Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phương Đông vươn lên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phương Đông vươn lên

Điện thoại IPhone mang thương hiệu Mỹ nhưng được sản xuất ở châu Á.

(TBKTSG) – Châu Á đang làm xói mòn vị trí lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Để nhận diện sự phân bổ về địa lý của nền công nghệ thế giới, bạn chỉ cần tháo bung chiếc điện thoại iPhone nổi tiếng của hãng Apple.

Mặc dù Apple – cha đẻ của iPhone – là một công ty Mỹ, nhưng nó chẳng đóng góp cái gì vào thành phần vật lý của chiếc máy; tất cả linh kiện đều được sản xuất ở châu Á: màn hình từ Nhật Bản, bộ nhớ từ Hàn Quốc, bản mạch từ Đài Loan và lắp ráp tại Trung Quốc. Đóng góp của Apple là thiết kế và phần mềm – quan trọng hơn nữa là kết hợp những thành quả lao động của người khác.

Cũng giống như iPhone, toàn bộ ngành công nghệ cao diễn ra theo mô hình đó. Những công ty lớn nhất và tinh thông công nghệ nhất đều nằm ở Mỹ và châu Âu; nhưng sự thống trị của họ trong lĩnh vực nghiên cứu, canh tân và sản xuất đang bị các công ty châu Á thách thức. Một báo cáo mới của Tổ chức các nước công nghiệp phát triển OECD đưa ra những dữ liệu cho thấy quy mô của sự chuyển dịch này.

Mỗi năm thế giới chi ra khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các lĩnh vực máy tính, viễn thông và điện tử.

Nước Mỹ chiếm hơn một phần ba. Nhưng trong khi đầu tư cho R&D ở các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu chỉ tăng thêm khoảng 1-2% trong giai đoạn từ 2001-2006, thì ở Trung Quốc mức tăng này là 23%.

Giờ đây Trung Quốc đã gần vượt qua Nhật Bản về tổng chi tiêu cho nghiên cứu cho dù một thập niên trước họ bắt đầu từ con số không. Tính tỷ lệ chi cho đầu tư nghiên cứu so với tổng sản lượng quốc gia (GDP), Trung Quốc hiện đã ngang bằng với Liên hiệp châu Âu, khoảng 1% GDP.

Nghiên cứu của OECD cho thấy hiện Đài Loan có nhiều nhà nghiên cứu công nghệ cao hơn cả Anh Quốc. Và danh sách 250 công ty công nghệ lớn nhất thế giới cho thấy các công ty Đài Loan đầu tư vào R&D nhiều hơn các công ty Anh Quốc và Canada.

Nghiên cứu đó cũng cho thấy, các kiểu nghề nghiệp là khác nhau: người Đài Loan nói chung làm những công việc ở hạ nguồn như sản xuất chip bán dẫn; những nhiệm vụ tinh vi hơn, chẳng hạn như thiết kế mạch điện của các con chip phần lớn được thực hiện ở phương Tây.

Sự tăng trưởng ấn tượng nhất diễn ra ở Hàn Quốc. Năm 2007, đầu tư vào R&D của Samsung nhiều hơn của IBM (Mỹ) và công ty này đã nhảy lên vị trí thứ hai về số lượng bằng sáng chế được Văn phòng Sáng chế của Mỹ cấp (IBM vẫn giữ vị trí thứ nhất); trong khi một thập niên về trước Samsung còn chưa có tên trong danh sách mười doanh nghiệp dẫn đầu.

Tỷ lệ đầu tư vào R&D so với tổng doanh số của các công ty Hàn Quốc là 6,5%, cao hơn các công ty châu Âu và Nhật Bản (5%) và đang tiến sát các công ty Mỹ (8%). Giờ đây Hàn Quốc có nhiều chuyên viên nghiên cứu công nghệ cao hơn cả Anh Quốc và Đức.

Theo Sacha Wunsch-Vincent, một trong các tác giả công trình nghiên cứu của OECD, các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy rõ cuộc cạnh tranh giữa “châu Á mới” và “châu Á cũ”. Những ngọn cờ đầu khu vực như Nhật Bản và Đài Loan đang bị thách thức bởi Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tỷ lệ đầu tư cho R&D so với doanh số của các công ty công nghệ hàng đầu ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang đứng yên hoặc suy giảm trong khoảng thời gian từ 2002-2006, nhưng tăng nhanh ở ba nước “châu Á mới”.

Cuộc chuyển dịch thực sự diễn ra trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất máy vi tính, ở đó vai trò của Mỹ và Đông Á đã khác nhau một cách ngoạn mục. Số doanh nghiệp Mỹ chi tiêu vào nghiên cứu trong lĩnh vực dịch vụ tin học tăng gấp ba lần trong thập niên vừa qua, trong khi đó các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc không chi tiêu nhiều để phát triển dịch vụ mà tập trung vào phần cứng, là cái cụ thể nhưng mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp.

Trong lĩnh vực máy tính và thiết bị văn phòng, như máy photocopy chẳng hạn, các công ty Mỹ và Nhật đã thực sự hoán vị cho nhau: chi phí R&D của Mỹ cho những sản phẩm đó đã giảm hơn một phần ba trong thập niên từ 1996-2005, trong khi của Nhật đã tăng hơn gấp đôi con số mà người Mỹ thường bỏ ra, vào khoảng 13 tỉ đô la.

Ngay cả cấu trúc của mạng thông tin toàn cầu Internet tự nó cũng có vẻ ngày càng xa rời đất Mỹ. Theo TeleGeography, một công ty nghiên cứu về viễn thông, năm 1999 có khoảng 90% lượng truy cập quốc tế của châu Á đi ngang qua nước Mỹ, năm 2008 tỷ lệ này chỉ còn 54%. Đây lại là một ví dụ nữa cho thấy công nghệ cao, một thời do người Mỹ thống trị, nay đã thực sự toàn cầu hóa như thế nào.

THÁI BÌNH (theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới