Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phục hồi thương mại toàn cầu có thể đã đạt đỉnh sau cú sốc Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phục hồi thương mại toàn cầu có thể đã đạt đỉnh sau cú sốc Covid-19

Khánh Lan

(KTSG Online) – Đà phục hồi mạnh mẽ của thương mại toàn cầu sau cú sốc Covid-19 trong năm 2020 có thể đã đạt đỉnh và sự suy giảm sắp đến có thể tồi tệ hơn do các đợt bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19 xảy ra khắp nơi trên thế giới, theo nhận định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong tuần này, WTO công bố báo cáo cho biết chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 110,4 điểm, cao hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái và cao chưa từng thấy kể từ lúc tổ chức này theo dõi chỉ số này vào tháng 7-2016. Trong tháng 5-2020, chỉ số này lao dốc về mức thấp kỷ lục 87,6 điểm.

Phục hồi thương mại toàn cầu có thể đã đạt đỉnh sau cú sốc Covid-19
Container tập kết ở cảng nước sâu Dương Sơn tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Cú bật tăng của chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu phản ánh sức mạnh tăng trưởng thương mại toàn cầu hiện tại lẫn cơn suy giảm sâu về thương mại do cú sốc Covid-19 vào năm 2020”, báo cáo của WTO cho hay. Tuy nhiên, WTO cho biết đà tăng trưởng thương mại toàn cầu đang giảm tốc và có thể báo hiệu xung lực tăng trưởng thương mại đã đạt đỉnh.

Chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu của WTO được xây dựng dựa trên các chỉ báo kinh tế quan trọng chẳng hạn đơn hàng xuất khẩu toàn cầu, thương mại linh kiện điện tử và hàng hóa nông nghiệp. Nó được thiết kế để phản ánh sự tiến triển của thương mại hàng hóa toàn cầu vào thời điểm hiện hành và trong ngắn hạn.

Trong báo cáo lần này, các chỉ báo như giá cước vận chuyển hàng không, vận tải biển và giá các nguyên liệu thô đều gia tăng nhưng đơn hàng xuất khẩu mới đang tăng chậm lại rõ rệt.

Báo cáo nhấn mạnh: “Triển vọng thương mại thế giới tiếp tục bị phủ bóng bởi các rủi ro suy giảm, bao gồm đà phục hồi không đồng đều giữa các khu vực, sự suy yếu kéo dài của thương mại dịch vụ và tốc độ tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp, đặc biệt là ở các nước nghèo. Covid-19 tiếp tục áp đặt mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng thương mại khi các làn sóng lây nhiễm mới có thể dễ dàng gây tổn hại cho đà phục hồi”.

Sự trỗi dậy của các đợt bùng phát dịch do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trên toàn cầu đã làm dấy lên các mối lo ngại mới. Các nhà kinh tế đang điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng GDP ở các khu vực như châu Á và Bắc Mỹ. Họ cho rằng các lệnh phong tỏa ở các trung tâm sản xuất của châu Á sẽ là tâm điểm của sự suy giảm thương mại trong nửa cuối năm nay,

Nhà kinh tế cấp cao Bansi Madhavani ở bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng AZN cho rằng tình trạng thắt nút cổ chai ở các chuỗi cung ứng sẽ làm suy yếu động lực tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa công nghệ của châu Á theo mùa vụ.

Giai đoạn giữa tháng 8 và tháng 12 thường là thời kỳ nhu cầu hàng hóa công nghệ xuất khẩu của châu Á lên đỉnh điểm. Nhưng ông cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Đông Nam Á trong mùa xuất khẩu hàng công nghệ của năm nay.

Hãng chip Infineon (Đức) đã phải đóng cửa nhà máy ở Malaysia vào đầu tháng 8. Hãng điện tử Samsung cũng giảm công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Trong khi đó, hãng xe Toyota đã tạm dừng hoạt động ở 3 nhà máy tại Thái Lan. Madhavani cho rằng việc Trung Quốc  đóng cửa một kho cảng ở Ninh Ba-Chu Sơn, cảng container lớn thứ 3 thế giới, cũng sẽ gây áp lực thêm cho hoạt động xuất khẩu.

Shahana Mukherjee, nhà kinh tế ở Công ty Moody's Analytics, cho biết tổn hại kinh tế do các đợt bùng phát lây lan biến thể Delta sẽ thể hiện rõ rệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bà nói: “Các nước trước đây kiểm soát dịch bệnh tốt như Trung Quốc và Úc cũng đang chật vật ứng phó với biến thể Delta bằng cách đặt hàng triệu người dân dưới lệnh phong tỏa”.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã chậm lại khi các nước phương Tây bắt đầu tái mở cửa và phục hồi sản xuất. Bà Shahana Mukherjee cho rằng: “Các hạn chế đi lại kéo dài không chỉ đang làm gián đoạn đà phục hồi nhu cầu nội địa mới hình thành ở các nước châu Á mà còn có thể làm chậm lại tăng trưởng thương mại của họ đến mức làm trầm trọng thêm các gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực, buộc các nhà sản xuất phải hấp thụ chi phí đang gia tăng để giảm tác động của nhu cầu đang suy giảm”.

Thương mại của Mỹ cũng đối mặt với những cản lực trong nửa cuối năm nay. Nhà kinh tế Mahir Rasheed ở Công ty tư vấn Oxford Economics dự báo tốc độ nhập khẩu hàng hóa Mỹ sẽ chậm lại vì người dân nước này đang chuyển sang tiêu dùng các dịch vụ sau khi đổ xô mua sắm các sản phẩm từ laptop, webcam cho đến thiết bị tập thể dục trong thời kỳ đầu của dịch bệnh.

Ông nói: “Dù chúng tôi kỳ vọng thương mại sẽ tiếp tục bình thường hóa, triển vọng thương mại toàn cầu vẫn đối mặt với các rủi ro gồm các đứt gãy trong chuỗi cung ứng do tác động của Covid-19, sự thận trọng của người tiêu dùng khi biến thể Delta trỗi dậy và các căng thẳng vẫn leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc”

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới