Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ CNTT: Phòng cháy hơn chữa cháy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ CNTT: Phòng cháy hơn chữa cháy

Phòng ngừa bằng một giải pháp phục hồi dữ liệu, có thể khôi phục hoạt động doanh nghiệp nhanh chóng khi có các thảm hoạ công nghệ thông tin (CNTT) xảy ra bởi nguyên do thiên tai hoặc các sự cố ngoài ý muốn… thay vì để đến lúc mất dữ liệu mới lo khắc phục, sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tổn thất to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

86% doanh nghiệp bị “chết mạng”

Theo thống kê từ nhiều tổ chức công nghệ thì có đến 86% doanh nghiệp đối mặt với trường hợp down-time (thời gian chết của hệ thống mạng) từ một đến nhiều lần trong một năm. Ở Việt Nam, tạm thời chưa tính đến ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, mưa bão, động đất… thì các loại sự cố như điện chập chờn, sét đánh, máy chủ lưu trữ email bị hỏng… vẫn diễn ra thường xuyên.

Bà Nguyễn Ngọc Phương Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Lạc Việt, cho rằng: Nếu máy chủ hư, thay cái mới; phần mềm hư, cài đặt lại dễ dàng… nhưng khi dữ liệu bị hỏng thì doanh nghiệp sẽ khó mà phục hồi lại nếu như chưa có một giải pháp thích hợp.

Ước tính, trong tổng số 100 doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ có 10% doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau thảm hoạ CNTT. Đây là các doanh nghiệp lớn, có hệ thống CNTT và đội ngũ nhân sự quản lý hệ thống CNTT chuyên nghiệp.

Đặc biệt, với con số chi phí tổn thất được ước tính là 84.000 đô la Mỹ/giờ cho việc khắc phục thảm hoạ CNTT thì Doanh nghiệp sẽ càng có thêm lý do để trang bị hệ thống phòng chống, phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ CNTT (Diaster Recorvery) ngay từ lúc này. Bởi theo ông Lê Hùng Sơn, phụ trách Marketing các giải pháp doanh nghiệp ở Lạc Việt chia sẻ thì: “chi phí để khắc phục sau thảm hoạ bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với chi phí phòng tránh. Đồng thời việc phải tốn bao nhiêu thời gian để phục hồi sau thảm hoạ sẽ quyết định khả năng doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trở lại trong môi trường kinh doanh hay không!”.

Tại hội thảo với chủ đề “Đột quỵ” hoạt động doanh nghiệp: Có phải mất bò mới lo làm chuồng? do Lạc Việt phối hợp cùng Dell tổ chức tại TPHCM vừa qua, đã gia tăng nhận thức của các doanh nghiệp về nguy cơ của việc mất mát dữ liệu, gây đình trệ hệ thống mạng thì luôn thường trực và đa dạng, đe doạ trực tiếp đến khả năng hoạt động liên tục và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ CNTT: Phòng cháy hơn chữa cháy
Bà Nguyễn Ngọc Phương Mai – Phó tổng giám đốc Công ty Lạc Việt – khai mạc buổi Hội thảo về phục hồi dữ liệu do Lạc Việt & Dell tổ chức.

Theo một số nghiên cứu về các thảm hoạ CNTT trên thế giới, có hơn 90% trường hợp các công ty khi xảy ra thảm họa CNTT, dữ liệu bị mất và hơn 10 ngày không thể phục hồi đã đi đến phá sản trong vòng một năm sau đó. Đây là nguy cơ lớn, cần cảnh báo.

Đại diện của Dell Việt Nam cũng cho rằng, không chỉ có mất mát dữ liệu, nếu xảy ra sự cố đối với trung tâm dữ liệu có thể dẫn đến nguy cơ bị thiệt hại tính mạng. Ông đã dẫn chứng sự cố cháy trung tâm dữ liệu của một công ty ở Canada; do vào thời điểm đó có một số trường hợp mổ cho bệnh nhân nhưng không thể nào kết nối với hệ thống để lấy dữ liệu. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân đang nằm trên bàn mổ.

“Bảo hiểm” cho tương lai

Xét đến tác hại của việc mất mát dữ liệu, hệ thống mạng bị tê liệt (down-time)… ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc phòng chống thảm hoạ. Đã có những doanh nghiệp xây dựng hệ thống dự phòng DR site (Disaster Recorvery site) để có thể phục hồi dữ liệu một cách nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại do hệ thống bị tê liệt hàng giờ liền.

Theo ông Lê Thành Trung, phụ trách hệ thống mạng/phần cứng của Công ty De Heus, khi xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên, chúng tôi chỉ nghĩ đến giải pháp sao lưu (backup) chứ chưa tính đến việc phòng chống thảm hoạ CNTT.

Sau này khi hệ thống của công ty tăng nhanh số lượng người dùng, dữ liệu lưu trữ cũng tăng theo; De Heus phải tính đến việc xây dựng hệ thống DR site để nhanh chóng khắc phục thảm hoạ CNTT (nếu xảy ra).

Lạc Việt đã tư vấn và triển khai xây dựng một trung tâm dữ liệu mới hoàn toàn ở Đồng Nai cho công ty De Heus; biến trung tâm dữ liệu cũ ở Bình Dương trở thành DR site. Giải pháp này giúp De Heus luôn chủ động nếu xảy ra thảm hoạ CNTT; đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động trung tâm dữ liệu chính từ một trung tâm dữ liệu dự phòng cách xa 30 kí lô mét.

Giải pháp Lạc Việt xây dựng cho công ty De Heus đáp ứng ba mục tiêu cần thiết cho một DR Site: Giảm thiểu thời gian “chết mạng”; giảm thiểu rủi ro và giảm thiểu chi phí đầu tư và quản lý.

Mỗi khi có thảm họa CNTT hoặc sự cố liên quan đến hệ thống CNTT xảy ra, mối lo ngại hàng đầu của doanh nghiệp là mất mát dữ liệu và việc phải tốn nhiều thời gian để phục hồi hệ thống. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị gián đoạn, niềm tin của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bị lung lay.

Các doanh nghiệp sẽ phải nhìn về tương lai, nghĩ đến sự thiệt hại, mất mát lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra đầu tư hệ thống phòng chống thảm hoạ CNTT. “Bảo hiểm” cho tương lai và nâng tính chuyên nghiệp của hệ thống CNTT cũng là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm đến.

Sự cố đe doạ hệ thống mạng doanh nghiệp

Các sự cố gây gián đoạn hệ thống mạng hoặc dẫn đến thảm hoạ CNTT có thể liệt kê như: Do lỗi ứng dụng, thao tác cập nhật của con người khi vận hành hệ thống (60-70%); do cháy nổ (26%); hoặc xuất phát từ các thảm hoạ tự nhiên (10%) như động đất, lũ lụt, núi lửa…

Tìm hiểu thêm về nội dung phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ tại: www.lacviet.vn 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới