Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phú Yên: Thiếu cỏ, bò tiếp tục chết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phú Yên: Thiếu cỏ, bò tiếp tục chết

Hoàng Xuân

Đàn bò chăn thả của người dân xã Eabia “gầy giơ xương” do thiếu cỏ – Ảnh: Hoàng Xuân

(TBKTSG Online) – Từ cuối tháng 3/2011 đến nay, tại huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) đã có gần 1.200 con bò bị chết. Dù đã làm đủ mọi cách nhưng nhiều hộ nuôi bò ở huyện Sông Hinh cũng chỉ biết “chôn chân” đứng nhìn đàn bò của mình tiếp tục lăn đùng ra chết. Và chưa bao giờ, người nông dân chăn nuôi bò gặp khó khăn như hiện nay.

Thiệt hại tiền tỉ

Một năm trở lại đây, khi giá mía, sắn tăng cao đột ngột (giá sắn lên tới 5.000 – 5.500 đồng/ký sắn củ (sắn lát) và 900 – 1.200 đồng/ký sắn cây; giá mía xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn), bên cạnh việc ồ ạt phát rẫy trồng hai loại cây này, các hộ dân (chủ yếu là các hộ nuôi bò) còn biến các đồng cỏ tự nhiên thành nương rẫy.

Nhưng ít ai ngờ rằng việc làm này khiến họ phải trả một cái giá quá đắt. Ông Ma Y Lách ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) nói trong nước mắt: “Đàn bò nhà tôi có 25 con. Do không có cỏ ăn nên bò suy kiệt cơ thể dẫn đến sức đề kháng kém. Để cứu đàn bò, tôi và các con phải xuống vùng đồng bằng thu gom cỏ, rơm về cho bò ăn nhưng cũng không ăn thua vì đâu đâu cũng thiếu cỏ. Thời gian qua, 11 con bò nghé trong đàn lần lượt lăn ra chết, số còn lại đang “sống dở chết dở”. Hiện cả nhà đứng ngồi không yên bởi phần lớn số bò này được gây dựng từ tiền vay ngân hàng”.

Cũng giống như tình cảnh của ông Ma Y Lách là hàng trăm hộ dân khác thuộc các xã Eabia, Ea Bar, Ea Ly, …Trong cơn tuyệt vọng, không ít hộ áp dụng sáng kiến nấu “cháo dinh dưỡng” gồm: cơm nguội, cám, chuối cây hoặc rau rừng, rau muống… để bò ăn no và tăng sức đề kháng. Tuy nhiên về lâu dài, cách này cũng chẳng khả thi bởi hầu hết đều là dân nghèo nên không kham nổi thực đơn tốn kém ấy.

Ông Niê Y BLý, Chủ tịch xã Eabia không giấu được vẻ chán nản: “Chỉ hơn một tuần qua, trên địa bàn xã tiếp tục có hơn 40 con bò chết do đói và bệnh tụ huyết trùng, tập trung ở các buôn Sung, Dành A, Dành B, Krông,…. Hiện nay số bò còn lại mặc dù vẫn sống khoẻ mạnh nhưng nhiều con đang có biểu hiện kiệt sức nên chúng tôi đang ra sức vận động bà con tích cực chăm sóc để cứu lấy chúng”.

Theo ông Niê Y BLý, vào thời điểm tháng 12/2010, tổng đàn trâu, bò của xã khoảng gần 3.800 con nhưng đến nay (tháng 5/2011) đã chết gần 700 con, giảm gần ¼ tổng đàn. Mỗi con bò chết từ 2 – 3 năm tuổi, giá bán trên thị trường từ 7 – 10 triệu đồng/con. Như vậy chỉ riêng xã Eabia, người dân thiệt hại hàng tỉ đồng.

Nhưng đáng lo hơn, hiện nay trên địa bàn xã không còn bãi cỏ nào đủ lớn để bà con chăn thả gia súc. Do thức ăn cho bò vô cùng khan hiếm, bò thường xuyên bị đói, suy kiệt, gặp thời tiết không thuận lợi sẽ lăn ra chết. Trong khi đó, theo UBND xã Ea Trol, hơn hai tháng nay, toàn xã có khoảng 200 con bò bị chết, đa số là bò của bà con buôn Ly, buôn Bầu dẫn đến tổng đàn trâu, bò của xã còn khoảng 2.900 con, giảm từ 38-39% so với tháng 12/2010. Còn ở xã Ea Bar, gần 3 tháng nay đã có khoảng 250 con bò bị chết, phần lớn thuộc các buôn đồng bào dân tộc thiểu số như buôn Thứ, buôn Trung, buôn Trinh…

Giá bò “rẻ như cho”

Theo ông Niê Y BLý, Chủ tịch xã Eabia, hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, mực nước ở các sông, hồ thủy điện đang xuống thấp. Do đó, nhiều khả năng, bò sẽ tiếp tục chết bởi tình trạng “đồng hoang cỏ cháy”. Trước đây, khi số bò chết còn ít, bà con thường xẻ thịt, chia cho nhau như là cách để an ủi và chia sớt nỗi buồn. Nhưng bây giờ, bò chết nhiều quá, nhà nào nhà nấy cũng “sơ sơ vài chú” nên bà con chỉ biết mổ thịt, ướp muối ăn dần hoặc bán rẻ. Còn những con bò đang sống khỏe mạnh, các hộ chăn nuôi cũng đành “bán đổ, bán tháo” cho thương lái với giá “rẻ như cho”.

Bà Ale Hgái ở buôn Thu, xã Ea Trol, cho biết: “Mới đây, tôi kêu phường buôn đến mua ba con bò nhà bị chết nhưng họ chỉ trả 500.000 đồng. Biết là bị ép giá, nhưng không thể không bán bởi nếu để lại chỉ mất công đem bò đi chôn”. Bởi giá một con bò chết nặng hàng tạ chỉ ngang bằng một kilogam thịt bò tươi trên thị trường nên các phường buôn ngày đêm “canh gác” tại các buôn để tranh nhau mua. Người bán chỉ cần đánh tiếng là ngay lập tức, phường buôn sẽ có mặt để ngã giá.

Do đó, những ngày qua, trên các tuyến đường ĐT645, ĐT643, trục dọc miền tây Phú Yên xuất hiện rất nhiều cửa hàng bán thịt bò chết di động. Theo các thương buôn, các cửa hàng này chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ thịt bò chết, còn đa số được chuyển đến các chợ đông dân cư trong và ngoài tỉnh.

Bò “nhú” rớt giá thê thảm kéo theo giá bò giống cũng xuống thấp chưa từng thấy. Và cũng chưa bao giờ giá bò giống lại rẻ mạt như hiện nay: một con bê chừng một tuổi, nặng khoảng 35 – 40kg chỉ bán được 350.000 – 400.000 đồng. Trước đây, một nghé con chừng 3 tháng đã có giá trên một triệu đồng, còn hiện nay, do lo sợ bò tiếp tục chết nên các hộ đua nhau giảm đàn nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Nắm bắt tâm lý người dân, các thương lái tranh thủ liên kết với nhau để “dìm” giá. Ông Kso Y Lanh ở buôn Bầu, xã Ea Trol chỉ tay theo ba con bê đang được lái buôn đưa lên xe chở đi,cho biết: “Vì thiếu cỏ nên gần chục con bò của gia đình tôi đã chết . Còn ba con bê này, tôi buộc phải bán hết cho phường buôn chứ để lại sợ chết thêm nữa. Ba con bê gần 2 tuổi chỉ bán được 1,2 triệu đồng, nhưng dù sao vẫn đỡ hơn khi bán bò chết”.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, hiện nay, để giảm thiểu thiệt hại, địa phương đang vận động bà con không nên mở rộng diện tích trồng mía, sắn; đồng thời tập trung tăng năng suất trồng bắp, cỏ cũng như tận dụng đọt mía nhằm bổ sung thức ăn cho đàn gia súc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới