Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phương Tây đưa vào tầm ngắm các bất động sản triệu đô của giới nhà giàu Nga

Chánh Tài (Theo AFP, Bloomberg)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việc các nước phương Tây thu giữ một số siêu du thuyền trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ của giới tài phiệt Nga như là một phần của lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow đã gây sự chú ý của truyền thông. Giờ đây, mục tiêu tiếp theo mà phương Tây nhắm đến là các biệt thự, lâu đài, resort trị giá hàng chục triệu đô la của họ.

Danh sách ngày càng mở rộng

Sau khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đã phối hợp tung ra đòn trừng phạt chưa có tiền lệ nhằm vào các nhân vật quan trọng trong giới tinh hoa và quyền lực của Nga vì cho rằng họ là lực lượng hậu thuẫn, tạo bệ đỡ vững chắc cho quyền lực của Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Danh sách bị trừng phạt, vẫn còn đang mở rộng, bao gồm hàng trăm nghị sĩ, quan chức quân sự cấp cao, nhà báo nổi tiếng, nhà tài phiệt và các lãnh đạo ngành tài chính của Nga. Biện pháp trừng phạt chủ yếu là phong tỏa và đóng băng các tài sản của họ bao gồm bất động sản, du thuyền, máy bay riêng….

Lâu đài 15 phòng ngủ trị giá 150 triệu bảng ở London, của tỉ phú Nga, Roman Abramovich đã bị phong tỏa. Ảnh: Daily Mail

Sức ép lệnh trừng phát khiến giới giàu có của Nga âm thầm tìm cách bán các bất động sản trị giá hàng trăm triệu đô la tại các bang như New York, Florida, California.

Trước đó, giới chức trách Ý đã thu giữ các du thuyền khác trị giá hàng chục triệu euro của ông trùm ngành thép, Alexei Mordashov và tỉ phú Gennady Timchenko, một người thân tín của ông Putin. Họ cũng đã phong tỏa một biệt thự của nhà tài phiệt Nga, Alisher Usmanov và một biệt thự khác của người dẫn chương trình đài truyền hình Moscow TV, Vladimir Soloviev. Cả hai bất động sản này có trị giá ước tính 25 triệu đô la.

Trong những ngày gần đây, một số nghị sĩ ở Nghị viện châu Âu kêu gọi EU tịch thu tài sản của các tài phiệt Nga để bồi thường cho những thiệt hại mà người dân Ukraine gánh chịu trong chiến tranh. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính và Văn phòng Ngoại giao Anh phản đối vì cho rằng kế hoạch này không ổn về mặt pháp lý.

Tâm điểm là “Londongrad”

Vương quốc Anh là một trong những nước phương Tây được giới giàu có Nga yêu chuộng nhất khi họ rửa tiền và cất giấu của cải thông qua các tài sản tài chính hoặc bất động sản, đến nỗi thủ đô London được biệt danh là “Londongrad” (grad là thuộc ngôn ngữ Slavic cổ, nguồn gốc hình thành nên tiếng Nga, có nghĩa là thành phố). Từ “grad” được thêm vào sau từ London để thành phố này nghe có vẻ Nga hơn vì nó là nơi trú ẩn tài sản của giới tài phiệt Nga.

Barrington cho biết khoảng 1,9 tỉ đô la quyền sở hữu bất động ở các khu vực đắc địa ở London như Kensington, Chelsea và Hampstead đều có dấu vết liên quan đến các tài phiệt Nga. Và đó chỉ là một nhỏ trong danh mục bất động sản mà họ đang nắm giữ tại London.
Chỉ riêng tỉ phú Roman Abramovich, ông chủ đội bóng Chelsea, sở hữu ít nhất 70 bất động sản ở Anh, có tổng trị giá khoảng 500 triệu bảng, bao gồm một lâu đài 15 phòng ngủ ở khu phố Kensington Palace Gardens tại London.

Các tài phiệt Nga thường sử dụng cấu trúc quyền sở hữu tài sản phức tạp để giảm thiểu các hóa đơn thuế hoặc gây khó khăn cho việc xác định chủ sở hữu thực sự của một tài sản.
Các chuyên gia không thể ước tính được quy mô khối lượng tài sản của giới tinh hoa Nga đang nắm giữ ở các nước phương Tây.

Jodi Vittori, giáo sư chuyên về tham nhũng tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết khi nói đến việc quản lý tiền , các nhà tài phiệt Nga không thực sự tự nhúng tay vào. “Họ có một đội ngũ hỗ trợ thực hiện việc này cho họ, bao gồm các luật sư, kế toán và nhà kinh doanh tác phẩm nghệ thuật”, Vittori nói.

Theo Sara Brimbeuf, khi báo cáo tài sản hoặc giao dịch đáng ngờ cho cơ quan chức năng, “không phải tất cả họ đều làm những gì phải làm” theo các yêu cầu của luật chống rửa tiền ở nhiều quốc gia phương Tây.

Việc xác định nguồn gốc và chủ nhân thực sự của các bất động sản liên quan đến giới tài phiệt Nga có thể gian nan và mất nhiều thời gian vì giới chức trách phải tỉ mẩn điều tra manh mối từ một loạt các công ty bình phong và cấu trúc sở hữu phức tạp. Julien Martinet, luật sư tại Công ty Swiftligation (Pháp) nói rằng cần huy động đáng kể các dịch vụ tình báo để làm nhiệm vụ truy lùng tài sản này.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, Le Maire cảnh báo ngay cả “các đối tác, con cái, các công ty nắm giữ tài sản của các tài phiệt Nga” sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, đến mức họ sẽ không thể che giấu tài sản bằng các cấu trúc tài chính tinh vi.

Tuy nhiên, luật sư Martinet cho biết tại Pháp, khi giới chức trách can thiệp vào quyền sở hữu tài sản cá nhân, họ phải sử dụng luật, chứ không thể dựa vào một quy định hay sắc lệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới