Ban Nha, Ý và Pháp do không có người thu hoạch.
Tại Anh, nhiều tổ chức cảnh báo chính phủ rằng nếu không khẩn cấp thuê bao các chuyến bay đưa lao động nông nghiệp từ Đông Âu đến để thu hoạch, rau quả tươi như măng tây, khoai tây, dưa chuột, cà chua, dâu tây, …sẽ bị bỏ mặc và thối rửa trên các cánh đồng khắp đất nước.

Một số trang trại nông nghiệp lớn ở Anh đã thuê bao các chuyến bay để đưa lao động từ Đông Âu đến nước này. Các tổ chức nông nghiệp và tuyển dụng lao động cho rằng chính phủ cần can thiệp và hỗ trợ tổ chức thêm chuyến bay thuê bao như vậy trước thực trạng chuỗi ung ứng nông nghiệp bi gián đoạn nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19.

Ngành nông nghiệp Anh cần tuyển dụng gấp 90.000 lao động làm việc trên các cánh đồng. Tổ chức từ thiện Concordia (Anh) đang tìm cách đưa 10.000 lao động nông nghiệp nước ngoài đến Anh, trong đó, một nửa đến từ các nước Liên minh châu Âu và nửa còn lại đến từ các nước Đông Âu như Nga, Moldova, Ukraine, Belarus, Georgia.

…nhưng dịch bệnh đang nguy cấp

Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Âu bên ngoài EU đã đóng cửa biên giới và phong tỏa đất nước của họ.
Dù phong tỏa toàn quốc, Bulgaria vẫn cho phép những lực lao động quan trọng bao gồm lao động nông nghiệp tự do di chuyển. Dù vậy, hầu hết các hãng hàng hàng không có đường bay đến Bulgaria bao gồm hãng hàng không giá rẻ EasyJet (Anh) đã dừng hoạt động tất cả máy bay.

Công đoàn nông dân quốc gia Anh và Hiệp hội cung ứng lao động Anh đang thảo luận kế hoạch thuê bao các chuyến bay đưa lao động từ Sofia (Bulgaria) đến London với chi phí 45.000 euro cho một chuyến bay chở 229 người, tức khoảng 250 euro/người.

Stephanie Maurel, Giám đốc điều hành Concordia, kêu gọi chính phủ Anh khẩn cấp hỗ trợ kế hoạch này.
Nick Marston, Chủ tịch Hiệp hội trái cây mùa hè, tổ chức đại diện cho nông dân trồng dâu tây, mâm xôi, việt quất, cherry ở Anh, cho biết ngành công nghiệp trái cây của ông đang trải giai đoạn khó khăn chưa có tiền lệ.

Năm ngoái, 98% lao động thu hoạch trái cây trên các cánh đồng ở Anh đến từ nước ngoài, phần lớn là từ Bulgaria và Romania.

Trước tình trạng thiếu hụt lao động từ nước ngoài, các nhà sản xuất rau quả ở Anh đang liên hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng để tuyển dụng các lao động bị tạm thời sa thải của họ.

Hôm 24-3, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp, Didier Guillaume, kêu gọi nhân viên phục vụ nhà hàng, thợ làm tóc, người bán hoa tươi và những người lao động khác đang bị tạm thời mất việc do dịch Covid-19 hãy đến các cánh đồng rau quả trên cả nước để hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản.

Hôm 26-3, chính phủ Pháp cho biết một trang web quốc gia tuyển dụng lao động nông nghiệp đã nhận được 40.000 đơn xin việc từ người dân trong nước. Khi mà trang trại ở nước này đang cần đến 200.000 lao động mùa vụ, việc tuyển đủ số người lao động Pháp mà hầu hết chưa có kinh nghiệm cắt hái rau quả hay vắt sữa, dường như là một nhiệm vụ quá sức.

Ông chỉ gà, bà xui vịt

Nhiều ý kiến chỉ trích việc cho phép tuyển dụng những người lao động chưa được huấn luyện để làm việc trên các cánh đồng giữa lúc chính phủ Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc đề ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Julien Odoul, một ủy viên hội đồng khu vực của đảng Tập hợp dân tộc của Pháp, viết trên Twitter: “Bộ trưởng Y tế kêu gọi chúng ta ở nhà để bảo vệ tính mạng, còn Thủ tướng thì siết chặt các lệnh hạn chế đi lại nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp lại kêu gọi người Pháp đến làm việc ở các cánh đồng!?”.

Tại Đức, các trang trại dựa vào 300.000 lao động mùa vụ từ nước ngoài để trồng và thu hoạch nông sản vào những tháng mùa xuân và mùa hè. Lệnh đóng cửa biên giới ở các nước châu Âu đang khiến họ thiếu hụt lao động trầm trọng.

Nông dân Malte Voigts đang trồng măng tây ở một trang trại ở thị trấn Kremmen, bang Brandenburg và thu hoạch vào thời kỳ mùa xuân (từ tháng 3 đến tháng 5). Nhưng giờ đây, ông và các nông dân khác trong vùng không tuyển đủ lao động mùa vụ từ nước ngoài.

Thông thường, Voigts cần 170 lao động, chủ yếu là người Romania để thu hoạch măng tây. Hiện nay, ông chỉ tuyển được một nửa con số đó và hầu hết họ là người lao động từ Cộng hòa Séc và Hungary đến Đức trước khi các lệnh phong tỏa biên giới được áp đặt. Hôm 25-3, Bộ Nội vụ Đức thông báo cấm nhập cảnh đối với tất cả lao động mùa vụ từ nước ngoài vì lo ngại họ có thể mang Covid-19 đến Đức.

Mạnh ai nấy làm

Măng tây được thu hoạch ở một trang trại ở Đức. Ảnh: DPA

Hàng ngàn nông dân Đức đã vào trên một trang web quốc gia để đăng tin tuyển dụng lao động cho các trang trại với mức lương tối thiểu 9,35 euro/giờ. Nhưng cho đến nay, trang web này chỉ nhận được 16.000 đơn xin việc. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Klöckner kêu gọi chính phủ cho phép những người tỵ nạn tại Đức đến làm việc trên các cánh đồng dù họ chưa được cấp giấy phép lao động.

Tại tỉnh Huelva, Tây Ban Nha, một công đoàn lao động nông nghiệp đang mở chiến dịch tuyển dụng người dân trong nước để giúp thu hoạch dâu tây khi các nông dân đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 9.000 lao động mùa vụ từ Morocco do các lệnh đóng cửa biên giới.

Tại Ý, tâm điểm của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 tại châu Âu, ngành rau quả tươi cũng đang khốn đốn vì khan hiếm lao động. Khoảng 25% nông sản của Ý được thu hoạch nhờ vào lực lượng lao động mùa vụ 370.000 người từ nước ngoài, chủ yếu là từ Đông Âu và họ đang bị cầm chân vì các lệnh phong tỏa biên giới.

Các trang trại ở Ý đang cần ít nhất 50.000 lao động mùa vụ nước ngoài trong mùa xuân này nhưng đến nay chỉ có 2.000 người lao động trong nước nộp đơn để thay thế họ.

Hiệp hội nông dân lớn nhất Ý Coldiretti đang kêu gọi chính phủ điều chỉnh điều kiện lương bổng để thu hút sinh viên, người nghỉ hưu và những người thất nghiệp ở trong nước đến làm việc ở các trang trại.

Theo New York Times, Guardian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới