Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phục hồi giáo dục sau Covid: Cần chương trình linh hoạt

Anh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việc đưa giáo dục trở lại nguyên trạng như thời chưa xảy ra đại dịch Covid-19 nay là một nhu cầu rất cấp thiết. Bởi nếu còn chần chừ, còn chậm trễ trong chuyện này sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích học tập, sức khỏe tâm sinh lý học sinh và tương lai của sinh viên khi ra trường. Nhìn rộng ra, nó còn gây ảnh hưởng đến cả gia đình, xã hội và nền kinh tế trong dài hạn.

Trong khi các nhà quản lý giáo dục nóng lòng với nhu cầu hồi phục, sức ép phải nhanh chóng phục hồi việc dạy và học sao cho nhanh chóng và hữu hiệu lại dồn lên giáo viên – những người đang cùng học sinh, sinh viên trải qua thời gian căng thẳng cả về kiến thức, thể lý và tâm thần. Thực trạng này rất cần được phân tích, nhìn nhận và đưa ra những giải pháp phục hồi bền vững hơn.

Trước hết, đại dịch ảnh hưởng đến việc học rất khác nhau giữa các quốc gia, thành phố; càng khác nhau về khả năng duy trì và bổ sung kiến thức học tập giữa các thành phần dân cư trong lúc có dịch; và càng phức tạp khi cường độ và làn sóng dịch bệnh diễn ra không đồng đều, đồng thời làm cho những cố gắng hồi phục tạm thời gần như vô vọng.

Các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bản đồ giáo dục của các quốc gia và cộng đồng với những khoảng thời gian mà hoạt động giáo dục bị ngừng trệ hay mất đi vì Covid-19 rất khác nhau(*). Theo đó, trong 23 tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, trung bình học sinh trên toàn thế giới mất khoảng tám tháng học tập, với sự chênh lệch đáng kể: ở Bắc Mỹ và châu Âu là hơn bốn tháng, trong khi Nam Á, Nam Mỹ và vùng Caribe là hơn một năm; ở Nhật Bản và Úc chỉ mất chừng hơn hai tháng trong khi Philippines và Indonesia có thể đã ngừng trệ tới hơn 12 tháng.

Trong thực tế, ngay cả ở một cộng đồng nhỏ nhất, khoảng thời gian học trò không được đến trường cũng dài ngắn không giống nhau, cộng với các điều kiện tiếp cận học tập còn nhiều chênh lệch… dẫn tới những hệ lụy khác nhau. Khoảng cách về cơ hội và thành tích giữa các em ngày càng mở rộng là một thực tế và đây là điều các nhà làm giáo dục phải thận trọng khi xây dựng các chương trình phục hồi giáo dục, nhằm tránh tình trạng áp đặt chương trình phục hồi giáo dục chung cho tất cả, gồm cả thành thị và nông thôn. Tương tự, những chương trình nâng cao theo kế hoạch định sẵn chỉ đưa về cho những trường học phù hợp chứ không đưa đại trà cho tất cả.

Giải pháp kết hợp học tập từ xa rất đa dạng. Tuy nhiên, ở một số nơi, học sinh được hỗ trợ bởi truy cập Internet, thiết bị, hệ thống quản lý học tập, phần mềm thích ứng, hội nghị truyền hình trực tiếp với giáo viên và bạn bè, kể cả thuê chuyên gia hỗ trợ học tập từ xa. Trong khi rất nhiều học sinh nơi khác chỉ có quyền truy cập vào các chương trình phát thanh hoặc truyền hình, tài liệu bản cứng và nhắn tin văn bản. Thậm chí nhiều học sinh, sinh viên có thể không được tiếp cận với bất kỳ lựa chọn học tập nào!

Nhu cầu phục hồi giáo dục, phục hồi trường lớp là rất quan trọng, bởi lẽ những ảnh hưởng của đại dịch vượt ngoài khả năng học tập. Phần lớn các cuộc đối thoại xung quanh hệ thống trường học tập trung vào thành tích giáo dục, nhưng những gì mà các trường học cung cấp không chỉ là việc giảng dạy học thuật.

Đóng góp của hệ thống trường học có thể bao gồm tương tác xã hội; cơ hội để học sinh xây dựng mối quan hệ với những người lớn quan tâm; cơ sở cho các hoạt động ngoại khóa từ nghệ thuật đến điền kinh; một điểm truy cập cho các dịch vụ sức khỏe thể chất và tinh thần; kể cả việc đảm bảo các bữa ăn cân bằng một cách thường xuyên. Niên học cũng có thể cho phép học sinh theo dõi sự tiến bộ của mình và kỷ niệm các cột mốc quan trọng. Khi các trường học phải đóng cửa trong một thời gian dài hoặc chuyển sang hình thức học tập kết hợp, học sinh đã bị tước bỏ nhiều quyền lợi này.

Cuối cùng, trình độ học tập thấp – ở đây được định lượng bằng thời gian bị chậm trễ giáo dục – dẫn đến tiềm năng thu nhập trong tương lai thấp hơn cho sinh viên và năng suất kinh tế thấp hơn cho các quốc gia. Nghiên cứu đã cho thấy trình độ học vấn cao hơn dẫn đến tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực đổi mới của nền kinh tế.

Trừ khi tác động của đại dịch lên việc học của học sinh được giảm thiểu và học sinh được hỗ trợ để bắt kịp việc học bị bỏ lỡ, nền kinh tế toàn cầu có thể trải qua mức tăng trưởng GDP thấp hơn trong suốt thời gian của thế hệ này, và viện McKinsey dự báo mức thiệt hại hàng năm trên toàn thế giới có thể lên đến 1.600 tỉ đô la Mỹ, tương đương 0,9% tổng GDP toàn cầu.

Do vậy, nền giáo dục hậu Covid đòi hỏi nhiều hơn là những chương trình, kế hoạch thường niên định sẵn của các quốc gia và tổ chức. Có thể kể đến bốn giải pháp cho vấn đề này.

Trước hết là làm tăng khả năng chịu đựng (resilience) bằng việc mở lại trường học một cách an toàn trong bối cảnh đại dịch chưa chấm dứt.

Thứ hai, nên cho đăng ký lại (reenrollment) theo trình độ hiện hữu của học sinh, tránh việc kéo lùi trình độ học vấn chung.

Thứ ba, tìm giải pháp phục hồi (recovery) trên cở sở lấy lại những gì đã mất, tạo đà tiến cho những năm tới.

Và thứ tư – rất quan trọng, là đưa ra các sáng kiến (reimagining) để giáo dục không bị động quá nhiều vì đại dịch như hiện nay, trong đó lưu ý đến vai trò của công nghệ giáo dục, đặc biệt phải vượt qua những thách thức về vốn con người, tăng tốc áp dụng kỹ thuật số khi bình thường cũng như trong đại dịch.

———

(*) https://www.mckinsey.com/industries/education/our-insights/how-covid-19-caused-a-global-learning-crisis

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới